Sưu tầm, gìn giữ và phát huy những giá trị văn nghệ dân gian đặc trưng của vùng đất “chưa mưa đà thấm” đang được các ngành chức năng quan tâm. Bên cạnh đó, những tác phẩm kịch dân ca hay nhạc cảnh dân ca... trình làng trước công chúng qua hình thức sân khấu hóa là cả một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài và đầy đam mê của đội ngũ những người đi tìm lời mới cho dân ca.
Nhạc sĩ Trương Đình Quang - Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam là một trong những người gắn bó mật thiết và có nhiều công trình nghiên cứu các loại hình văn nghệ dân gian xứ Quảng có lần khẳng định: “Quảng Nam hiện có một đội ngũ người viết lời mới cho dân ca rất chuẩn. Chính họ là những người góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn nghệ đặc trưng ở vùng đất này...”.
Để hiểu hơn về điều khẳng định của người nhạc sĩ lão luyện từng được ví như “người viết hát ru cho người lớn”, suốt một thời gian dài, tôi đã cố gắng lặn lội đến những hội thi, hội diễn, liên hoan hay bất cứ chương trình văn nghệ nào mang màu sắc dân ca những mong nhận diện ra đội ngũ người viết lời mới cho dân ca xứ Quảng. Ở những nơi đó, tôi đã gặp khá nhiều người, hầu hết đều là cán bộ thuộc ngành văn hóa - thông tin các địa phương hoặc ít ra cũng là cộng tác viên lâu năm của ngành.
Ông Nguyễn Hải Triều - hội viên Chi hội văn học thuộc Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam, nguyên cán bộ ngành văn hóa huyện Đại Lộc là một trong những người dành nhiều thời gian cũng như tâm huyết cho lĩnh vực này. Ở tuổi lục tuần, Nguyễn Hải Triều có vốn liếng về các làn điệu dân ca khá cơ bản, đồng thời lại là người làm thơ, viết văn nên việc viết lời mới cho dân ca khá thuận lợi. Cứ mỗi lần có dịp về Đại Lộc hoặc gặp ông ở bất cứ đâu, câu chuyện gìn giữ câu hò điệu lý quê hương luôn được ông khơi gợi và trải lòng một cách sâu nặng. Ông cho rằng: “Dân ca là loại hình văn nghệ dân gian đã trở thành mạch nguồn trong vắt của cuộc sống. Và, theo tôi, bản thân mỗi điệu lý vốn dĩ là một ca khúc hoàn chỉnh. Đó chính là cái thuận lợi cơ bản đối với những người viết lời mới cho dân ca...”. Nói là vậy, nhưng để có một tác phẩm kịch dân ca hoặc nhạc cảnh dân ca đi vào lòng người nghe thì không dễ chút nào.
Hiện tại, đội ngũ những người viết lời mới cho dân ca Quảng Nam chỉ tính trên đầu ngón tay. Có thể kể tên một số người lâu nay được xem là có “duyên nợ” với công việc này cũng như với công chúng yêu dân ca xứ Quảng: Phùng Tấn Đông (Hội An), Lê Trung Thùy, Công Danh (Duy Xuyên), Trương Minh Vinh, Nguyễn Đông Nhật (Tiên Phước), Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Sáu (Đại Lộc), Lý Như Sanh (Núi Thành), Mười Điệu, Thế Lữ (Tam Kỳ)... Họ đều yêu quý dân ca và ít nhiều có năng khiếu về thơ nhạc. Cộng thêm vào đó là quá trình tìm tòi, học hỏi từ các lớp tập huấn và đặc biệt là các nghệ nhân lớp trước nay vẫn còn đâu đó nơi các làng quê như những “bảo tàng sống” về kinh nghiệm cho thế hệ mới kế tiếp.
Mỗi điệu lý, câu hò đều có mạch nguồn đồng thời mang một ý nghĩa và cách biểu hiện riêng. Do đó, người viết lời mới cho dân ca cần phải nắm rõ các quy tắc thể hiện rồi tùy theo từng hoàn cảnh mà đặt lời mới cho từng làn điệu. Có khi lại kết hợp giữa làn điệu này với làn điệu khác tùy diễn biến tâm trạng của con người hay sự vật, hiện tượng nào đó đang diễn ra trong cuộc sống. Đây là cái khó của người viết lời mới cho dân ca bởi nó đòi hỏi sự nhuần nhuyễn trong “pha trộn” và linh hoạt trong xử lý. Trong các loại hình của dân ca, lý được xem là làn điệu tinh hoa nhất, vì thế, người viết lời mới cho lý cũng gặp không ít khó khăn. Nhà thơ Phùng Tấn Đông cho rằng: “Mặc dù nguyên tắc của lý rất chặt chẽ nhưng người biên soạn lời mới của lý cũng có thể tinh giảm bớt những nguyên tắc, nhưng tinh giảm cần phải có sự bứt phá và hay hơn...”. Ai đó đã từng đặt cho những người viết lời mới dân ca là những nghệ sĩ thầm lặng, quả chẳng sai.
Nhiều năm qua, nhờ có định hướng sân khấu hóa các loại hình văn nghệ dân gian nên người viết lời mới cho dân ca có được vị trí xứng đáng trong phong trào văn nghệ quần chúng. Có người cùng một lúc lại được mời viết kịch bản dân ca cho nhiều địa phương và chạy ngược, chạy xuôi lo chuyện tập luyện. Anh Lê Trung Thùy ở Duy Xuyên là một ví dụ. Nhiều năm liên tục, các tiểu phẩm kịch dân ca anh viết cho các địa phương đều “thắng lớn” ở những sân chơi nghệ thuật không chuyên trong và ngoài tỉnh. Vốn là một người làm công tác văn hóa cấp xã, nhưng nhờ có năng khiếu và chịu khó tìm tòi, học hỏi nên khả năng sáng tạo của Lê Trung Thùy ngày càng sung mãn. Anh lại cho rằng, chính tình yêu và đam mê anh dành cho loại hình văn nghệ dân gian này đã giúp anh thành công.