Nâng cao năng lực giữ rừng từ dịch vụ môi trường rừng

TRẦN NGUYỄN 05/07/2023 16:10

(QNO) - Từ nguồn chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều chủ rừng, cồng đồng thôn ở các địa phương miền núi có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, đồng thời được chia sẻ những kiến thức, nghiệp vụ lâm sinh để trở thành lực lượng bảo vệ rừng (BVR) chuyên nghiệp. 

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Vườn quốc gia Sông Thanh trong chuyến tuần tra rừng trong lâm phận quản lý.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Vườn quốc gia Sông Thanh trong chuyến tuần tra rừng trong lâm phận quản lý.

Đầu năm 2023, Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh xây dựng phương án thu chi tiền chi trả DVMTR với kinh phí dự kiến hơn 26 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2023, chủ rừng này đã chủ động chi hơn 4,6 tỷ đồng cho hoạt động cung ứng DVMTR, ổn định thu nhập cho lực lượng chuyên trách BVR.

Đến nay, Vườn quốc gia Sông Thanh đã ký hợp đồng với 219 người, phần lớn là thanh niên địa phương khỏe mạnh, được đào tạo về nghiệp vụ lâm sinh. Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng và giám sát đa dạng sinh học trong lâm phận.

Và lực lượng BVR phần lớn được “cài cắm” ở cơ sở, vai trò hoạt động như một kiểm lâm địa bàn. Trong số 219 nhân viên BVR ở lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh, chỉ có 19 người bố trí làm việc ở văn phòng, còn lại đều phải tuần tra, kiểm soát rừng ở các trạm quản lý BVR Phước Sơn, TàBhing, Khe Vinh, Nam Giang.

Qua thống kê, năm 2023, chủ rừng Sông Thanh thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP với diện tích hơn 45.775ha (Nam Giang 32.352,37ha và Phước Sơn 13.422,98ha). Nguồn thu từ DVMTR ngoài sử dụng chi trả cho lực lượng chuyên trách BVR đã hợp đồng còn phục vụ việc trồng rừng đặc dụng. Giữa tháng 6/2022, UBND tỉnh chủ trương cho phép Vườn quốc gia Sông Thanh dùng nguồn thu DVMTR để trồng rừng đặc dụng nhằm cụ thể hóa Đề án “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn Quảng Nam.
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiều cánh rừng ở Quảng Nam được bảo vệ nghiêm ngặt, giàu đa dạng sinh học
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiều cánh rừng ở Quảng Nam được bảo vệ nghiêm ngặt, giàu đa dạng sinh học
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiều cánh rừng ở Quảng Nam được bảo vệ nghiêm ngặt, giàu đa dạng sinh học.

Trong khi đó, trong 2 tháng (5 và 6/2023), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho cộng đồng dân cư thôn trong việc quản lý, BVR gắn với thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Theo đó, 12 cộng đồng dân cư thôn thuộc 2 huyện Bắc Trà My và Nam Giang là các chủ rừng được nhận tiền DVMTR trực tiếp từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh.

Theo Quỹ Bảo vệ  - phát triển rừng tỉnh, năm 2022 tổng số tiền DVMTR đơn vị đã chi trả cho 12 cộng đồng thôn trên địa bàn Bắc Trà My và Nam Giang là gần 1,9 tỷ đồng; còn 6 tháng đầu năm 2023, số tiền chi trả gần 1,5 tỷ đồng trên diện tích rừng tự nhiên là 3.045,87ha.

Tham gia tập huấn, gần 400 thành viên ban quản lý rừng cộng đồng thôn và đại diện các hộ gia đình, cá nhân tham gia BVR được hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra BVR; xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch sử dụng tiền DVMTR; cách xử lý khi phát hiện hành vi xâm hại diện tích rừng, bẫy động vật rừng.

Cộng đồng bản địa được cán bộ hướng dẫn thực hành với máy định vị cầm tay GPS khi đi tuần tra rừng.
Cộng đồng bản địa được cán bộ hướng dẫn thực hành với máy định vị cầm tay GPS khi đi tuần tra rừng.

Đồng thời người dân được thực hành làm quen với máy định vị cầm tay GPS khi đi rừng nhằm tăng hiệu quả của việc tuần tra, giám sát rừng, ghi nhận các thông tin cần thiết về diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ để cung cấp dữ liệu thông tin cho hệ thống giám sát được thuận lợi, nhằm góp phần phát hiện, xử lý nhanh chóng các hành vi xâm hại đến rừng.

Ông Phạm Phú – Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ  - phát triển rừng tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm đơn vị đã rà soát diện tích chi trả DVMTR và sẽ tiến hành chi trả đúng tiến độ thời gian cho các chủ rừng, cộng đồng thôn theo kế hoạch.

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, các địa phương miền núi xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn, cộng đồng dân cư…

Đối tượng nào phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023? 

Theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm: 

- Cơ sở sản xuất thủy điện: Đây là các cơ sở sản xuất điện từ nguồn nước trong rừng.

- Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch: Đây là các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch từ nguồn nước trong rừng.

 - Cơ sở sản xuất công nghiệp.

 - Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

 - Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn.

 - Cơ sở nuôi trồng thủy sản quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản thực hiện chi trả trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao năng lực giữ rừng từ dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO