Trên công trường dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT609 (đoạn An Điềm, Đại Lộc - A Sờ, Đông Giang), chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tiếp tục tăng cường nhân lực, thiết bị máy móc để thúc đẩy thi công, hoàn thành nhiều hạng mục thiết yếu trước mùa mưa bão.
Đã nên hình dáng
Tuần qua, công trường dự án nâng cấp, mở rộng ĐT609 tiếp tục có thêm 0,6km mặt đường được thảm bê tông nhựa lớp 1. Như vậy, tính đến thời điểm này, mặt đường toàn tuyến có tổng cộng 3,4km được phủ bê tông nhựa lớp 1.
Ở nhiều vị trí khác, liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến, Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt và Công ty CP 6.3 đang nỗ lực triển khai các mũi thi công đào, đắp nền đường, làm cầu, cống thoát nước ngang đường, tường chắn…
Ghi nhận thực tế, một số đoạn tuyến đã lên lớp cấp phối đá dăm cuối cùng của nền mặt đường. Nhưng do mặt bằng bàn giao chưa liên tục, chủ đầu tư chờ địa phương khơi thông xong chỗ “da beo” sẽ chỉ đạo nhà thầu tiếp tục thực hiện, rồi khớp nối các đoạn hoàn thành nền mặt đường để thảm luôn thể bê tông nhựa lớp 1.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT609 (đoạn An Điềm - A Sờ) có tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng. Công trình qua địa phận xã Đại Hưng (Đại Lộc) và các xã Kà Dăng, Mà Cooih (Đông Giang). Trong đó, đoạn qua Đại Lộc dài 6,8km, đoạn qua Đông Giang dài 14,4km (khớp nối đoạn tuyến đã thi công xong, giáp đường Hồ Chí Minh). Mặt cắt ngang đường khi hoàn thành rộng 7,5m; trong đó bề mặt và lề gia cố rộng 6,5m, lề đất mỗi bên rộng 0,5m. Dự án khởi công xây dựng vào ngày 8/3/2023.
Kiểm tra tại hạng mục cầu Km50+805, kỹ sư Vũ Khắc Hùng - Tư vấn giám sát trưởng dự án của Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 chia sẻ, nhà thầu là Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt đã gác dầm, đang hoàn thiện dầm ngang và bản mặt cầu.
Cạnh đó, đơn vị thi công đổ bê tông chân khay mố M1, đắp đường dẫn 2 đầu cầu. Giá trị khối lượng của cây cầu hiện đã đạt khoảng 80%. Với cây cầu Km50+805, Công ty CP Quang Đại Việt đã triển khai hoàn thiện 4/4 dầm cùng mố M1 và mố M2.
Tại những vị trí khác, liên danh nhà thầu thi công nhiều cống hộp, cống tròn thoát nước ngang đường, cầu bản. Tính chung cả dự án, đến thời điểm này, giá trị khối lượng thực hiện đạt khoảng 51 tỷ đồng (xây lắp chiếm 39 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng là 12 tỷ đồng). Nhờ đó, cung đường trục ngang huyết mạch lên miền núi phía tây đã mang hình hài mới.
Thúc đẩy thi công
Cán bộ điều hành dự án của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam) cho biết, lãnh đạo ban chỉ đạo nhà thầu tiếp tục huy động nhân lực, máy móc thiết bị chuyên dụng, nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đặc biệt lưu ý, hạng mục đang làm dở dang, cầu cống nằm vị trí xung yếu bắt buộc phải hoàn thiện trước mùa mưa bão. Đơn vị tư vấn giám sát chia sẻ, mặc dù là mùa nắng, thời tiết ở phía tây Đại Lộc và khu vực Đông Giang thường xuyên có mưa vào buổi chiều nên nhà thầu đẩy thời gian làm việc thực tế lên sớm hơn trong buổi sáng, để bù cho buổi chiều không thể thi công phần việc bị ảnh hưởng do mưa.
Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến là đơn vị đảm nhận thi công từ lý trình km59+165,13 đến km67+634 (cuối tuyến của dự án) và cầu Km61+700,2. Nhà thầu này đã bố trí 2 lán trại ven tuyến để đảm bảo nơi ăn uống, ngủ nghỉ cho cán bộ kỹ thuật và công nhân.
Nhằm cung ứng kịp thời nhiên liệu cho vận hành máy móc, thiết bị thi công, đơn vị lắp đặt tạm thời bồn chứa, thuê nhà cung cấp chở xăng dầu trực tiếp lên công trường.
Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến - kỹ sư Phạm Văn Lực cho biết, doanh nghiệp bố trí 60 cán bộ kỹ thuật, nhân công và lái máy. Với phương tiện cơ giới, đơn vị huy động 11 máy đào, 10 xe tải, 3 xe lu, 2 xe ủi, 1 xe san và nhiều máy móc chuyên dụng khác. Vì vậy, cứ khoảng 7 ngày, công trường tiêu thụ hết 10.000 lít dầu.
Theo kỹ sư Vũ Khắc Hùng, không vì đẩy nhanh tiến độ mà chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát lơ là việc giám sát chất lượng thi công. Nguyên vật liệu đầu vào được kiểm tra chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn thiết kế.
Vấn đề an toàn lao động, an toàn giao thông luôn được quan tâm thực hiện. Theo thống kê của chủ đầu tư, dự án nâng cấp, mở rộng ĐT609 (đoạn An Điềm - A Sờ) có tổng chiều dài 21,3km. Đến giữa tuần này, 2 huyện Đại Lộc và Đông Giang đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được 15km.
Kỹ sư Vũ Khắc Hùng cho hay, chủ đầu tư phấn đấu cuối năm 2023 hoàn thành khoảng 50% khối lượng giá trị xây lắp, hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 8/2024. Để đạt mục tiêu đề ra, nhà thầu kiến nghị địa phương tiếp tục khơi thông, bàn giao mặt bằng đang vướng; trong đó, Đông Giang hiện có gần 3km chưa giải phóng mặt bằng xong.
Lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến kiến nghị, huyện Đông Giang ưu tiên di dời trước trụ điện tại khu đồi ven lý trình km64+900 để nhà thầu tiến hành đào đất đá, thi công chỉnh tuyến với chiều dài 300m. Xong vị trí này, toàn tuyến do công ty đảm nhận sẽ thông suốt, tạo thuận lợi khớp nối với các đoạn đã hoàn thành cấp phối đá dăm.