Việc đầu tư nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp huyện, đưa KH-CN sát thực tiễn đời sống, góp phần giảm nghèo tại các địa phương là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra.
Thành quả bước đầu
Theo bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, năm 2020, toàn tỉnh có 11/18 địa phương đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH-CN, trong đó, một số nhiệm vụ mang tính ứng dụng và có khả năng nhân rộng sau khi kết thúc tại các địa phương.
Có thể kể đến đề tài “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến chè An Bằng dạng túi lọc trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam”; “Ứng dụng tiến bộ KH-CN để tuyển chọn các giống dâu tây và xây dựng mô hình trồng cây dâu tây (Fragaria L) phục vụ đa mục đích tại xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam”; “Xây dựng quy trình chế biến sản phẩm mực tẩm ướp gia vị từ nguyên liệu mực xà khô tại huyện Núi Thành”...
Năm 2021, toàn tỉnh có 10 địa phương đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH-CN, một số nhiệm vụ mang tính ứng dụng, có khả năng nhân rộng sau khi kết thúc...
KH-CN phải đi trước một bước
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, phải khẳng định KH-CN giúp mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và người dân có thể áp dụng KH-CN để nâng giá trị thu nhập và cần làm ngay, nếu làm chậm sẽ đi sau các nơi khác.
KH-CN cần gắn với thị trường, cần chú trọng xuất xứ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khâu truy xuất nguồn gốc phải gắn với quốc gia, có như vậy sản phẩm mới ra thị trường, mới hội nhập.
Đề nghị Sở KH-CN, Sở Tài chính và các sở ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực tài chính, thanh quyết toán hỗ trợ các địa phương triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, đề tài KH-CN.
Thống kê, tuyên dương đơn vị có nhiều ứng dụng KH-CN giúp tăng giá trị, năng suất, sản lượng. Nếu địa phương làm tốt và quan tâm đầu tư cho KH-CN, chắc chắn sẽ không thiếu tiền và ngược lại.
Sở KH-CN, ngành KH-CN cần thống kê có bao nhiêu dự án và đã giải ngân được bao nhiêu? UBND tỉnh sẽ đồng hành với các nhà khoa học, địa phương trong triển khai ứng dụng KH-CN, nhân rộng các mô hình thành công nếu hiệu quả.
Năm 2020, UBND các huyện Đông Giang, Núi Thành, Phú Ninh và Điện Bàn phối hợp với Sở KHCN triển khai các nội dung của Kế hoạch số 5308 ngày 26.10.2016 của UBND tỉnh về “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020”.
Các địa phương tập trung thực hiện nội dung quản lý và phát triển một số nhãn hiệu tập thể như bê thui Cầu Mống (Điện Bàn), ớt A Riêu Mà Cooih (Đông Giang), nếp bầu Tam Mỹ (Núi Thành), rau Tam An (Phú Ninh)...
Từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 14 sản phẩm.
Một số địa phương đã đề xuất các nhiệm vụ nhằm thực hiện tạo lập và quản lý phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng như: ba kích Tây Giang, đẳng sâm Tây Giang, dịch vụ du lịch Hội An, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, mực cơm Bình Minh - Thăng Bình...
Theo ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN), Nghị quyết số 02 ngày 12.7.2019 của HĐND tỉnh đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 01 ngày 12.1.2022 của HĐND tỉnh.
Đây là nghị quyết đầu tiên của tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN. Qua 2 năm triển khai, trên cơ sở đề xuất, đặt hàng của các địa phương, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện 6 dự án và 1 phương án “Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới”.
Việc triển khai các dự án đã hỗ trợ một số tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa KH-CN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, đưa giống cây con mới, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân...
Khắc phục hạn chế
Bên cạnh những kết quả nổi bật, ngành KH-CN tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó tồn tại lớn là thiếu cán bộ chuyên trách KH-CN và tình trạng phân bổ nguồn lực KHCN phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng còn hạn chế.
Cùng với đó, cơ chế đầu tư cho “hậu đề tài/dự án” và nhân rộng các mô hình ứng dụng KH-CN vào thực tế còn bị bỏ ngỏ. Đó cũng là ý kiến của ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ.
Ông Ba cho hay, nguồn nhân lực KH-CN tại TP.Tam Kỳ vẫn chưa đảm bảo, không có nhân lực triển khai các nhiệm vụ; nhiều đề tài, mô hình ứng dụng KH-CN chưa phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vai trò của KH-CN vẫn còn bị xem nhẹ ở việc bố trí cán bộ, nhiều cán bộ phụ trách KH-CN cấp huyện còn kiêm nhiệm, thiếu chuyên trách, đề nghị tỉnh nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về nguồn cán bộ KH-CN cơ sở.
Mỗi năm, thị xã Điện bàn có 1 - 2 đề tài nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, có những đề tài hay, rất thành công nhưng khó đi vào thực tiễn, khó nhân rộng do thiếu kinh phí. Việc quyết toán ngân sách sự nghiệp KH-CN còn khó khăn, cần có sự tháo gỡ từ tỉnh.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH-CN chia sẻ, nguồn lực KH-CN từ tỉnh phân bổ hiện không nhỏ, các địa phương có thể tranh thủ nguồn lực này để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh ngân sách tỉnh rót về hằng năm, có thể tận dụng nguồn từ Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở KH-CN sẽ tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án ứng dụng, chuyển giao KH-CN. “Với đề tài ứng dụng hiệu quả, các địa phương xây dựng phương án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ.
Lâu nay, đề tài nghiên cứu xong “tắc đường” ứng dụng do không được bố trí nguồn lực nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống, vấn đề này sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới” - ông Thạnh nói.
Cũng theo ông Thạnh, vấn đề các địa phương băn khoăn hiện nay là việc xử lý tài sản chuyển giao, ứng dụng KH-CN theo Nghị định 70 của Chính phủ còn nhiều vướng mắc. Vấn đề này, tùy theo điều kiện thực tế để xử lý, đảm bảo theo quy định, sở đã tham mưu UBND tỉnh chuyển giao, xử lý tài sản sau nghiệm thu.