Nặng lòng với văn hóa Cơ Tu

LĂNG A CÚI 14/12/2013 07:44

Với người dân ở Tây Giang, ông không chỉ là gương mặt quen thuộc trong các dịp lễ hội mà còn là người nặng lòng với văn hóa Cơ Tu. Hàng chục loại nhạc cụ truyền thống cùng các ca khúc, làn điệu dân ca Cơ Tu được ông sưu tầm, viết lời với niềm tự hào và lòng đam mê. Ông là Alăng Sơn, 45 tuổi, cán bộ Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Giang, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện.

Thấm vào máu thịt

Cứ vào cuối tuần, ông Alăng Sơn lại hì hục vượt núi tìm gặp những già làng, trưởng bản ở các thôn trên địa bàn huyện để sưu tầm và viết lời mới theo các làn điệu dân ca Cơ Tu. Lúc nào cũng thấy ông Sơn với cuốn sổ dày cộm cùng cây bút ghi ghi chép chép. Ông bảo: “Phải tranh thủ thôi, nếu không, đến lúc mấy cụ về với Giàng (trời) hết rồi, muốn đi thì có còn kịp đâu!”. Cứ thế, hình ảnh Alăng Sơn lặn lội đường rừng tìm gặp các nghệ nhân Cơ Tu để tìm hiểu, ghi lời cùng các làn điệu dân ca Cơ Tu trở nên quen thuộc với nhiều người ở vùng cao Tây Giang.

“Già làng” Alăng Sơn trong một lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Lăng A Cúi
“Già làng” Alăng Sơn trong một lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Lăng A Cúi

Năm 2003, khi huyện Tây Giang tái lập, ông Alăng Sơn được tín nhiệm giao giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện. Thời đó, bất kể trời nắng hay mưa, ông vẫn lặn lội tìm cách đưa văn hóa trống chiêng Cơ Tu đến với công chúng, thông qua các cuộc biểu diễn tại các lễ hội lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ông cũng là người có công rất lớn trong việc giúp quảng bá văn hóa truyền thống Cơ Tu đến với du khách và đưa trống chiêng Cơ Tu Tây Giang trở thành “thương hiệu” với nhiều màu sắc mới, rất riêng biệt.

Từ tháng 10.2012, ông Alăng Sơn được điều động chuyển công tác về Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Giang. Ở đơn vị công tác mới, ông Alăng Sơn vẫn vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vừa tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương. Tranh thủ những ngày nghỉ, ông lại lên đường sưu tầm, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu.

Hầu hết đợt tham gia biểu diễn của đội trống chiêng Tây Giang tại các hội thi, liên hoan văn hóa cồng chiêng trong tỉnh và khu vực, ông Sơn luôn đảm nhiệm vai trò “đạo diễn”. Trước ngày lên đường, ông cùng các diễn viên trong đội say mê tập luyện cả tháng trời. Bởi vậy, sau mỗi lần xuất hiện, tiết mục múa trống chiêng của đoàn Tây Giang luôn gây được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả, bè bạn quốc tế. Như đợt lưu diễn tại tuần lễ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào năm 2007, tiết mục múa trống chiêng của Tây Giang vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khen ngợi trong đêm bế mạc. Hay như các lần tham gia biểu diễn tại Đô thị cổ Hội An, khu du lịch sinh thái Bà Nà - Núi Chúa (TP.Đà Nẵng),… đội trống chiêng Tây Giang luôn tạo được ấn tượng trong lòng du khách. “Kế thừa và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông là đạo hiếu của mỗi người, mỗi dân tộc. Bởi vậy, với tôi - văn hóa Cơ Tu như đã thấm sâu vào trong máu thịt, cuốn hút ngay từ khi còn rất nhỏ” - ông Alăng Sơn bộc bạch.

“Sống dậy” văn hóa bản địa

Nhiều năm gần đây, trong các dịp lễ hội lớn của huyện, ông Alăng Sơn thường xuất hiện với vai già làng - nhân vật chủ đạo thường thấy trong lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Chính nhờ vai diễn ấy đã đưa hình ảnh của Alăng Sơn trở nên quen thuộc với người dân ở huyện vùng cao Tây Giang. Mặc dù không phải là “già làng” đầu tiên xuất hiện trong các dịp lễ hội, nhưng với đồng bào Tây Giang, Alăng Sơn là niềm tự hào không chỉ về khả năng diễn xuất mà còn ở màu sắc tâm hồn văn hóa truyền thống được ông gửi gắm. Màu sắc ấy khiến đồng bào được sống thật với văn hóa của chính mình, từ đó giúp phát huy công tác bảo tồn, giữ gìn nét đẹp truyền thống vốn có của cha ông. Trong đêm hội chương trình kỷ niệm 10 năm tái lập huyện Tây Giang mới đây, khi đêm hội vừa dứt, phía sau sân khấu, cũng chính “già làng” Alăng Sơn phải tất bật với công việc thu dọn đạo cụ, trang phục cho các diễn viên trong đội trống chiêng. “Thầm lặng, chu đáo và đầy nhiệt huyết, sáng tạo cho công việc,…” là những gì mà anh em, đồng nghiệp ở đội trống chiêng Tây Giang nhận xét về “già làng” Alăng Sơn.

Hành trang cho con thi Hoa hậu

Tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 (tổ chức tại Hội An dịp Festival Di sản Quảng Nam hồi tháng 6), nhiều người không khỏi ấn tượng bởi các bộ trang phục truyền thống, hiện vật văn hóa Cơ Tu được thí sinh Alăng Thị Pari mang đến cuộc thi. Nhưng ít ai biết rằng, để có được những bộ trang phục đẹp ấy, ông Alăng Sơn đã phải lặn lội đường rừng tìm và đặt hàng nghệ nhân giỏi nhất vùng thực hiện, làm hành trang cho con gái đi thi hoa hậu. Ông Alăng Sơn kể, tấm vải thổ cẩm để may trang phục truyền thống Cơ Tu mà con gái ông - Alăng Thị Pari mặc trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam là tặng phẩm được đồng bào Cơ Tu ở thôn Đhờ Rôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) tặng ông, sau thành công lễ hội Pơr’ngoóch (lễ kết nghĩa anh em) vào năm 1997 do ông làm đạo diễn. Với ông, đó là tặng phẩm quý, kỷ vật vô giá gắn với sự nghiệp làm công tác văn hóa của mình. “Cho con cả kỷ vật, đó là tình yêu và niềm tin của một người cha muốn dành tặng, gửi gắm cho con gái. Tình yêu đó sẽ là hành trang để con có thêm động lực quảng bá nét văn hóa của dân tộc mình trước bạn bè, du khách” - ông Sơn chia sẻ.

Nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng - người con của đất Hải Dương nhưng đã tự nguyện gắn bó đời mình với Tây Giang để sưu tầm các làn điệu dân ca Cơ Tu - cho rằng, hiếm có người Cơ Tu nào vừa am hiểu, say mê nghiên cứu văn hóa bản địa lại vừa có tâm huyết trong công tác bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống như Alăng Sơn. Chính Alăng Sơn đã “thổi bùng” ngọn lửa nhiệt huyết, giúp nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng có thêm động lực gắn bó với mảnh đất Tây Giang để cho ra đời những tác phẩm mang làn điệu dân ca Cơ Tu được nhiều người biết đến. Theo nhạc sĩ Huy Hoàng, với kiến thức về văn hóa bản địa có chiều sâu, khả năng giới thiệu văn hóa theo từng vùng và nắm vững các giai điệu trống chiêng Cơ Tu,… Alăng Sơn xứng đáng là một trong số hiếm hoi người Cơ Tu ở Tây Giang có đóng góp rất lớn trong việc khôi phục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa bản địa.

Ông Nguyễn Chí Toàn - Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của Alăng Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Cùng với một số nghệ nhân khác, ông Alăng Sơn đã làm “sống dậy” văn hóa của đồng bào, thông qua việc truyền đạt các điệu múa tâng tung da dá, làn điệu dân ca Cơ Tu,… cho các thế hệ trẻ, từng bước giúp phục hồi văn hóa bản địa trước nguy cơ mai một.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nặng lòng với văn hóa Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO