Nâng cao trình đập nhà máy thủy điện Sông Côn 2: Khiếu kiện vì mất đất

THÀNH CÔNG - VĂN HÀO 16/07/2015 08:17

Tháng 12.2010, nhà máy thủy điện Sông Côn 2 tự ý lắp đặt thêm hệ thống van lật, nâng cao trình đập lên khoảng 1m. Vụ việc được chỉ đạo xử lý từ nhiều năm, tuy nhiên đến nay phía thủy điện vẫn chưa thực hiện thủ tục pháp lý về điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi, cao trình ngập, cắm mốc… từ đó, nảy sinh khiếu kiện kéo dài.

Đất sản xuất bị ngập nước, bồi lấp

Gia đình ông Đồng Sỹ Tài, một trong 9 hộ dân thôn Sông Voi (xã Jơ Ngây, Đông Giang) đứng đơn khiếu nại thủy điện Sông Côn 2 tích nước làm mất đất, dẫn chúng tôi ra bãi nà mọc đầy lau lách dọc sông. Bãi nà này là phần đất canh tác từ hàng chục năm qua của gia đình ông và nhiều hộ dân khác. Tháng 10.2008, khi Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Côn 2) tiến hành giải phóng mặt bằng hạng mục lòng hồ chính ở cao trình 279m, ông Tài bị thu hồi 3.163m2 đất trồng cây hàng năm ở thửa 310. Năm 2010, thủy điện Sông Côn 2 tự ý lắp thêm hệ thống van lật, nâng cao trình thêm 1m. Gia đình ông Tài và 8 hộ dân khác ở thôn Sông Voi cho rằng, vì lý do này mà diện tích đất sản xuất còn lại của họ bị ngập, có khu vực bị cát bồi lấp đến hơn 1m, không thể canh tác hoa màu. Ông Tài nói: “Chúng tôi sinh sống ở đây từ rất lâu, sống bằng phần đất này. Tôi còn hơn 2.600m2 đất chưa được đền bù. Từ khi thủy điện tích nước, phần đất này bị cát đá bồi lấp, bị ngập úng, không thể canh tác được. Vậy mà thủy điện nói không nằm trong phạm vi cao trình giải phóng mặt bằng, mà bị ảnh hưởng là do… trời. Bao nhiêu năm qua chúng tôi vẫn canh tác bình thường, giờ thủy điện phủ nhận trách nhiệm như thế là thiếu thuyết phục”. Cùng nỗi bức xúc như ông Tài, ông Đặng Văn Ánh (một trong 9 hộ dân cùng thôn) cho biết thêm, cứ đến cuối tuần, khi thủy điện tiến hành tích nước là nước ngập hết. “Trước đây đã thu hồi gần hết số đất canh tác của chúng tôi, giờ còn lại hơn 2.300m2 cũng bị ngập nốt. Chúng tôi yêu cầu thủy điện hoặc đền bù thỏa đáng cho dân, hoặc bố trí đất nơi khác cho chúng tôi canh tác, kiếm sống” - ông Ánh nói.

Hệ thống van lật được lắp đặt nâng cao trình thủy điện thêm 1m so với ban đầu. Ảnh: T.CÔNG
Hệ thống van lật được lắp đặt nâng cao trình thủy điện thêm 1m so với ban đầu. Ảnh: T.CÔNG

Theo biên bản hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã Jơ Ngây lập vào ngày 19.5.2015, người dân cho rằng vì hệ thống van lật tích nước của thủy điện làm diện tích đất canh tác của dân bị ngập thêm, mùa mưa nước không thể thoát làm bồi lấp cát, không thể canh tác. Tuy nhiên, Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn cho rằng, sau khi kiểm tra hiện trường bằng máy toàn đạc, tất cả diện tích đất mà 9 hộ dân kiến nghị đều nằm ngoài cao trình 279, ngoài phạm vi ảnh hưởng của hồ chứa. Về hiện tượng bồi lấp và sạt lở trong khu vực các hộ dân khiếu nại, công ty đưa ra nguyên nhân là một số đơn vị, cá nhân khai thác cát sạn trái phép và hiện tượng tự nhiên, mưa bão lũ hàng năm gây chuyển dòng chảy. Từ những lý do đó, Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn từ chối đền bù cho 9 hộ dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Cao Sỹ Ngọc - Phó Chánh Thanh tra huyện Đông Giang khẳng định, UBND huyện chủ trương tổ chức cho hai bên hòa giải xử lý vụ việc theo thẩm quyền. UBND huyện Đông Giang cũng đã tham gia kiểm tra, rà soát cùng với các bên liên quan. Tuy nhiên, việc kiểm tra thực hiện bằng máy GPS cầm tay và máy toàn đạc của Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn không có đơn vị tư vấn, cũng như thẩm định của cơ quan nhà nước nên không đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, đánh giá tác động môi trường, phạm vi, cao trình ngập của hồ bậc 2 sau khi lắp thêm van lật chưa được hoàn thiện, thiếu cơ sở pháp lý cho việc xác định ảnh hưởng của cao trình đối với diện tích đất tranh chấp này.

