Năng lượng của yêu thương

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 11/06/2023 07:21

“Mình hòa nhau nhé! Ung thư” của tác giả Phương Rằm (NXB Đà Nẵng) nêu ra những vấn đề quan trọng như ăn uống với bệnh ung thư, liệu pháp tâm lý trong trị liệu, phương pháp nhịn ăn và thực dưỡng, thiền tập và yếu tố tâm linh đối với bệnh ung thư…

 

Bài viết mở đầu nhắc lại câu nói của bé Diễm Phương - một bệnh nhi ung thư ở tỉnh Đắk Nông, được báo Tuổi Trẻ số ra ngày 26/8/2019 đưa tin. Cháu Diễm Phương đã gọi căn bệnh mình đang mắc phải bằng từ “bạn” và đã tập sống chung với bệnh.

Vô tình bệnh nhi này đã lặp lại điều mà nghệ sĩ violoncelle người Nhật, một bệnh nhân ung thư đã thoát chết nhờ biết “yêu ung thư” như thế và rồi, ông trở thành bác sĩ nổi tiếng tại Nhật Bản.

Đó không phải là điều huyễn hoặc mà chỉ là sự vượt quá khả năng nhận biết của các giác quan con người (phạm vi của “mắt thấy tai nghe” - vốn rất hạn chế - mà con người vẫn cứ xem là… chân lý).

Ở chương sách: “Ung thư ơi, bạn là ai?”, tác giả sử dụng khái niệm “chuyển hóa” theo tinh thần đạo học phương Đông. Nghĩa là không tấn công căn bệnh một cách trực diện - đối kháng, mà bằng những cách thức ôn hòa hơn…

Việc ăn uống đơn giản cũng là một liệu pháp điều trị, với những kinh nghiệm được trao truyền từ y tổ Hippocrates thời Hy Lạp cổ đại đến danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.

Tác giả đã nêu ra một thực tế khó chối cãi bằng cách đặt vấn đề: Trong cơ thể nặng nhọc của ung thư, việc tiêu hóa những thức ăn thịnh soạn liệu có tốt chăng khi cơ thể phải tiết ra nhiều loại dịch vị khác nhau?

Dẫn lại lời của bác sĩ Đoàn Quốc Bảo, Phó trưởng khoa Nội 3, bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, tác giả rất tâm đắc, rằng: “liệu pháp tâm lý” nhiều khi giữ vai trò đến 80% trong việc chữa lành bệnh.

Thực ra, những kết luận mới nhất của các nhà khoa học trong khoảng hơn nửa thế kỷ nay đã đưa ra những bằng chứng sống động về mối quan hệ giữa người và giới tự nhiên mà khoa học hiện đại giải thích qua những khái niệm về trường và sóng.

Ví như, tiến sĩ y khoa người Mỹ David Hawkins đã đo tần số sóng của hàng vạn bệnh nhân. Người nào có tần số sóng trên 200 (là những người tốt bụng, hướng thiện, bao dung…) thì ít bị bệnh; người nào ở mức 30-40 (là những người thường giận dữ, đố kỵ, buồn bã…) thuộc nhóm những người dễ mắc bệnh, nhất là bệnh tim và ung thư.

Bác sĩ Hawkins dẫn trưng trường hợp Mẹ Téresa: khi bà bước lên nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979, cả hội trường được bao bọc trong một cảm giác nhẹ nhàng. Đó chính là năng lượng yêu thương phát ra từ bà.

Hawkins kết luận: Ý niệm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Căn nguyên của bệnh tật là do trong con người thiếu tình yêu thương. Bệnh tật sẽ bị đẩy lùi vô điều kiện là nhờ… yêu và được yêu. Loại thuốc mà tế bào ung thư sợ hãi nhất: Tình yêu.

Tập sách là sự bày tỏ những trải nghiệm của bản thân một thầy thuốc, qua hơn 30 năm hành nghề, trong việc điều trị bệnh - tiếp xúc với bệnh nhân và những suy nghĩ - đề xuất về những “hướng mở” trong nỗ lực hạn chế - ngăn ngừa bệnh ung thư.

Đây là tài liệu cần cho không chỉ những người trong ngành y mà còn đối với không ít những người bệnh và gia đình, trước căn bệnh đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trên thế giới cũng như trong nước.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năng lượng của yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO