Nắng nóng làm giảm số giờ lao động

QUỐC HƯNG 20/07/2016 10:32

Liên hiệp quốc vừa khuyến cáo thời tiết nóng bức tại khu vực châu Á sẽ khiến giờ lao động bị rút ngắn, ảnh hưởng đến kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Đầu tuần này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ 5,7% xuống 5,6% cho năm 2016, sau đó lên mức 5,7% vào năm 2017. Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Shang-Jin Wei nói, tác động của Brexit hay việc người dân Anh vừa bỏ phiếu chọn rời khỏi Liên minh châu Âu chỉ tác động nhỏ và trong ngắn hạn đối với nền kinh tế khu vực châu Á. Hơn nữa, kinh tế khu vực vẫn duy trì mức tăng trưởng vững chắc và giúp bù đắp rủi ro khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và cú sốc thị trường vì Brexit. Riêng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á vẫn giữ đúng mức như dự báo hồi tháng ba trước đó là 4,5% (năm 2016) và 4,8% (năm 2017). Tuy nhiên, một số nền kinh tế bị tác động bởi đợt khô hạn gây ra.

Một xưởng sản xuất tại Bangladesh. Ảnh: MCGRAWCENTER
Một xưởng sản xuất tại Bangladesh. Ảnh: MCGRAWCENTER

Liên hiệp quốc vừa gửi đi Báo cáo của tổ chức Health and Environment International Trust (Nghiên cứu quốc tế về môi trường và sức khỏe) cho thấy, đợt hạn hán tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra khiến khu vực châu Á sẽ thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030, hạn chế giờ làm việc tại nhiều khu vực của châu lục, nặng nề nhất là Trung Quốc, Malaysia và Indonesia. Theo Tord Kjellstrom - Giám đốc của Health and Environment International Trust, có trụ sở tại Nelson, New Zealand, khi đó Ấn Độ và Trung Quốc có thể thiệt hại đến 450 tỷ USD. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm 1% còn Indonesia là 6% vào năm 2030. Còn tờ báo Sức khỏe cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương số ra hôm qua (19.7) có bài viết về tình hình nắng nóng khắc nghiệt tại Đông Nam Á cắt giảm giờ lao động hàng năm từ 15 đến 20% và tiếp tục tăng gấp đôi nếu như tình hình thời tiết không được cải thiện. Riêng đối với Việt Nam, nắng nóng có thể khiến GDP mất khoảng gần 6% trong khi những thiên tai khác khiến GDP mất gần 11% tính đến năm 2030.

“Thời tiết quá oi bức khiến người lao động có thể giảm cường độ và thời gian làm việc, nhất là trong các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều sức lao động, như lĩnh vực sản xuất và chế tạo, tay nghề thấp hay tiền lương thấp.  Trong khi các nước giàu có riêng nguồn tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu” - Tord Kjellstrom nói. Báo cáo nghiên cứu của Liên hiệp quốc cũng chỉ rõ điều bất cập rằng, cùng bị tác động từ hiện tượng thời tiết nắng nóng như nhau nhưng các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thiệt hại nặng nề hơn trong khi họ có lượng khí thải thấp, các quốc gia giàu có chiếm số lượng lớn khí khải các-bon trên toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính lại ít chịu thiệt hại hơn. Điều này càng làm gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia, hay trong xã hội.  

Từ năm 1980-2012, khoảng 2,1 triệu người tử vong trên toàn cầu do tác động trực tiếp của 21.000 vụ thiên tai như lũ lụt, đất chùi, hạn hán, nắng nóng, cháy rừng và gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 4.000 tỷ USD, tức bằng GDP hiện nay của nước Đức. Ngoài ra, nhu cầu về điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng, nơi làm việc, nhà ở, trung tâm thương mại ngày càng nhiều khiến gia tăng gánh nặng cho ngành năng lượng trên toàn cầu. Như tại Băng Cốc, Thái Lan, nhiệt độ tăng lên 1 độ C thì thủ đô này cần thêm 2 GW điện.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nắng nóng làm giảm số giờ lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO