Trong định hướng phát triển ngành kinh tế du lịch, TP.Hội An chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần mang lại sinh kế và lợi ích đáng kể cho người dân...
Chú trọng công tác đào tạo
Những năm qua, Phòng VH-TT thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã phường mở các lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho những người làm dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Các học viên được nghe truyền đạt những thông tin chuyên đề về du lịch cộng đồng; khả năng giao tiếp tiếng Anh; những kiến thức tổng quan về giá trị văn hóa, lịch sử, con người Hội An, thông tin về các điểm di tích mở rộng tại khu vực… Cùng với phần lý thuyết, lớp tập huấn còn tổ chức cho các học viên đi thực tế, trải nghiệm và thực hành thuyết minh tại các điểm tham quan lân cận.
Là địa phương đã tổ chức được một số lớp tập huấn du lịch cộng đồng, ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm những ngành nghề thuộc về nông nghiệp gắn với dịch vụ. Đơn cử, ở Trà Quế, chúng tôi mở các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn gắn với hướng dẫn viên du lịch cộng đồng để phát triển đúng định hướng và bền vững lâu dài”.
Ở Cù Lao Chàm, chính quyền địa phương cũng rất chú trọng công tác này nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng cộng đồng. Những năm qua, UBND xã Tân Hiệp phối hợp với các ngành chức năng của thành phố mở một số lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho hơn 200 lao động tại địa phương.
Năm nay, UBND xã Tân Hiệp phối hợp với Trung tâm ngoại ngữ Tin Tiến tiếp tục mở lớp tiếng Anh giao tiếp cho hơn 20 cán bộ và người dân trực tiếp làm du lịch. Nhờ vậy, chất lượng du lịch sinh thái biển đảo với các hoạt động trải nghiệm, khám phá dành cho du khách khi đến với đảo Cù Lao Chàm ngày càng được nâng cao.
Ông Huỳnh Giang ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp bày tỏ: “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn ở Cù Lao Chàm nên người dân phải tự nhận thức làm thế nào để du khách đến đây mong muốn tiếp tục quay lại cũng như giới thiệu đến người thân, bạn bè vẻ đẹp của vùng đất này” - ông Giang nói.
Phát triển gắn với bảo tồn
Du lịch cộng đồng là lợi thế mà lãnh đạo TP.Hội An đã và đang tiếp tục đẩy mạnh. Những năm qua, thành phố có chủ trương cho phát triển rất nhiều loại hình lưu trú trong dân, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch quản lý và khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch khu vực biển - đảo - làng quê. Đồng thời chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái - nhân văn của từng khu vực, từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại chỗ, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch.
Chính quyền thành phố cũng đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn các loại hình tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho hay: “Cái chúng ta cần không chỉ là những lớp dạy nghề cấp giấy chứng nhận mà cần cả những lớp như hướng dẫn viên cộng đồng tại địa phương, rồi các lớp tập huấn ngắn ngày khác về kỹ năng tiếng Anh, các hoạt động dịch vụ, trang bị kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp. Phải cập nhật, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến cộng đồng làm du lịch tạo nền tảng phát triển bền vững”.
Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án du lịch; bao gồm: đề án phát triển bền vững xã Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm giai đoạn 2017 - 2025, đề án xây dựng làng quê - làng nghề sinh thái Cẩm Kim, mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu và tham quan nội vùng xã Cẩm Thanh, phát triển du lịch - dịch vụ vùng ven biển Cẩm An, tuyến tham quan làng rau An Mỹ - Cẩm Châu, phục hồi và phát triển du lịch tại làng rau Trà Quế - xã Cẩm Hà, làng mộc Kim Bồng và mở rộng tuyến tham quan nội vùng xã Cẩm Kim… Từ đó góp phần mở rộng không gian phát triển du lịch, khai thác tiềm năng lợi thế du lịch sinh thái, làng quê, biển đảo Hội An hiệu quả.