Nâng cao trách nhiệm của nhà trường

DIỆP DÂN HÙNG (Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng) 16/01/2015 08:42

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít cảnh bạo lực học đường, tội phạm tuổi vị thành niên mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, nào là học sinh nữ đánh bạn chỉ vì bạn học giỏi hơn mình, đánh bạn chỉ vì cái nhìn “đểu”, đánh bạn chỉ vì ghen, rồi là đánh, giết người với muôn vàn những nguyên nhân nhỏ nhặt khác nhau... Điều đó làm cho chúng ta có một cảm giác rằng, giới trẻ hiện nay có vấn đề về “nhân tính”!

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? có nhiều người đổ lỗi đó là tác động bởi “mặt trái của kinh tế thị trường”, hoặc sự bùng nổ của công nghệ thông tin, văn hóa độc hại trên mạng làm giới trẻ bị ảnh hưởng...! Nếu vậy, cũng phải đặt câu hỏi là, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển hơn chúng ta hàng trăm năm; những nước phát triển công nghệ thông tin trước ta hàng chục thập kỷ... chắc họ cũng bị và còn bị tình trạng này thậm tệ hơn Việt Nam!? Không thể phủ nhận tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, nhưng có lẽ cần nhìn nhận một cách tích cực hơn. Ba mối liên quan “gia đình - nhà trường - xã hội”, tôi chỉ mạn phép nói về trường học. Trước hết, cần phải nói đến chương trình đào tạo. Chúng ta đã quá chú trọng đến các môn học tự nhiên, mà thiếu tập trung vào những môn học mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách con người như Văn, Đạo đức, Lịch sử... Nhìn chung, chương trình giáo dục còn quá nặng, học sinh chẳng có thời gian nghỉ ngơi, những bộ óc còn non trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển đã phải làm việc quá sức... Nhưng không học thì không theo được chương trình. Vì vậy, cần tính toán để giảm tải chương trình (nhất là các môn học tự nhiên) và tăng thêm thời lượng các môn giáo dục nhân cách con người như Văn học, Đạo đức, Giáo dục công dân, Lịch sử, Luật pháp...

Một người bạn tôi, đã từng được dự giờ của học sinh tiểu học ở Nhật Bản, về kể lại rằng: “Nước Nhật rất chú trọng như thế đến giáo dục, nhưng học sinh của họ so với học sinh Việt Nam nào có hơn gì, tôi thấy có bài toán rất dễ mà nhiều học sinh làm vẫn sai... Nhưng sao Nhật lại tạo ra được nhiều chuyên gia chất lượng quốc tế như vậy? Tại sao nước Nhật lại phát triển như vậy? Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là hệ thống giáo dục, đào tạo của Nhật rất hoàn hảo... Tuy khó có thể so bì, nhưng hệ thống trường học ở ta hiện nay cũng là điều đáng nói. Mỗi ngày đọc thông tin về bạo lực học đường, ai nấy nơm nớp lo sợ con cái chúng ta đi học như thế nào. Học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, quan hệ thầy trò không còn giữ được những nét đẹp truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” như xưa. Thật xót xa, khi nghe con gái của cô giáo tôi nói với mẹ, khi chúng tôi đến thăm cô: “Sao thời của mẹ lại có những thế hệ học sinh tuyệt vời đến vậy, ra trường đã mấy chục năm rồi mà vẫn còn đến chúc mừng các thầy, cô giáo cũ, bọn con bây giờ học xong là quên ngay”!

Nêu lên những vấn đề trên để thấy rằng, vai trò của môi trường sư phạm, cụ thể là nhà trường có ý nghĩa thế nào đối với việc giáo dục nhân cách, lòng yêu con  người, yêu quê hương đất nước của học sinh. Có thể đây là ý kiến chủ quan của người viết nhưng thiết nghĩ không thể xem nhẹ vai trò của ngành giáo dục, của nhà trường trong việc xây dựng một thế hệ tương lai “vừa hồng vừa chuyên” của đất nước, mà trong đó là “trẻ hóa người tài, người có đức” chứ không phải “trẻ hóa tội phạm”.

DIỆP DÂN HÙNG
(Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao trách nhiệm của nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO