Nâng cao vị thế chủ thể - con người

HÀN GIANG 03/04/2013 08:26

Nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) cho rằng các quy định liên quan về quyền con người, quyền công dân cần được rõ ràng và đầy đủ hơn.

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: HÀN GIANG
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Ảnh: HÀN GIANG

Thể hiện rõ hơn vấn đề dân tộc

Thời gian qua, tại Núi Thành việc tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Trong đó, nhiều ý kiến quan tâm góp ý về các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Ông Đặng Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành cho biết: “Tại Khoản 2, Điều 5, nhiều ý kiến góp ý bày tỏ thống nhất việc bổ sung từ “phân biệt” trở thành “nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phân biệt dân tộc” vào nội dung dự thảo cho chặt chẽ hơn. Như vậy nhằm tránh việc lợi dụng vấn đề dân tộc gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Điều 5 (sửa đổi, bổ sung Điều 5), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Cũng theo ông Nhung, vấn đề dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong, hưng thịnh của một quốc gia, một chế độ. Do đó, nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo lần này cũng nhìn nhận rằng, tại Khoản 4, Điều 5 quy định “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước” là chưa phản ánh đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước đối với các chính sách phát triển dành cho miền núi, đồng bào dân tộc ít người. Theo đó, cần bổ sung, sửa đổi như sau: “Nhà nước ban hành và thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc ít người phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.

Nhấn mạnh chủ thể - con người

“Tại Khoản 1, Điều 15, tôi cũng như nhiều đại biểu nhận thấy cần đảo cụm từ “quyền con người, quyền công dân” lên đầu câu để phù hợp với chủ đề của Chương II: “Quyền con người, quyền công dân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy sẽ nhấn mạnh vị thế của chủ thể con người trong xã hội” - ông Nhung nói. Cũng ở điều này, tại Khoản 2, các đại biểu góp ý nên chỉnh sửa gọn hơn nhưng không thay đổi nội hàm của điều đã dự thảo, trở thành “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo luật định”.

Cần có cơ chế bảo đảm cho công dân thực hiện quyền dân chủ

Góp ý vào Khoản 2, Điều 29 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Lê Hữu Trà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho rằng, Dự thảo quy định “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” là chưa phản ánh đầy đủ nguyện vọng, chú trọng hướng công dân đến việc thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp được hiến định trong Hiến pháp. “Trách nhiệm của Nhà nước không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện, mà Nhà nước phải có các cơ chế về pháp luật đảm bảo cho công dân thực hiện quyền dân chủ thông qua các hình thức tham gia phản biện, góp ý vào các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là tham gia giám sát hoạt động của bộ máy công quyền” - ông Trà nói. NGUYÊN ĐOAN (ghi)

Ông Ngô Văn Trịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn chia sẻ: “Việc sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) thành Chương II đứng sau chương về chế độ chính trị đã thể hiện tư duy mới, nâng cao vị thế, vai trò quan trọng của chủ thể con người trong xã hội với các quyền và nghĩa vụ gắn liền. Đây là một bước tiến mới trong hoạt động lập hiến của Nhà nước ta”. Tuy nhiên, ông Trịnh cho rằng, tại Khoản 2, Điều 18 của Dự thảo quy định “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác” là chưa chính xác, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. “Nếu công dân Việt Nam có 2 quốc tịch thì sao? Nếu không giao nộp công dân Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật cho nước đề nghị dẫn độ (cả khi người đó có quốc tịch của nước đề nghị dẫn độ) thì có đúng với thông lệ quốc tế không? Chúng ta phải xem lại vấn đề này” - ông Trịnh đặt vấn đề. Theo ông, nên bổ sung Khoản 2, Điều 18 của Dự thảo thành “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác, trừ trường hợp liên quan đến việc ký kết, thực hiện điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam tham gia”.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao vị thế chủ thể - con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO