Nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm ở miền núi

LÊ QUÂN 12/05/2023 08:00

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm là điều đang được quan tâm thực hiện, nhất là đối với địa bàn miền núi.

Đảm bảo an toàn thực phẩm ở miền núi là điều cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Đảm bảo an toàn thực phẩm ở miền núi là điều cần được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Tăng cường kiểm soát

Ngày hội văn hóa truyền thống của của đồng bào Bh’noong huyện Phước Sơn với chủ đề “Sắc màu văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới” sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Câu chuyện về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn trong những ngày diễn ra lễ hội truyền thống được đặt ra.

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau vụ ngộ độc cá muối chua vào tháng 3 vừa qua, địa phương liên tục khuyến cáo người dân ăn chín uống sôi, không trữ thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đồng thời rà soát các món ăn có nguy cơ gây ngộ độc, nhất là trong cách chế biến và bảo quản thực phẩm tươi sống.

Kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các lễ hội, đặc biệt với những lễ hội miền núi luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều món ăn truyền thống, vào các dịp lễ tết, ngày hội, những món đặc sản thường được chế biến, giới thiệu và dọn đãi khách. Ở các dịp lễ hội, điều kiện chế biến, bảo quản cùng với nguồn nguyên liệu cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ATTP cho người dân, khách thập phương.

Mới đây, Cục ATTP (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị các địa phương chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng gây ra.

Theo Cục ATTP, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hằng năm vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), trong đó đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề với những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Do vậy, Cục ATTP yêu cầu ngành chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bà Lê Thị Hồng Cẩm – Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết đơn vị đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, truyền thông về ATTP trên địa bàn, trong đó tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân

Khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ..., chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu cũng cần được chú trọng. Cụ thể, ngành y tế khuyến cáo người dân không uống các loại rượu có chứa cồn công nghiệp với nồng độ cao vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng…

Gần đây chính quyền các huyện miền núi liên tục tuyên truyền người dân trong các cuộc họp thôn, ngày hội đại đoàn kết về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng thức ăn được làm từ những thực phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc. Để đảm bảo ATTP ở miền núi, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua tuyên truyền rộng rãi.

Theo bà Lê Thị Hồng Cẩm, đơn vị đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và thực hiện truyền thông bằng cả tiếng Kinh và ngôn ngữ địa phương. Chính công tác truyền thông, giáo dục về kiến thức ATTP sẽ từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO