Thời tiết oi bức, nắng nóng khắc nghiệt đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Nếu như năm 2014 được các nhà khoa học thế giới ghi nhận là năm nóng nhất trong vòng một thế kỷ qua thì 2015 được dự báo sẽ vượt qua năm 2014 để đạt mức “kỷ lục”. Thời tiết nóng bức làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của con người và thậm chí dẫn đến nhiều ca tử vong.
Vào cuối tuần qua, các cơ quan chức năng tại Ấn Độ xác nhận đã có ít nhất hơn 200 người tử vong vì nắng nóng, nghiêm trọng nhất là tại 2 bang Andhra Pradesh và Telengana. Nạn nhân chủ yếu là những người vô gia cư. Nhiều nơi tại Ấn Độ, như ở thủ đô New Delhi, nhiệt độ có lúc lên tới 42,6 độ C, trong khi nhiều nơi ở miền tây đo được 47,5 độ C. Cơ quan dự báo thời tiết trung ương của Ấn Độ cho biết khả năng nắng nóng còn kéo dài trong nhiều ngày tới trong khi mùa mưa sẽ đến chậm do hiện tượng El Nino. Năm ngoái, nắng nóng đã làm khoảng 200 người tử vong. Trước đó, 2013, số người chết do nắng nóng hơn 1.000 người.
Nhiều người Ấn Độ ngâm mình dưới nước để tránh cái nóng oi bức của mùa hè. Ảnh: HINDUSTAN |
Nhiều nước khác cũng ghi nhận số người tử vong vào mùa hè nắng bức. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển vừa được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change (Biến đổi khí hậu tự nhiên) cho biết, trong ba thập kỷ qua, số người chết do nắng nóng bất thường tại châu Âu đã tăng gấp đôi so với đầu thế kỷ 19. Mùa hè hằng năm cũng là lúc châu lục có hàng trăm ca tử vong, nhiệt độ nhiều nơi gần 50 độ C. Mùa hè năm 2003 gây ám ảnh không những cho châu lục mà trên toàn cầu khi 70 nghìn người châu Âu tử vong do thảm họa thời tiết. Ngoài ra, các nhà khoa học Thụy Điển dự báo số người tử vong do sự bất thường của thời tiết sẽ tăng ở mọi nơi trên thế giới, như tại khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ, Australia.
Nắng nóng khắc nghiệt hiện gây ra hàng loạt các ca nhập viện, chủ yếu là cho trẻ em với nhiều căn bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, đường ruột trong khi bệnh nhân người cao tuổi bị say nắng, ngất xỉu, gặp các căn bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp. Mùa hè vừa qua, hơn 10 nghìn người Nhật phải nhập viện với những triệu chứng sốc nhiệt hoặc kiệt sức. Bởi vậy, các quan chức y tế các nước đều khuyến cáo người dân, đặc biệt những người già không nên ra đường nếu như thật sự không cần thiết.
Tạp chí Science (Khoa học) của Anh ngày 22.5 có bài viết về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh. Đó là số ca mắc bệnh ung thư da ở độ tuổi trung niên đang trên đà gia tăng và là căn bệnh rất phổ biến hiện nay, do nắng nóng. Ánh mặt trời là nguồn phát ra tia tử ngoại - loại tia hủy hoại da và gây ra bệnh ung thư da. Điều này phụ thuộc vào cường độ ánh sáng, thời gian tiếp xúc với ánh sáng, và da có được bảo vệ hay không.
Tiến sĩ Alan Worsley từ Trung tâm Nghiên cứu ung thư của Anh nói, ánh mặt trời là cần thiết, nhưng đó là ánh nắng vào buổi sáng sớm trước 9 giờ và sau 16 giờ. Tuy nhiên, khi mùa nắng khắc nghiệt thì mọi người phải tăng cường bảo vệ sức khỏe của mình và cho trẻ nhỏ. Như khi cần thiết ra ngoài phải sử dụng các trang phục, kem chống nắng...
KIM OANH