Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Cao Choát ở phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) đi dạo chơi, tình cờ nhìn thấy những rễ cây và chợt nhớ ra mình cũng đã học “sơ qua” một lớp hội họa. Ông lấy rễ cây đục đẽo làm vui và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Duyên với rễ cây
Ông Nguyễn Cao Choát quê ở Thái Bình, gia nhập quân ngũ năm 1968 và có một thời gian làm phóng viên Báo Cờ Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Choát thi vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng theo nguyện vọng của cha mẹ. Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Phòng Nông nghiệp Tam Kỳ, rồi dạy học ở Trường Cao đẳng Phương Đông và nghỉ hưu cách đây 7 - 8 năm. Mấy chục năm trước, ông từng học lớp hội họa cấp tốc ở Đà Nẵng. Lớp học do một thầy giáo đến từ nước Đức giảng dạy và ông là một trong số rất ít người tốt nghiệp khóa học này khi vượt qua 5 bài thực hành khắt khe về vẽ chân dung. Nhưng rồi học xong lớp hội họa cấp tốc, do bận bịu với công việc chuyên môn của một kỹ sư, ông không cầm cọ nữa. Mãi cho đến khi nghỉ hưu, trong một lần đi dạo, tình cờ ông nhìn thấy đống rễ cây nằm ven đường, những đam mê và vốn liếng được tích cóp từ trước về nghệ thuật tạo hình trong ông bỗng dưng trỗi dậy. Thế là ông nảy sinh ý định biến những gốc rễ xù xì, thô ráp kia thành tác phẩm nghệ thuật để thỏa mãn sở thích với suy nghĩ “vui là chính”.
Ông Choát say sưa tạo tác phẩm. |
Vì sự “vui là chính” nên ông Choát thường phác họa ý tưởng trong đầu rồi sau đó đục đẽo, tạo hình tác phẩm theo cảm xúc, suy nghĩ riêng của mình. Ông khoe mình có khả năng ghi nhớ rất tốt - mà ông gọi vui là “chụp ảnh bằng bộ nhớ”. Ấy là khi xem một bức tranh, một bức ảnh nghệ thuật là ông nhớ như in những đường nét, chi tiết mà không cần sao chụp. Nhưng ông ghi nhớ chỉ để mà ghi nhớ thôi. Bởi các tác phẩm rễ cây của ông không giống với bất kỳ mẫu sản phẩm của ai khác, kể cả về ý tưởng. Ông bảo, nhiều khi ý tưởng về tác phẩm chợt đến với mình ngay trong... mơ. Những lúc như vậy, ông tỉnh giấc sớm và ra vườn đục đục đẽo đẽo từ mờ sáng... Cứ như thế, những tác phẩm nghệ thuật từ rễ cây chứa đựng “những điều muốn nói” qua hình dáng độc đáo, ngộ nghĩnh, lần lượt ra đời. Và chúng cũng lần lượt theo chân những người đam mê nghệ thuật tạo hình bằng rễ cây đi khắp nơi, vượt ra khỏi miền Trung, đến tận Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác...
Tác phẩm Ông Lữ đi câu. |
Lặng lẽ tạo sản phẩm
Không gian sáng tạo của ông Choát là khu vườn nhỏ tại một con hẻm ở khối phố 2, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ. Hằng ngày, ông ngồi lặng lẽ đục đẽo giữa ngổn ngang rễ cây. Ông Choát không khoa trương bảng hiệu nhưng vẫn có nhiều người tìm đến đặt hàng. Tất cả là do “hữu xạ tự nhiên hương”, do bạn bè quan chiêm tác phẩm của ông, rồi “quảng cáo”, giới thiệu về ông cho nhiều người biết. Từ khi có người tìm đến đặt hàng, ông Choát bắt đầu có sự phân biệt giữa “điêu khắc thương mại” và “điêu khắc nghệ thuật”. Điêu khắc nghệ thuật là làm theo niềm đam mê, hứng thú của mình, làm vì “vui là chính”. Còn điêu khắc thương mại là làm theo đơn đặt hàng của khách. Từ rễ cây do khách hàng mang đến, ông nhận gia công sản phẩm theo ý họ. Nhưng, dù có sự phân chia “thương mại” và “nghệ thuật”, song tất cả sản phẩm do ông làm ra đều có “hồn vía” và mang tính nghệ thuật, vì được tạo tác bởi niềm say mê, tâm huyết. Cũng chính vì quan niệm làm cho vui nên tiền công ông lấy khá rẻ. Có tác phẩm làm ròng rã một tháng, ông chỉ nhận 2 - 3 triệu đồng. Có miếng gỗ nào ưng ý, ông điêu khắc tranh lịch. Đục đẽo mài giũa 4 - 5 ngày, ông bán chỉ với giá 800 nghìn đồng; nhiều khi hứng chí, hoặc gặp người tâm đầu ý hợp, ông biếu luôn.
Ông Choát tâm sự, năm nay nhiều khách hàng đặt ông chạm con rồng bay trên nhành mai với ước mong mọi sự tốt đẹp, bên dưới là hình ảnh các thành viên trong gia đình, thể hiện sự đoàn tụ, sum vầy... Nghe thì đơn giản vậy, chứ nghề này phải tỉ mẫn, cẩn thận, chứ sai một nhát đục là đi tong tác phẩm. Hoặc giả nếu sửa lại được, trông cũng “mất sướng”, dù chỉ có người trong nghề mới nhận biết những chỗ chắp vá. Chưa hết, điêu khắc hình người thì dễ, nhưng làm sao toát lên được cái thần, cái hồn của người ấy, để khách hàng hài lòng... mới là điều cực kỳ khó. Thế nhưng chưa có khách hàng nào phật lòng với sản phẩm ông làm ra. Gần chục năm qua, sản phẩm do ông làm ra khá nhiều với các đề tài Phật Bà cho thuốc, Ông Lữ đi câu, Mười hai con giáp... Làm sản phẩm theo đơn đặt hàng, đôi lúc khách hàng thúc giục nhưng ông mặc kệ, cứ tỉ mẫn ngồi làm từng li, từng tí. Bởi ông nghĩ, nghề này không thể nôn nóng được. Cũng có một số bạn trẻ nghe danh ông đến “tầm sư học đạo”, trong số đó cũng có người bỏ cuộc vì không theo được. Như đã nói, nghề này cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, chịu khó, tuyệt đối không được làm dối, làm ẩu, thế nên không phải bạn trẻ nào cũng có đủ kiên nhẫn để theo học.
Nói về việc điêu khắc gỗ, ông Choát cười nói: “Chính tôi cũng không biết đó là nghề hay là nghiệp nữa. Nhưng với tôi, mỗi tác phẩm ra đời là một niềm vui. Vui hơn nữa là tác phẩm ấy được người mua, người xem thích thú, hài lòng”.
CHÂU NỮ - CẨM GIANG