Hiện trạng xuống cấp, thiếu thốn về trang thiết bị của nhiều trạm y tế (TYT) tuyến xã trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều áp lực cho công tác nâng cao năng lực khám chữa bệnh, nhất là ở miền núi.
Khu nhà điều trị của tại Trạm Y tế xã Đắc Pre được xây dựng năm 2001 nhưng mất công năng từ năm 2008 đến nay. |
Nhiều khó khăn
Tại khu vực miền núi Nam Giang, mùa mưa lũ kéo theo những áp lực về phòng chống dịch bệnh nhưng hầu hết cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của TYT tuyến xã đều xuống cấp, khó đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà điều trị bệnh bị bỏ hoang, mất công năng từ năm 2008 đến nay, quyền Trạm trưởng TYT xã Đắc Pre - Zơrâm Chịu cho biết, công trình này được đầu tư xây dựng từ năm 2001 nhưng bị ngập nước nên chỉ sử dụng được một thời gian ngắn. “Trung bình mỗi ngày trạm đón tiếp gần 50 lượt người dân tới khám bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đủ khả năng phục vụ chữa các bệnh cảm sốt thông thường. Ngay cả việc sản phụ sinh con, trạm cũng không thể giải quyết được mà phải giới thiệu ra ngoài xã Chà Vàl” - chị Zơrâm Chịu trăn trở. Tại cơ sở y tế này, la phông trần nhà còn bị hỏng hóc, mùa mưa nước dột xuống nền gây nhiều khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ và người bệnh.
Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trước thực trạng xuống cấp của nhiều TYT tuyến xã, vài năm trở lại đây UBND huyện Nam Giang và Trung tâm Y tế huyện trích ngân sách đầu tư xây mới các TYT xã Tà Pơơ, Ta Bhing, Đắc Tôi với tổng kinh phí 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ tại các cơ sở này vẫn còn nhiều thiếu thốn, không có nguồn để mua sắm. Ông Aviết Sơn bày tỏ mong muốn UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm hơn nữa để có thể giải quyết rốt ráo những tồn đọng tại các TYT của huyện. “Ngoài Đắc Pre, địa phương còn có nhiều cơ sở y tế khác hiện không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh như tại Đắc Pring, Thạnh Mỹ, Cà Dy… Tại 10/12 TYT đã có bác sĩ nhưng điều kiện về máy móc, thuốc men, giường bệnh rất hạn chế khiến công tác chăm sóc sức khỏe tại vùng cao này tồn đọng nhiều bất cập” - ông Aviết Sơn nêu thực trạng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh kiểm tra hiện trạng hư hỏng, xuống cấp của Trạm Y tế xã Tiên Lãnh. |
Tương tự, làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, đại diện chính quyền huyện Tiên Phước kiến nghị xây mới đa số các TYT tuyến xã với lý do đã sử dụng quá nhiều năm, xuống cấp, hư hỏng nặng. Tại xã Tiên Lãnh, địa bàn tương đối cách trở với trung tâm huyện, dù có tới hơn 6.000 dân nhưng TYT tuyến xã chỉ đủ năng lực khám chữa bệnh ban đầu cho các ca đơn giản. Phòng hộ sinh của xã từ lâu bị bỏ không do thiết bị quá cũ kỹ, không đảm bảo cho việc khám chữa bệnh. “Nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ là rất lớn, nhưng do phòng ốc quá xập xệ, thiết bị cũ kỹ, hư hỏng nên chúng tôi buộc lòng phải giới thiệu người dân đi hơn 25km xuống trung tâm y tế huyện khám chữa bệnh” - ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng TYT xã Tiên Lãnh bộc bạch.
Bố trí nguồn lực đầu tư
Chưa có cơ chế khám chữa bệnh cho nhân dân Lào vùng biên giới Bác sĩ Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết, ngoài những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì địa phương còn đang gặp khó trong việc chuyển ngạch cán bộ, nhân viên để bố trí việc làm. Hơn nữa, chưa có quy định, quy chế rõ ràng trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân người Lào nên nếu có xảy ra rủi ro thì sẽ rất khó khăn trong cách giải quyết với đối tượng này. |
Thống kê của Sở Y tế cho thấy, toàn tỉnh hiện có 244 xã với 102 TYT thuộc 9 huyện miền núi, 1 TYT hải đảo, 20 TYT xã bãi ngang ven biển và 111 TYT xã đồng bằng. Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhiều cơ sở y tế, Sở Y tế kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây mới 53 TYT từ nguồn ngân sách, 7 TYT từ nguồn xây dựng nông thôn mới, sửa chữa nâng cấp 66 trạm với dự kiến ngân sách vào khoảng 255 tỷ đồng. Trong đó, có 17 TYT cần được đầu tư xây dựng trong năm 2016 để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là một trong những quyết tâm của ngành y tế lẫn chính quyền địa phương để đảm bảo năng lực khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở. “Tuyến y tế cơ sở là tuyến khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động hướng đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thực trạng đòi hỏi phải ưu tiên nguồn lực để đầu tư mới có thể đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên” - ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết giai đoạn 2016 - 2020, từ các nguồn của Trung ương và tỉnh, sẽ ưu tiên xây mới và nâng cấp các TYT ở những địa bàn cấp thiết nhất. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ngành y tế sẽ tính toán để bố trí lộ trình đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu chiến lược về y tế mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra. “Quan điểm là phải tận dụng mọi nguồn lực, ưu tiên để có thể đầu tư nâng cấp, cải tạo các TYT tuyến này, bởi các cơ sở này tiên phong trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cần ưu tiên xây dựng sớm trong năm 2016” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói. Theo tính toán của Sở Kế hoạch - đầu tư, với chủ trương trên, năm 2016 sẽ có 7 TYT và 2 phòng khám đa khoa được đầu tư xây dựng, đồng thời những cơ sở xuống cấp nghiêm trọng trong danh mục sẽ được đưa vào kế hoạch trung hạn, sẽ triển khai xây dựng hoặc nâng cấp trong những năm tiếp theo.
THÀNH CÔNG - VĂN HÀO