Không chỉ học cách chăm sóc cho đàn heo mau lớn, Linh còn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để nuôi đàn heo của mình không bị bệnh. Trong thời điểm các hộ chăn nuôi xung quanh đều có heo bị mắc bệnh và chết hàng loạt nhưng đàn heo của gia đình anh vẫn an toàn. Việc vệ sinh chuồng trại, chế độ dinh dưỡng cho đàn heo được anh lên lịch cụ thể đến từng ngày, từng giờ, kiêm luôn cả vai trò “bác sĩ” thú y. Trang trại nuôi heo của Linh rất đạt yêu cầu trong chăn nuôi, chưa một lần dính dịch bệnh, mỗi trại đều có hầm biogaz nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Linh cho biết thêm: “Với 3 hầm biogaz vừa đảm bảo môi trường, vừa để sử dụng đun nấu và thắp sáng, tôi đã vận động bà con gần khu vực trang trại kéo ống dẫn về nhà sử dụng, lượng ga dùng đủ cho khoảng 5 hộ”.
Với đàn heo siêu nạc gần 1.000 con, mỗi năm xuất chuồng 2 lần, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Không chỉ lo làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế địa phương, mô hình chăn nuôi của Linh còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, với những gì tích lũy sau 3 năm làm kinh tế, Linh chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với bà con, nhất là đoàn viên thanh niên cùng trang lứa. Từ đó, nhiều đoàn viên trong xã mạnh dạn đầu tư, học hỏi kinh nghiệm, liên kết tổ chức nuôi heo theo quy mô lớn. Mô hình trang trại chăn nuôi của Huỳnh Tấn Linh đã được Đoàn xã Duy Trung giới thiệu với nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện học tập.
THIÊN NGÂN - PHAN TUẤN