Nâng chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên miền núi

ALĂNG NGƯỚC 29/09/2020 07:38

Cùng với tiếp tục phân luồng các chương trình đào tạo theo mục tiêu nghề phổ thông, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh cần xây dựng đề án nâng cao các chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng tay nghề cho học viên sau khi ra trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kiểm tra công trình phòng ở ký túc xá Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân kiểm tra công trình phòng ở ký túc xá Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc, khảo sát chương trình đào tạo nghề tại Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam (đóng tại huyện Nam Giang), vào sáng qua 28.9.

Theo đồng chí Trần Văn Tân, bên cạnh duy trì các mô hình đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh đang hướng đến tiếp tục mở rộng đào tạo chuyên sâu, nâng cao tay nghề nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo nghề cơ bản cho thanh niên miền núi, vùng đồng bào DTTS. Bởi trong tương lai, đây sẽ là nguồn nhân lực tại chỗ vừa giải quyết  bài toán cho lao động nông thôn miền núi, vừa xây dựng được đội ngũ lao động dồi dào cung ứng các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên DTTS đáp ứng với mục tiêu đề ra, bên cạnh ổn định và duy trì các chương trình đào tạo cơ bản trước đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị nhà trường cần tiếp tục nâng cao các chương trình đào tạo chuyên sâu. Thời gian đến cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyển sinh theo mục tiêu đề ra. Đồng thời triển khai thật kỹ các bước sắp xếp, điều chỉnh lại cơ sở giáo dục theo chủ trương, cũng như hình thành các mô hình đào tạo gắn kết với thực hành thực tiễn, đảm bảo học viên đạt chất lượng chuyên môn vững khi ra trường.

Ông Phan Văn Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh cho hay, ngoài tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp cho 124 học viên khóa 10 và 11, năm 2020 nhà trường tuyển sinh được 466 chỉ tiêu. Trong đó có 222/250 chỉ tiêu học viên đăng ký các nghề mộc xây dựng, trang trí nội thất, hàn, may thời trang và cơ điện nông thôn; 150 học viên học nghề may công nghiệp; 94 học viên học nghề sản xuất hàng mây tre đan và dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình, hạng mục của nhà trường đã bị hư hỏng nghiêm trọng cần sớm được sửa chữa, khắc phục. Trong đó, chủ yếu là các phòng ở, công trình phụ tại khu ký túc xá học viên; nhà ăn và công trình rào lưới xung quanh ký túc xá.

“Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường và nhu cầu học tập cao hơn của học viên, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thống nhất giữa Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT và các địa phương về chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời cho phép các trường nghề đủ điều kiện kết hợp vừa dạy nghề vừa dạy chương trình các môn văn hóa. Ngoài ra, cần có cơ chế thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào các địa phương miền núi để gắn kết công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS với giải quyết việc làm tại chỗ, cũng như quan tâm bố trí kinh phí và chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học nghề ở các cấp học phổ thông” - ông Bình kiến nghị. 

Thống nhất với những kiến nghị, đề xuất của nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có chỉ đạo trong việc phân luồng đào tạo gắn với học văn hóa. Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổng hợp nhu cầu, bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình đã hư hỏng nhằm đảm bảo tốt nhất việc đào tạo, ăn ở, sinh hoạt cho giáo viên và học viên tại trường...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO