Nặng một chữ tình

BẢO LÂM 27/12/2019 03:52

Nguyễn Phương Dung được người đọc xứ Quảng biết đến với tư cách là một cô giáo dạy Toán làm thơ. Chị từng xuất bản hai tập thơ (Vừng ơi, Phía tàn tro) và sau đó, chị bất ngờ rẽ ngoặt sang viết truyện ngắn. Quý III.2019, tập “Nguyễn Phương Dung và các truyện ngắn”, gồm hơn 20 truyện với hơn 200 trang in được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

 

Đọc cuốn sách, có cảm giác đây là một chuỗi tự sự của một người đàn bà đa đoan, gửi nỗi niềm riêng vào con chữ, mượn con chữ để giãi bày. Cả tập truyện của chị gói gọn trong một chữ “tình”. Đó có thể là tình yêu hôn nhân, lứa đôi, tình gia đình, tình mẹ con; đó cũng có thể là tình người với nhau, giữa những người hoàn toàn xa lạ, không máu mủ ruột rà. Và, đặc biệt là tình quê hương.

Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Phương Dung rời quê Tam Kỳ đến định cư ở phương Nam. Có phải vì vậy mà những khắc khoải nỗi niềm quê xứ cứ phả tràn lên nhiều truyện ngắn của chị? Như tâm sự của người mẹ với con trai trong truyện “Hằng năm, cứ vào cuối thu”: “Sáng nay mẹ nép mình bên đường để xem buổi lễ khai giảng của một ngôi trường xa lạ ở xứ người mà nhớ thương ngày tháng cũ...”.

Truyện của Nguyễn Phương Dung cũng tràn ngập cô đơn và buồn, nhưng thật đẹp, vì trong nhiều chi tiết truyện, trong hành trạng của nhiều nhân vật, cái đích hướng đến thường là niềm vui, tình yêu và hạnh phúc của mình và của người khác. Người đàn bà sống một mình nơi đồi sim ở đầu truông heo hút, cưu mang đứa con lai bị bỏ rơi, rồi cùng đứa con ấy đến một đất nước xa lạ để tìm cha cho con. Khi toại nguyện, đứa con đã thấu hiểu và nói hộ lòng bà: “Mẹ con mình quay về đồi sim thôi. Biết đâu ở đó có người đang đợi mẹ con mình” (Trở về). Có khi, chỉ một lời hứa như gió thoảng là “sẽ quay về” vẫn khiến đôi trai gái chờ đợi nhau một khoảng thời gian dài. Thậm chí khi đôi vai người con gái đã “trĩu nặng nỗi buồn thiếu phụ. Một mái tóc pha sương”, “nhưng dẫu thế nào họ vẫn gặp lại nhau. Mất đã nhiều mà sao họ vẫn giữ được lòng đầy sóng động” (Sóng của biển).

Truyện của Nguyễn Phương Dung đa số có cái kết tròn trịa, có hậu, thỉnh thoảng cũng có những cái kết... lơ lửng. Nhưng, dù kết kiểu gì thì truyện của chị cũng khiến người đọc tin vào cái tình và những điều tốt đẹp đang và sẽ phải có ở phía trước, dù thực tại lắm phong ba hoặc buồn bã như người đàn ông ở xóm Ruộng trong truyện “Một kiếp người”, cầm kỳ thi họa đủ cả mà gian truân khó nhọc, và trở thành “một lão già ngồi đánh cờ một mình”. Rất may, cuối cùng, nhân vật tôi trong truyện “muốn đánh với ông một ván cờ”. Cái tình, nhiều khi cần như vậy thôi!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nặng một chữ tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO