Nặng lòng với đất và người xứ Quảng

PHAN THANH MINH 18/05/2015 19:20

(QNO) - Có lẽ bài viết “Đất, người Phong Ngũ” đăng trên Báo Quảng Nam, số cuối tuần ngày 8.3 vừa qua là bài viết cuối cùng mà anh cộng tác với quê nhà, và bài viết “Một vụ kiện… hy hữu” trên Tạp chí Văn hóa Du lịch Đà Nẵng, số tháng 4 & 5.2015 là bài viết cộng tác cuối cùng nơi anh sống và công tác. Nhưng tôi tin, những bài viết, những cuốn sách chưa xuất bản sẽ được gia đình, bè bạn, đồng nghiệp tiếp tục công bố nay mai.

Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt (trái) và nhạc sĩ Trường Đình Quang.
Nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt (trái) và nhạc sĩ Trương Đình Quang.

Anh là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử quen  thuộc với các tờ báo, tạp chí ở Quảng Nam, Đà Nẵng và cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí trong cả nước như: Xưa & Nay, Kiến Thức Ngày Nay, Đại Đoàn Kết, Nông Nghiệp Việt Nam… từ những năm 80 của thế kỷ trước với bút danh Phạm Hữu Đăng Đạt, còn tên của anh là Phạm Hữu Bốn, sinh năm 1957, quê ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc; nhà ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng.

Anh lớn hơn tôi một tuổi, học trước một lớp ở Trường Trung học Hoàng Hoa Thám - Đà Nẵng và Đại học Tổng hợp Huế, người cùng quê và nhà ở cũng gần nhau nên chúng tôi có nhiều dịp chuyện trò. Hồi đại học, anh học Sử, tôi học Văn, nhưng những năm đầu Đại học Tổng hợp Huế mới thành lập, ngoài giờ học, chúng tôi có dịp sinh hoạt phong trào ở khoa Văn - Sử (sau này mới tách riêng Khoa Văn và Khoa Sử). Tốt nghiệp, anh về công tác nghiên cứu lịch sử ở Công Đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1981), rồi đi bộ đội. Xuất ngũ, anh có nhiều cơ hội để xin chuyển công tác đến các cơ quan mà một thời xem là “thời thượng”, nhưng anh lại chọn chuyển về Thư viện Khoa học tổng  hợp tỉnh để có cơ hội đọc, nghiên cứu, viết… và cả “bán chữ” để lo chuyện kinh tế gia đình.

Còn nhớ những năm đầu đất nước mới bắt đầu đổi mới lương hướng “khiêm tốn”, tôi phải bỏ việc từ cơ quan nhà nước, ra làm nghề chụp ảnh dạo để trang trải cuộc sống, còn anh vẫn miệt mài công việc ở cơ quan, rồi chỉ tranh thủ ngày chủ nhật đi đó đây để có thêm tư liệu viết. Bằng số tiền nhuận bút chắt chiu, anh tự sắm máy ảnh, máy đánh chữ và sau này là máy vi tính làm phương tiện cho công việc mà mình đam mê. Thời vợ anh không có việc làm, anh lại cố gắng viết bài, viết sách… để lo cho cả gia đình.

Vướng vào “nghiệp” viết và may mắn là “nghiệp” không phụ người. Dù rằng anh “bỏ cuộc chơi” giữa chừng, nhưng hàng trăm bài báo, vài chục quyển sách viết chung, 3 công trình riêng về văn hóa, đất, người  xứ Quảng mãi mãi còn. Đó là: “Hương vị Quảng Nam”, “Chuyện xưa xứ Quảng”, “Sắc bùa xứ  Quảng” và nhiều công trình chưa xuất bản, trong đó có “Vùng văn hóa Đại Lộc”…

Một trong những công trình văn hóa của Phạm Hữu Đăng Đạt.
Một trong những công trình văn hóa của Phạm Hữu Đăng Đạt.

Anh là hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn hóa Dân gian, Liên hiệp hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng… nhưng chưa bao giờ anh nhận mình là nghệ sĩ. Nhiều lúc chuyện trò, anh nói rằng, mình là “tằm nhả tơ” thôi. Tính tôi hay bông đùa và lắm lúc “tưng tửng’”, lại thêm mấy “thói hư” rượu chè, thuốc lá, còn anh chỉ có cà phê trò chuyện, đôi lúc có chút bia rượu với bạn bè, ít thôi và không sa đà. Tôi biết, tính cách sống anh Bốn và tôi rất trái khoáy, nhưng chúng tôi rất thân thiết. Nhiều lúc tôi và anh cũng cãi cọ theo cách nhìn nhận từng vấn đề mà cả hai đều thích, nhưng chúng tôi chưa bao giờ giận hờn điều gì cả.

Mới đây, nhận lời mời từ Sở VH-TT&DL về Hội thảo khoa học danh nhân văn hóa Hà Đình - Nguyễn Thuật, tôi có chuyện trò và đến nơi anh công tác để mượn tài liệu tham khảo. Có lẽ do bệnh tật, tôi thấy anh rất mệt mỏi. Anh buồn vì thư viện đang trong thời gian xây dựng, sách liên quan đến địa chí tạm thời gửi bảo quản một nơi khác, không thể giúp được gì với bạn đọc. Rồi bất ngờ nhận được tin nhắn của Tôn Thất Hướng ở Quảng Nam, tôi bàng hoàng nghe tin anh ra đi vào sáng Chủ nhật 17.5.2015. Ngay buổi chiều, tôi cùng con trai anh lục lọi những công trình khoa học, những bài báo… như là nén hương nhớ về người anh, người bạn nặng lòng với quê hương xứ Quảng, một con người cần mẫn và hiền lành.

Sống chưa bao giờ thanh thản, nhưng tôi tin anh ra đi rất thảnh thơi!

PHAN THANH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nặng lòng với đất và người xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO