Nâng cao thu nhập cho phụ nữ nghèo thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ là hướng đi hiệu quả hỗ trợ thoát nghèo của dự án Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam, do Tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha (PyD) tài trợ.
Thêm thu nhập ổn định
Đầu năm 2013, bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Phú Cốc Đông, xã Quế Thọ (Hiệp Đức) được Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện đào tạo nghề làm chổi đót theo mẫu mã và kỹ thuật mới, vừa đáp ứng yêu cầu thị trường vừa nâng cao năng suất lao động. Mỗi ngày, vợ chồng bà Hoa làm được 20 cây chổi đót, trừ các chi phí, thu về 200 nghìn đồng. Ngoài việc đào tạo nghề, gia đình bà Hoa còn được hỗ trợ vốn vay hơn 3 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất. Từ chỗ khó khăn về kinh tế, nghề làm chổi đót giúp gia đình bà Hoa ổn định cuộc sống, có điều kiện nuôi con ăn học. Bà Hoa cho biết: “Gia đình tôi làm nghề chổi đót đã hơn 10 năm. Trước đây, làm ra một sản phẩm tốn rất nhiều thời gian. Khi được dự án hỗ trợ tập huấn, với kỹ thuật mới, thời gian để tôi hoàn thành một sản phẩm bây giờ nhanh hơn nhiều và khách hàng ưa thích khi chất lượng tốt hơn”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) có thêm nguồn thu nhập ổn định sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề làm chổi đót theo kỹ thuật mới.Ảnh: LAN NHI |
Bà Nguyễn Thị Nho ở thôn La Tháp Đông, xã Duy Hòa (Duy Xuyên) là một trong những trường hợp được Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện đào tạo nghề đan mây tre xuất khẩu. Qua hơn 2 năm vừa học vừa làm, đến nay bà Nho đã có thể đan mỗi ngày 2 sản phẩm khay mây, được trả công 80 nghìn đồng. Công việc đan mây tre xuất khẩu cũng không quá khó, lại không bó hẹp thời gian nên khá thuận tiện. “Khi chưa có nghề đan mây tre, tôi chỉ nuôi thêm con gà, nhưng lại hay bị dịch bệnh chết. Nay có việc làm thường xuyên phù hợp với phụ nữ nông thôn như chúng tôi và có thêm thu nhập ổn định, tôi rất mừng” - bà Nho nói. Tại thôn La Tháp Đông, trong 2 năm qua, nghề đan mây tre xuất khẩu được nhân rộng trong ở các hộ. Toàn thôn hiện có 50 hộ làm nghề và tham gia tổ hợp tác mây tre đan của thôn. Mỗi gia đình thành viên tổ hợp tác đều được Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện Duy Xuyên phối hợp với Hợp tác xã Bảo Trung (chuyên mây tre xuất khẩu) hỗ trợ về kỹ thuật, mẫu mã và cung cấp nguyên vật liệu. Nghề truyền nghề, vợ chồng, con cái trong các gia đình đều có thể tham gia đan mây tre xuất khẩu. Sản phẩm làm ra được tổ hợp tác đến tận nhà thu nhận. Nghề mây tre đan xuất khẩu ở thôn La Tháp Đông đang phát triển khá ổn định, giải quyết lao động nông nhàn, với thu nhập bình quân mỗi người 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.
Qua gần 4 năm triển khai dự án, Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội các huyện Hiệp Đức, Duy Xuyên đã mở 46 khóa đào tạo nghề miễn phí cho gần 1.250 phụ nữ nghèo và con em họ (có 135 lao động là người dân tộc thiểu số). Trong đó, có 6 khóa đan mây tre, 9 khóa làm mũ cói, 2 khóa dệt chiếu, 6 khóa làm chổi đót, 10 khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 13 khóa tin học văn phòng...
Liên kết với doanh nghiệp và thị trường
Nhờ có sự liên kết trước với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để tìm hiểu, ký thỏa thuận đào tạo và nhận công nhân, hoặc thuê khoán làm sản phẩm với các doanh nghiệp trên địa bàn trước khi mở lớp, nên tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo khá cao. Theo số liệu khảo sát cuối năm 2014, có hơn 70% số lao động được đào tạo nghề tại các trung tâm trên tìm được việc làm tại các xí nghiệp, cơ quan hoặc tự kinh doanh tại nhà với mức thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Đức Khuynh - Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện Hiệp Đức cho biết: “Theo mục tiêu và hỗ trợ của dự án, chúng tôi tập trung đào tạo nghề cho những hộ nghèo và cận nghèo, người có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Học viên đến với trung tâm của chúng tôi, sau khóa đào tạo, phần lớn có công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện được cuộc sống gia đình. Các doanh nghiệp mà chúng tôi liên kết cung cấp nguồn nhân lực cũng bày tỏ sự hài lòng đối với chất lượng lao động”.
Ông Đặng Công Lệnh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam cho biết, ngoài việc đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho các gia đình phụ nữ nghèo, các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương triển khai dự án còn thực hiện công tác tham vấn cho các nhóm, hộ kinh doanh trên địa bàn. Hiện có tất cả 7 nhóm đã và đang hình thành dưới dạng hợp tác xã, tổ sản xuất kinh doanh, như các hợp tác xã sản xuất chiếu và sản phẩm từ cói, làm chổi đót, mây tre đan, trồng nấm, chế biến sắn. Các nhóm này trở thành đầu tàu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc thế mạnh của địa phương. Ông Đặng Công Lệnh nói: “Xác định hộ gia đình cũng là chủ thể của doanh nghiệp, cho nên chúng tôi tiến hành hỗ trợ, đào tạo nghề và mở các lớp tập huấn cho người dân về kế hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh cũng như việc quan hệ thị trường, trao đổi hàng hóa giữa hộ sản xuất với các doanh nghiệp. Chúng tôi đã làm việc và một số doanh nghiệp cam kết để sản phẩm của người nông dân làm ra có thể tiêu thụ được”.
Đào tạo nghề và liên kết thị trường đã giúp cho nhiều phụ nữ nghèo, yếm thế trong vùng dự án Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam được nâng cao năng lực, có điều kiện hòa nhập lao động cùng cộng đồng xã hội để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng qua đó được nâng lên, nạn bạo lực và bất bình đẳng giữa vợ chồng được cải thiện đáng kể.
LÊ PHƯỚC LAN NHI