Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D: Cần thiết và cấp bách!

TRỊNH DŨNG 04/08/2023 07:55

Các phương thức mở tuyến mới hay đầu tư theo đối tác công tư (PPP) đều không thể thực hiện được cho việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D. Quảng Nam đã đề nghị Trung ương đầu tư từ nguồn ngân sách. 

Quốc lộ 14D chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, chỉ bảo dưỡng, duy tu định kỳ. Ảnh: T.D
Quốc lộ 14D chưa được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, chỉ bảo dưỡng, duy tu định kỳ. Ảnh: T.D

Hy vọng bất thành

Ý tưởng về một con đường xuyên Á “nguội lạnh” mấy chục năm qua đã “nóng” trở lại khi Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oóc được hai nước Việt - Lào chính thức khai trương hồi tháng 8/2021. Quốc lộ (QL) 14D có tên trong danh mục Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2025 (tầm nhìn đến năm 2050) với quy mô cấp III - VI, 2 - 4 làn xe.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 không có tuyến QL 14D. Thông báo ngày 27/1/2022, Bộ GTVT cho biết chưa có kế hoạch cân đối nguồn vốn (khoảng 2.500 tỷ đồng) để nâng cấp, mở rộng QL giai đoạn này.

Tập đoàn Trường Hải đã mở tuyến vận tải xuyên biên giới qua cửa khẩu Nam Giang; đồng thời lên kế hoạch khai thác nhu cầu vận chuyển nông sản, khoáng sản từ cao nguyên Boloven (Lào), Ubon Raychathani, Sisaket, Yasothon, Charoen, Buriam… (Thái Lan) về cảng Chu Lai xuất khẩu. Vì thế, Chủ tịch HĐQT Thaco - Trần Bá Dương được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chấp thuận. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát của Bộ GTVT về tuyến đường mới như dự định đã không thể khả thi.

Ngày 19/9/2022, chính quyền địa phương đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư, mở rộng, nâng cấp QL 14D theo hình thức BOT. Thế nhưng, sau 10 tháng đề nghị, ngày 24/7/2023 Quảng Nam buộc phải gửi công văn trình Bộ GTVT là không thể thực hiện được yêu cầu từ phía các bộ, ngành Trung ương.

Không doanh nghiệp nào có ý định tài trợ vốn không hoàn lại mở rộng QL 14D theo như đề xuất của Bộ GTVT. Không chỉ việc đầu tư tuyến đường mới hoàn toàn không khả thi, cả hai phương án đầu tư theo hình thức BOT trên tuyến đường hiện có cũng bất thành.

Theo phương án của Thaco, sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng; ngân sách hỗ trợ 72,5% (1.914 tỷ đồng). Nếu chỉ thu phí xe thông quan qua cửa khẩu Nam Giang sẽ tăng lên 2.186 tỷ đồng (khoảng 82,8%/tổng mức đầu tư).

Phương án khác là mở rộng các đoạn đường có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nâng cấp một số đoạn xuống cấp. Tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng; ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng (42,5%/tổng mức đầu tư). Theo cả hai phương án, phần vốn còn lại, nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua cửa khẩu khoảng 20 năm.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các phương án Thaco đề xuất đều vướng về pháp lý và phương án tài chính cũng thiếu đảm bảo. Phương án 1, BOT không thể dùng cho việc đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến độc đạo hiện hữu, tỷ lệ vốn ngân sách đã vượt 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP.

Phương án 2, tổng mức đầu tư thấp (730,3 tỷ đồng), công trình sẽ chỉ được cải tạo cục bộ, nhưng vốn nhà nước phải góp vào đến 42,5%. Trong khi đó, thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Từ những phân tích, tính toán, Quảng Nam kiến nghị không thực hiện đầu tư theo BOT.

Chờ đợi

Theo dữ liệu công bố từ UBND tỉnh Quảng Nam, lượng hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng nhiều, từ nông sản, vật tư đến khoáng sản... So với sáu tháng đầu năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh đều tăng (lần lượt 37,25%, 79% và 40%).

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang - Nguyễn Hoàng nói, tính đến hết ngày 30/6/2023, chi cục đã thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho 566 tờ khai hải quan (tăng 28%), kim ngạch hơn 48,4 triệu USD, tăng 125% và thông quan cho 6.575 lượt phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (tăng 120,7%), thu nộp ngân sách hơn 77 tỷ đồng (tăng 773%).

Đặc biệt, từ cuối tháng 5/2023 đến nay, đã giải quyết thủ tục hải quan cho 80 tờ khai với 1.023 phương tiện vận tải vận chuyển hơn 32 nghìn tấn quặng nhôm bauxit từ doanh nghiệp Lào, quá cảnh về cảng Chân Mây (Huế), xuất đi Trung Quốc...

Từ kế hoạch vận tải của Thaco kết nối cảng biển Quảng Nam, số lượng phương tiện vận tải qua cửa khẩu không ngừng gia tăng, sức hút hàng hóa rất lớn, kể cả nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã mở tuyến caravan theo con đường này. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, từ vận chuyển sản xuất hàng hóa, du lịch đã đến lúc chín muồi, cần thiết và cấp bách để đầu tư nâng cấp, mở rộng QL 14D.

Các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đều không thể thực hiện. Quảng Nam đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp QL 14D.

Tiền đâu để thực hiện mở rộng, nâng cấp QL này khi nhu cầu ngày càng lớn, nhưng địa phương không thể đủ nguồn lực để tính toán? Không còn cách nào khác, Quảng Nam phải đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công 2021 - 2025 và 2026 - 2030 để mở rộng, nâng cấp QL này.

Phân kỳ đầu tư, từ nay đến 2025 sẽ đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, nâng cấp một số đoạn xuống cấp. Từ 2026 - 2030 đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn quy định. Sẽ bảo đảm xe container vận tải đi lại thuận lợi, an toàn với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Mơ ước QL 14D, nối từ cầu bến Giằng lên tận cửa khẩu 76km sẽ thành Hành lang kinh tế 2 (EWEC2) chưa biết bao giờ trở thành hiện thực. Những chuyến xe hàng vẫn ì ạch, nặng nề băng qua con đường nhỏ, hẹp, khúc khuỷu, sạt lở... “hư đâu sửa đó”, chưa biết bao giờ kết thúc!

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam nói, đã khảo sát, tính toán lưu lượng phương tiện hoạt động, xác định các điểm, đường gấp khúc, góc cua hẹp, các điểm dừng tránh... đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng năng lực vận tải. Tuy nhiên, đó là chuyện tương lai. Hiện ngành giao thông tiến hành sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường định kỳ. UBND tỉnh đã gửi công văn, tờ trình đề nghị lên Trung ương và đang chờ hồi đáp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D: Cần thiết và cấp bách!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO