Nâng cao vai trò tộc họ

LÊ QUÂN 27/09/2014 10:26

Cuộc tọa đàm giữa 42 tộc văn hóa trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra trung tuần tháng 9 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của tộc họ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thôn xã văn hóa…

Đóng góp thiết thực

Năm 2007, phong trào xây dựng “Tộc văn hóa” tại Quảng Nam bắt đầu phát triển mạnh. Từ đây, mô hình “Tộc văn hóa” được phát triển và trở thành một trong những nội dung thi đua ở các địa phương trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy mô hình tổ chức, hoạt động của mỗi tộc họ khác nhau nhưng đều là sự tập hợp con cháu cam kết thực hiện những quy ước về truyền thống gia tộc, phẩm chất đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong cộng đồng… Hầu hết họ tộc đều thành lập Hội đồng gia tộc, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự quản. Ông Nguyễn Văn Anh, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã Bình Tú (Thăng Bình) chia sẻ: “Phong trào xây dựng tộc văn hóa ở địa phương được các tộc họ hưởng ứng tích cực, vai trò của tộc văn hóa được phát huy. Khi xây dựng tộc ước, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa xã có sự phối hợp chặt chẽ với hội đồng gia tộc soạn thảo ra quy ước, trong đó ban hành một số mô hình hoạt động như cam kết không sinh con thứ 3 trở lên, phong trào ông bà mẫu mực, nàng dâu hiếu thảo, xây dựng quỹ khuyến học của tộc họ. Nhờ những quy ước này mà các tộc họ tham gia tích cực vào phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Xã văn hóa”…”. Tộc Võ Đăng, tộc Võ Viết… ở làng Ngọc Phô có hội nàng dâu hiếu thảo hoạt động với những việc làm thiết thực, được mọi người ngợi khen.

Nhà thờ tộc Phan Phước ở xã Điện Phong (Điện Bàn). Ảnh: VINH ANH
Nhà thờ tộc Phan Phước ở xã Điện Phong (Điện Bàn). Ảnh: VINH ANH

Chung  sức chung lòng để trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương cũng là phần việc mà các tộc văn hóa đang làm khá tốt. Tộc Nguyễn Văn ở làng Tuân Nghĩa (Bình Tú) huy động bà con trong gia tộc đóng góp kinh phí gần 200 triệu đồng để trùng tu tự đường gia tộc và đang lập hồ sơ để đề nghị công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Hay tộc Võ làng Phô Thị  đoàn kết, tự nguyện đóng góp để trùng tu di tích Lăng Bà vừa được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh… Ông Phan Đình Khải, đại diện tộc Phan làng Phiếm Ái (Đại Lộc) cho biết, trong quy ước hoạt động của tộc luôn coi trọng việc tôn tạo, trùng tu mộ tổ cũng như từ đường, khi vận động thành lập các quỹ của tộc lúc nào cũng ưu tiên cho phần việc này. Ông Nguyễn Viết Mãng, đại diện tộc Nguyễn Viết, phường Thanh Hà (Hội An) cho biết: “Năm 2008, sau khi ngôi nhà thờ chính của đại tộc được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, bà con trong tộc đóng góp được hơn 630 triệu đồng để trùng tu. Qua 15 năm đăng ký xây dựng tộc văn hóa, con cháu trong tộc đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để tu bổ nhà thờ”. Một hoạt động được các tộc họ quan tâm xây dựng và phát triển là quỹ khuyến học - khuyến tài nhằm giúp đỡ con cháu đến trường với phương châm “Học vì ngày mai lập nghiệp”.

Cần tháo gỡ vướng mắc  

Bằng nhiều hình thức khác nhau, thời gian qua các tộc họ trong tỉnh đã huy động đóng góp vào quỹ khuyến học hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng nguồn quỹ khuyến học của các tộc họ tại huyện Điện Bàn chiếm 6 tỷ đồng. Việc huy động đóng góp quỹ khuyến học của các tộc họ khá phong phú khi có rất  nhiều cách để xây dựng nguồn vốn, từ lập vườn cây khuyến học của tộc Đỗ Trường (Phú Ninh) đến xây dựng thương hiệu “khuyến học, khuyến tài” của tộc Hồ ở thôn Khánh Thọ xã Tam Thái (Phú Ninh)…

Tại buổi tọa đàm “Vai trò của Tộc văn hóa trong thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)” nhiều đại diện tộc họ trăn trở về phương cách để hoạt động của tộc họ phát triển mạnh hơn, đi vào đời sống bà con hơn nữa. Ông C’lâu Nghếu, đại diện tộc C’lâu, thôn Pơrning, xã Lăng (Tây Giang) nói: “Quy ước Tộc văn hóa từ nhiều năm nay triển khai gắn với cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư nhưng chưa có thủ tục được công nhận. Mô hình tổ chức hoạt động chưa xây dựng bản quy ước, chưa có sự công nhận của chính quyền địa phương. Vì vậy việc triển khai các tổ chức hoạt động của tộc chỉ được triển khai khi trưởng tộc đủ uy tín và có sức thuyết phục các hộ trong tộc nghe theo, mỗi khi tộc tổ chức ngày lễ, ngày giỗ…”. Theo ông C’lâu Nghếu, hiện tại cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung, tiêu chí được thành lập một tộc văn hóa, tập huấn hướng dẫn quy trình, thủ tục Quy ước xây dựng Tộc văn hóa, đồng thời có kinh phí hỗ trợ thành lập tộc, có hình thức biểu dương, khen thưởng, động viên cho các tộc đạt danh hiệu văn hóa.

Ông Võ Ngọc Do, đại diện tộc Võ Ngọc ở xã Điện Ngọc (Điện Bàn) cho rằng, trong 6 tiêu chí của quy chế công nhận danh hiệu “Tộc văn hóa” có tiêu chí gia tộc không có hộ nghèo. Điều này rất khó thực hiện. Theo ông, chỉ cần quy định tỷ lệ hộ nghèo trong tộc thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo ở xã hoặc khu dân cư. Ông cũng nêu ý kiến, nên xây dựng quy ước tộc họ sát với thực tế và nếp sống, tập tục của địa phương. Ông Nguyễn Duy Thương, Phó phòng Văn hóa - thông tin TP. Hội An cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 123 tộc họ có nhà thờ, trong đó có 73 tộc của 8 xã  phường chính thức đăng ký và phát động xây dựng tộc văn hóa. Theo ông Thương, văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng họ gia tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, cũng như là một thành tố quan trọng góp phần thành công cho phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư. Một khi hoạt động của tộc văn hóa đi vào nền nếp sẽ góp phần loại bỏ dần các tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao vai trò tộc họ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO