(QNO) - Thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Fondation Botnar, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tại Việt Nam đã có nhiều cuộc khảo sát với các dự án, giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu thập được kết quả, thử nghiệm tạo lập bản đồ giải pháp ĐMST để có định hướng hỗ trợ các dự án phát triển mang tính bền vững.
Bản đồ giải pháp
Đảm nhận phần việc khảo sát sơ bộ về hoạt động của các dự án, giải pháp ĐMST trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ dự án "Thúc đẩy ĐMST của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững", nhóm nghiên cứu gồm TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Đỗ Thị Việt Hương - Trường Đại học Khoa học Huế, bà Nguyễn Thị Nhật Anh - Tư vấn độc lập... đã ứng dụng phương pháp tiếp cận toàn diện và đa chiều, kết hợp phân tích định hướng và định tính để đánh giá.
TS. Cung Trọng Cường cho biết, nhóm nghiên cứu tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho bản đồ các giải pháp ĐMST tại Quảng Nam nhằm tăng cường khả năng hiển thị và kết nối giữa các nguồn lực trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có thể đánh giá đa chiều về nhu cầu, năng lực và thách thức đối với các sáng kiến ĐMST hiện có tại Quảng Nam, đặc biệt là các giải pháp do thanh niên và cộng đồng triển khai. Đồng thời, phân tích điểm hạn chế trong chính sách, quy định, phương thức triển khai và kế hoạch hành động của địa phương đối với các giải pháp ĐMST, từ đó đưa ra khuyến nghị cụ thể nhằm tối ưu hóa hiệu quả của ĐMST.
[VIDEO] - TS. Cung Trọng Cường chia sẻ về kết quả của nhóm nghiên cứu:
Trong quá trình khảo sát từ tháng 7/2024, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 690 giải pháp ĐMST trên địa bàn tỉnh, trong đó có 200 giải pháp đoạt giải khởi nghiệp tỉnh, 400 giải pháp từ chương trình OCOP và 90 giải pháp tự tìm kiếm. Qua đánh giá, nhóm nghiên cứu đã chọn được 171 giải pháp ĐMST tiềm năng dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin nền được sàng lọc và phân tích sơ bộ, trong đó, có 90% là giải pháp khởi nghiệp và 10% còn lại là giải pháp cộng đồng.
Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu dựa trên các tiêu chí phân loại giải pháp ĐMST về quy mô, hiện trạng, giai đoạn ĐMST, địa điểm, loại hình, chủ đề, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mức độ lan tỏa và cấp độ công nhận... chọn ra 49 giải pháp để thử nghiệm lập bản đồ giải pháp ĐMST.
"Bản đồ các giải pháp cho thấy sự tập trung chủ yếu ở 2 thành phố như Tam Kỳ có 19 giải pháp, Hội An có 13 giải pháp và các huyện Bắc Trà My, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Đông Giang, Tây Giang, Duy Xuyên... Ngoài ra, chúng tôi còn tạo lập các bản đồ mang chủ đề khác như: Hướng giải pháp ĐMST cộng đồng - khởi nghiệp; môi trường; nông nghiệp và dược liệu; giáo dục và đào tạo; du lịch và dịch vụ; văn hóa và xã hội; nghệ thuật..." - TS. Cung Việt Cường thông tin.
Hiển thị nhu cầu kết nối
Anh Nguyễn Duy Hòa (xã Trà Tân, Bắc Trà My) khởi nghiệp với nhiều loại nông sản ở vùng "cao sơn ngọc quế" như cam sấy dẻo, các loại sản phẩm từ cây Atiso đỏ. Anh Hòa cho biết, tuy có nhiều lợi thế về sản xuất vì làm chủ được vùng nguyên liệu bản địa, nhưng tìm đường thương mại hóa sản phẩm ở địa phương miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn. Khi tham gia chương trình khảo sát của dự án "Thúc đẩy ĐMST của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững", anh Hòa biết được trên địa bàn Quảng Nam có nhiều dự án khởi nghiệp ĐMST như mình.
"Từ hiển thị của bản đồ giải pháp ĐMST, tôi thấy các dự án khởi nghiệp ở miền núi có thế mạnh về sản xuất. Trong khi đó, ở các thành phố như Tam Kỳ, Hội An lại dễ dàng phát triển thương mại sản phẩm vì yếu tố thị trường và vận chuyển hàng hóa đều thuận lợi. Tôi mong muốn từ dự án này, các giải pháp có thể tăng cường tính liên kết để hỗ trợ nhau phát triển, thậm chí ở phạm vi trong và ngoài tỉnh" - anh Hòa chia sẻ.
Ông Kiều Việt Cường - Cán bộ Chương trình và Quản lý dự án của UN-Habitat tại Việt Nam cho biết, 65% các giải pháp ĐMST của thanh niên đang gặp khó khăn trong việc kết nối và hợp tác với các dự án khác. Do đó, cần thiết tạo dựng mạng lưới kết nối giúp các nhóm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tài nguyên, từ đó tăng cường hiệu quả của các sáng kiến ĐMST. Điều này sẽ giúp các nhóm dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ nhau và hợp tác trong các dự án chung.
Xây dựng một hệ sinh thái ĐMST sôi động, tỉnh cần đầu tư vào các không gian làm việc chung, các trung tâm ươm tạo và các sự kiện kết nối. Tại đây, các startup, nhà đầu tư, chuyên gia và cộng đồng có thể gặp gỡ, hợp tác và cùng nhau phát triển các ý tưởng sáng tạo. Một nền tảng thông tin trung tâm sẽ cung cấp nguồn tài liệu, thông tin cập nhật và kết nối các đối tác liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án và hướng đến phát triển bền vững
Ông Kiều Việt Cường