Người dân cho rằng thủy điện lắp đặt van lật khiến đất bị cát bồi lấp, không thể sản xuất.
Người dân cho rằng thủy điện lắp đặt van lật khiến đất bị cát bồi lấp, không thể sản xuất.

Hướng dẫn dân khởi kiện

Tìm hiểu thêm về vụ việc, chúng tôi tiếp cận được nhiều thông tin từ chính quyền khẳng định Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn chậm thực hiện yêu cầu điều chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường, xác định mức độ ảnh hưởng để xác định mốc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho nhân dân. Cụ thể, ngày 21.1.2013, UBND tỉnh có báo cáo 08/BC-UBND về các vấn đề liên quan việc lắp đặt hệ thống van lật ở đập thủy điện bậc 2 ở nhà máy thủy điện Sông Côn, trong đó đề nghị Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn lập hồ sơ thiết kế bổ sung, điều chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường trình phê duyệt để xác định mức độ ảnh hưởng, làm việc với các ngành chức năng của huyện Đông Giang, UBND các xã để xác định mốc bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn chưa thực hiện việc này. Ngày 14.7.2015, UBND huyện Đông Giang có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại tố cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn thực hiện thủ tục pháp lý về đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi, cao trình ngập của hồ chứa bậc 2, cắm mốc, lập hành lang bảo vệ hồ chứa để người dân biết và bảo vệ hồ chứa.

Tranh chấp đất đai với 42 hộ dân xã Jơ Ngây
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Giang, sau khi kiểm tra, rà soát diện tích đất, tài sản của dân bị ảnh hưởng liên quan đến việc lắp đặt hệ thống van lật, tích nước, vận hành hồ chứa bậc 2 (thủy điện Sông Côn 2), phía công ty đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho dân theo 2 đợt với tổng số tiền đền bù, hỗ trợ gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 42 hộ dân chưa thống nhất về diện tích đất, tài sản bị ảnh hưởng. Việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, xác định phạm vi cao trình ngập của thủy điện chưa được thực hiện khiến địa phương không thể giải quyết tranh chấp giữa người dân và Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn.

Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Liên quan đến vụ việc khiếu nại của 9 hộ dân thôn Sông Voi, quan điểm của huyện là ủng hộ giải quyết quyền lợi của nhân dân, trên tinh thần đúng quy định, cơ sở pháp lý. Thủy điện chưa hoàn thành việc lập hồ sơ bổ sung, điều chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết quyền lợi cho dân. Vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền của huyện, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh và các ban ngành liên quan chỉ đạo, yêu cầu thủy điện phải thực hiện việc này”. Ông Tài cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, chính quyền huyện vẫn “không biết hồ sơ này đã có chưa”.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, đơn vị chưa nhận được báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường của Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn sau khi lắp đặt thêm hệ thống van lật. “Theo quy định trước đây, Sở Tài nguyên - môi trường là đơn vị thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường của công ty này. Do vậy, nếu có điều chỉnh thì sở là cơ quan tiếp tục thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo điều chỉnh của công ty sau khi hệ thống van lật được lắp đặt, vận hành” - bà Hạnh nói.

Bức xúc vì mất đất sản xuất, các hộ dân thôn Sông Voi đã gửi đơn lên Thường trực HĐND tỉnh. Ngày 18.6.2015, HĐND tỉnh gửi công văn hướng dẫn các hộ dân này khởi kiện Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn ra tòa án để được xem xét, giải quyết, do đây là tranh chấp dân sự. Các hộ dân này cho biết, nếu không được giải quyết thỏa đáng, họ sẽ khởi kiện.

THÀNH CÔNG - VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao trình đập nhà máy thủy điện Sông Côn 2: Khiếu kiện vì mất đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO