ĐOÀN công tác của Tỉnh ủy, do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng làm trưởng đoàn, vừa có các buổi làm việc với một số cấp ủy cơ sở nhằm đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TU ngày 16.4.2013 của Tỉnh ủy (khóa XX) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn chung lớn nhất mà các tổ chức đảng ở cơ sở gặp phải là công tác phát triển đảng viên, khó ngay cả với người giữ chức danh thôn trưởng, thôn đội trưởng, công an viên.
Ở đâu cũng gặp khó
Ông Đặng Hữu Lên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn cho biết, thực hiện Nghị quyết 13, hầu hết chỉ tiêu đề ra Điện Bàn đều đạt và vượt, riêng chỉ tiêu “đến năm 2015 có 70% số cán bộ trưởng - phó trưởng thôn, khối phố là đảng viên” mới đạt 59,8%. Theo ông Lê Bông - Bí thư Chi bộ khối phố Ngọc Tam (phường Điện An, thị xã Điện Bàn), tiêu chuẩn quy định về phát triển đảng viên là rất đúng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến công tác phát triển đảng viên ở cơ sở gặp khó khăn, vì nhiều trường hợp quần chúng ưu tú có nguyện vọng được kết nạp vào Đảng lại không đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa. “Đa số thanh niên tốt nghiệp THPT tiếp tục đi học chuyên môn hoặc đi làm ăn xa, còn những người là cán bộ khối phố hầu hết đã lớn tuổi, không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nên khó khăn cho việc tạo nguồn phát triển đảng. Điều đáng mừng, mặc dù không là đảng viên nhưng những cán bộ này đều có năng lực, rất trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, được nhân dân tín nhiệm cao. Nhưng về lâu dài, cấp trên cần có cơ chế hỗ trợ thích đáng nhằm thu hút thanh niên có trình độ học vấn, tâm huyết với phong trào cơ sở, tạo nguồn phát triển đảng, như vậy cũng sẽ phù hợp với tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về công tác cán bộ hiện nay” - ông Bông nói.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng làm việc với Đảng ủy xã Tam Nghĩa (Núi Thành) về công tác xây dựng Đảng của địa phương. Ảnh: NG.ĐOAN |
Chia sẻ của ông Lê Bông cũng là nhìn nhận chung của nhiều chi bộ thôn, khối phố sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy. Có nhiều nơi, như tại xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành) so với năm 2012, đến nay tỷ lệ cán bộ trưởng thôn là đảng viên không tăng (chỉ có 16,67%). Đảng bộ xã Tam Mỹ Đông có 11 chi bộ trực thuộc và đề ra chỉ tiêu phát triển 10 đảng viên/năm nhưng vẫn không hoàn thành; riêng năm 2015 toàn đảng bộ chỉ phát triển được 3 đảng viên. Lý giải nguyên nhân, ông Châu Ngọc Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Tam Mỹ Đông cho hay, việc phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ thôn gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa không đáp ứng (trước đây Ban Thường vụ Huyện ủy Núi Thành quy định phải có trình độ THPT). Một bộ phận quần chúng chưa tâm huyết vào Đảng, mặc dù được chi bộ, đảng bộ giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ.
Đảng viên phải có trách nhiệm
Cần thay đổi tư duy lãnh đạo “Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đảng nhưng phải hết sức chú ý đến chất lượng, không vì chỉ tiêu mà xem nhẹ chất lượng đảng viên được kết nạp vào Đảng. Chăm lo phát triển đảng viên mới cũng đồng nghĩa với việc người cán bộ, đảng viên có thêm điều kiện gần gũi cơ sở, gắn kết hơn mối quan hệ giữa đảng với dân, việc triển khai các nhiệm vụ chính trị sẽ thuận lợi hơn. Trước yêu cầu của tình hình mới, cũng cần thay đổi tư duy lãnh đạo của chi bộ cơ sở là phải mạnh dạn giới thiệu đảng viên ra ứng cử, để nhân dân lựa chọn bầu vào các chức danh chủ chốt ở thôn, khối phố. Phải làm tốt theo phương châm “Dân tin, Đảng cử” nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở. Tin rằng với những cách làm như vậy, chúng ta sẽ hoàn thành được chỉ tiêu đến năm 2020 có từ 90% số trưởng - phó trưởng thôn, khối phố, công an viên là đảng viên như Nghị quyết 13-NQ/TU đã đề ra”. (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng) |
Bên cạnh những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, nhiều bí thư chi bộ cơ sở cũng thừa nhận chưa thật sự quyết liệt trong việc phát hiện, tạo nguồn để giới thiệu kết nạp vào Đảng; chưa mạnh dạn lựa chọn, giới thiệu đảng viên ra ứng cử, để nhân dân xem xét, tín nhiệm bầu giữ các chức danh trưởng - phó trưởng thôn, khối phố. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chỉ tiêu trưởng - phó trưởng thôn, khối phố là đảng viên chưa đạt tỷ lệ “từ 70% trở lên vào năm 2015” như Nghị quyết 13 đã đề ra.
Chia sẻ khó khăn trong công tác phát triển đảng ở cơ sở thời gian qua, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, mục tiêu cao nhất của Nghị quyết 13 là làm cho tổ chức đảng thật sự vững mạnh về mọi mặt và lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Vì công tác phát triển đảng đang gặp khó nên càng cần phải xác định chỉ tiêu, đề ra kế hoạch phấn đấu thực hiện hiệu quả, có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ. Đảng giữ vai trò lãnh đạo thì phải chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên ngày càng chất lượng, có năng lực để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Chi bộ cơ sở không chăm lo phát triển đảng viên mới, đến một lúc nào đó sẽ đối mặt với tình trạng “trắng” đảng viên, tổ chức đảng không phát triển thì không đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. “Qua những cuộc làm việc với cơ sở cho thấy, tại các địa phương vẫn còn nguồn để phát triển đảng viên. Vấn đề là chưa có sự vào cuộc đồng bộ. Phải hiểu rằng, nhiệm vụ phát triển đảng không phải là trách nhiệm của bí thư chi bộ, mà là trách nhiệm chung của đảng viên trong chi bộ. Mỗi đảng viên phải có trách nhiệm phát hiện quần chúng ưu tú, để từ đó kèm cặp, giúp đỡ cho họ rèn luyện, trưởng thành, được giới thiệu kết nạp vào Đảng” - ông Lê Văn Dũng nói.
HÀN GIANG