Một làng chằm nón Quảng nằm thênh thang giữa xứ Đức Linh (Bình Thuận), một làng chài ghe bầu Quảng ở Đức Thuận (Bà Rịa - Vũng Tàu), một làng bánh tráng với hơn 90% người Quảng ở Sa Rài (Đồng Tháp), một làng dệt Bảy Hiền vang dội truyền thống hùng anh ở Sài Gòn… Mỗi bước chân di dân, đến vùng đất nào người Quảng cũng để lại những dấu ấn riêng mình. Để ai đó, khi bất chợt giữa đất trời phương Nam này, nghe mấy cái tiếng: chi, mi, mô, rứa... lại thấy lòng rưng rức yêu thương.
Mi ở huyện mô rứa?
Cao nguyên Lâm Viên một ngày nắng vàng rực rỡ. Ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, hơi lạnh phả qua đồi chè xứ Cầu Đất. Ngay hông chợ Xuân Trường (Đà Lạt), mấy bà mấy chị ngồi cạo môn, nướng bánh tráng và chấn mì Quảng. “Mấy năm ni rồi không được về quê, rứa là bà con ngoài quê điện vào kêu nhớ và trách móc quá trời. Ai biết được nỗi lòng của những người phải xa quê hương như mình. Ủa? Mà mi ở huyện mô rứa con? Biết đâu nhà bà lại gần nhà con ngoài kia”. Giọng Quảng rặt của người đàn bà xứ Quảng nghe không lẫn vào đâu được. Xứ lạnh nên bà Trương Thị Lài (65 tuổi) hút thuốc lá dữ lắm, mấy bà hom hom tuổi bà Lài trong chợ Xuân Trường cũng cười hà hà bảo: “Tụi ta hồi xưa thời còn con gái, cứ theo mẹ ra đồng hái dâu là được mẹ bày cho bặp thuốc. Hút thuốc lá của đàn bà Quảng Nam hắn khác lắm con ơi! Vì lạnh, vì tủi thân, vì nhiều thứ tâm tình mà hút chứ không phải hút để đua đòi đám bạn như thời chừ”.
Ngày hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng là cơ hội để những người con xa xứ được tề tựu cùng nhau (Ảnh chụp ngày gặp mặt xuân 2013). |
Sống ở thị trấn Sa Rài, Đồng Tháp, nơi có hơn 90% cư dân là người Quảng, ông Trần Hùng Nguyên (82 tuổi, gốc Điện Bàn) cho biết: “Người Quảng mình có cái hay là giận nhau cái nói toạc móng heo ra hết, nhưng thương nhau kinh lắm. Tụi tui xa quê bao nhiêu năm rồi, làng trên xóm dưới nắm rõ từng người. Đứa nào mới đậu đại học, đứa nào được đi du học, rồi người già ai đau yếu, tụi tui đều nắm rõ và hỏi han thường xuyên. Không cùng cha mẹ sinh ra, nhưng cùng nơi chôn nhau cắt rốn nên khi đi xa, 2 tiếng đồng hương nó thiêng liêng lắm. Gặp nhau, nghe giọng Quảng là hỏi liền: Mi ở huyện mô rứa?”.
Ngày phường 11, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, khắp các con đường ngang dọc khu Bảy Hiền, người ta nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau bằng giọng Quảng. Nguyễn Trường Tân (29 tuổi, người Sài Gòn chính hiệu) chia sẻ: “Tôi sống ở khu Bảy Hiền từ lúc mới sinh ra, lớn lên với người Quảng, ăn theo cách ăn của người Quảng. Đừng đánh giá tính cách, hãy nhìn vào cách họ tư duy và cách họ làm việc, mới thấy được người Quảng thật đáng để học tập ở thành phố hơn 9 triệu dân này”.
Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh dự ngày họp mặt đồng hương ở xã Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng.Ảnh: MINH KIỆT |
Quê nhà trong tim
Trong suốt cuộc hành trình đi tìm kiếm người xứ Quảng ở đất phương Nam, mỗi một vùng đất tôi đi qua đều để lại những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là thứ tình cảm mà khi chỉ vừa nhắc đến “quê nhà”, “đồng hương” con người ta lại rưng rức và ngồi nói như trút bầu tâm sự. Ai cũng bắt đầu câu chuyện vì sao phải rời xa quê hương, rồi một năm về quê được bao nhiêu lần… Trong tâm khảm của mỗi người con xa xứ, họ luôn ý thức và luôn hoài mong một ngày nào đó sẽ được trở về sống tại quê nhà. Điều lý giải và minh chứng rõ ràng nhất là sự trở về quê hương của những con người thành đạt. Trong cuộc gặp gỡ đầu xuân mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Quảng Nam, nhiều doanh nghiệp cho biết chính tình người, sự chân chất của người Quảng đã thuyết phục họ nhiều hơn hết khi quyết định đầu tư tại Quảng Nam. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết: “Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã dày luyện cho người Quảng sự chịu thương chịu khó. Người Quảng thật tình và cần cù nhưng cũng rất sáng tạo và tinh tế. Trong cả thời gian 10 năm về đầu tư tại Quảng Nam, tôi đã học được rất nhiều từ những con người nói giọng Quảng này”.
Với chủ đề “Xuân hội ngộ”, ngày gặp mặt đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng 2014 tại TP.Hồ Chí Minh năm nay sẽ là ngày gặp gỡ của đại diện đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại các tỉnh thành phía Nam. Ông Trần Châu Khanh - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam cho biết: “Đó không chỉ là ước mơ của những người đồng hương được gặp mặt nhau mà còn thể hiện một sức mạnh tình người. Từ trước đến nay, hằng năm, hội đồng hương tại các tỉnh thành phía Nam đều tổ chức họp mặt sau tết. Nếu sắp xếp được chúng tôi đều đi đến tận nơi để chung vui với bà con. Trong những chuyến đi tìm gặp ấy, chúng tôi cảm nhận sự khát khao được tề tựu đông đủ một lần của bà con đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại các tỉnh phía Nam rất mãnh liệt. Đó chính là lý do để chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt này”. Chương trình gặp mặt đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng 2014 với chủ đề “Xuân hội ngộ” sẽ diễn ra trong 2 ngày. Theo đó, chiều 1.3, tại sảnh Đệ Nhất khách sạn Violet sẽ diễn ra buổi họp mặt gặp gỡ thân mật giữa lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam với đại diện Hội đồng hương các tỉnh, thành phía Nam, đại diện các doanh nghiệp gốc Quảng tiêu biểu. Ngày 2.3 sẽ là chương trình họp mặt đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng với quy mô hơn 1.000 người, được tổ chức tại Nhà hàng Đồi Dương Kỳ Hòa 2 (16A Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP.Hồ Chí Minh). |
Đồng hương gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Có biết bao nhiêu điều để nói để sẻ chia. Đó chính là lý do vì sao mà mỗi một dịp họp đồng hương, bà con lại nô nức kéo về chung vui. Sự kiện ngày Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh được tổ chức tại Đầm Sen vào năm 2103 thực sự đã gây được tiếng vang lớn không chỉ trong cộng đồng người Quảng đang học tập sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Sợi dây kết nối nghĩa tình thiêng liêng được hàng nghìn người chứng kiến khi cuốn sách “Hoàng Sa - Trường Sa” được các doanh nghiệp gốc Quảng liên tục đấu giá cao dần, rồi những tô mỳ Quảng, những đêm bài chòi giữa lòng đô thị sầm uất đã khiến biết bao con người lặng lòng. TP.Hồ Chí Minh là đô thị dễ sống, nó có thể dung nạp triệu người con ly hương, nhưng càng tấp nập nhộn nhịp bao nhiêu, con người ta lại càng nhớ về quê hương êm đềm bấy nhiêu. Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Qua lễ hội năm 2013, bây giờ đi đâu người ta cũng dùng chung từ “người Quảng” chứ không phân biệt người Đà Nẵng hay Quảng Nam. Chúng ta chưa bao giờ có sự chia cắt về mặt nghĩa tình dù về mặt hành chính thì đó là 2 địa phương khác nhau”. Trong năm qua, sợi dây gắn kết đó đã giúp Ban Chấp hành 2 hội đồng hương tổ chức được nhiều chương trình có ý nghĩa, như: khám chữa bệnh cho bà con nghèo ở vùng núi Bắc Trà My; trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở Quảng Nam và Đà Nẵng; hỗ trợ bà con bị thiệt hại do thiên tai; khám, mổ sứt môi hở hàm ếch… Ông Đẩu còn cho hay, trong năm 2013, Ban Chấp hành 2 hội đồng hương cũng đã hoạt động theo phương châm “cùng chung một mái nhà”. Những cuộc họp đồng hương, những chuyến thăm hỏi, ra mắt các hội đồng hương cấp huyện đều được Ban Chấp hành Hội đồng hương Quảng Nam và Đà Nẵng tham gia nhiệt thành trên tinh thần anh em một nhà.
MINH KIỆT