Nắng rất la đà

THANH THẢO 17/10/2019 09:12

Anh ngồi vào chiếc ghế tre nhỏ có tựa lưng, cảm thấy như mình hơi quá khổ mặc dù đây không phải là lần đầu tiên anh ướm thử mình vào chỗ này. Mai có lần nói, “chỗ này hợp với mấy mẹ con”. Đúng là nó vừa tầm với mấy mẹ con. Chiếc bàn tre nho nhỏ trông đơn giản hợp với vài vật hữu dụng linh tinh, như sự hiện diện của bộ ấm trà. Mai không uống trà, thay vào đó là ấm nước đậu ván, nước đậu đỏ, nước gạo lứt… Những thứ dành cả cho trẻ con. Trên bàn vẫn còn bày hai cái đĩa Bát Tràng mà theo thói quen, Mai thường đặt vài cái bánh mấy mẹ con cùng làm. Thêm chỗ thư thả cho một cái chén nước chứa hoa tươi. Thỉnh thoảng anh vẫn nghe Mai nhắc lũ trẻ, cẩn thận cái chén của mẹ, nếu để rơi vỡ thì mẹ chẳng thể nào mua lại được. Giờ đây, anh ngồi nhìn cái chén mỏng tang, tự hỏi có cái gì quý giá đến thế đối với Mai. Cái chén này “không mua lại được”, trong chạn còn có một cái, hàng Nhật, vẽ tay thủ công.

 

Anh chợt nhớ lại một buổi chiều rất đẹp ở Hội An, anh chở Mai đi qua khu phố cổ và tình cờ gặp một hàng gốm ven đường. Người bán gốm đưa chuyện về đứa con trai du học Nhật Bản, gửi về cho cha thùng hàng chén bát thủ công, mỗi loại chỉ có hai cái, nhiều hơn là ba. Mai mua hai bộ, không rẻ tiền, cực kỳ vừa ý. Khi những đứa trẻ lớn lên, cả nhà sẽ dùng những cái chén đẹp đẽ này. Anh cười, nếu em muốn anh sẽ mua cho em những cái chén tinh xảo hơn, sẽ đặt hàng gửi từ Nhật về cho mẹ con tha hồ dùng. Lúc đó, trong nhà vẫn chưa có một đứa trẻ nào. Lúc đó giọng cười của Mai còn rất trong, rất ấm áp. “Cái gì ít thường muốn giữ, anh ạ. Em thích sự vừa đủ, vừa đủ để chúng ta cùng giữ gìn”. Kỳ lạ thay, tầm một thời gian sau hai vợ chồng có dịp qua lại khu phố cổ, cố ý đi tìm nhưng hàng gốm có thùng chén bát thủ công biến mất như chưa hề tồn tại. Mai cũng không lấy đó làm buồn, còn anh thì chỉ mất vài giây để tư duy phát ra một tín hiệu bây giờ mua gì cũng dễ. Miễn có tiền.

Anh tự hỏi Mai thường thả hoa gì vào cái chén này. Cái chén trong bộ “dành cho người lớn”. Cam và Xiu là hai cái chén nhỏ hơn, bên ngoài có một ít hoa văn màu anh đào rực rỡ. Mấy đứa trẻ vẫn còn quá nhỏ chưa đến tuổi dùng, vợ chồng anh thì thừa tuổi dùng nhưng vẫn phải đợi lũ trẻ. Những cái chén vẽ tay nằm im trong chạn, chờ đợi theo năm tháng, cùng tiếng cười của Mai ngày một ít hơn, câu chuyện của tụi anh ngày một ngắn hơn. Chỉ có âm thanh của những đứa trẻ, thường chỉ có âm thanh của những đứa trẻ làm rộn rã căn nhà. Âm thanh đó, đầy ắp sau cuối giờ chiều, lúc tan học về nhà, cứ tíu tít mãi cho đến sáng hôm sau, khi bắt đầu một ngày mới. Mai cũng nói nhiều hơn khi có những đứa trẻ, đôi khi, rất có thể Mai đã im lặng, suốt cả ngày.

Thực, anh không có gì để phàn nàn. Những mộng ước tuổi trẻ của anh về một căn nhà có người con gái anh yêu, và những đứa trẻ. Anh đã làm được hơn thế, khấm khá hơn anh muốn, lịch lãm hơn anh nghĩ, và một đời sống gia đình ít xáo trộn. Anh rời khỏi nhà rất sớm và trở về khi mọi thứ đã sạch sẽ và đi vào trật tự. Một bữa cơm chờ sẵn, những đứa trẻ vừa tắm táp xong và đang chơi vài trò chơi giản dị. Khi anh bước vào nhà, chúng sẵn sàng bỏ dở niềm vui làm bác sĩ hoặc trang điểm cho những con búp bê để nhào tới bên anh, kể cho anh nghe những câu chuyện không đầu không cuối ở trường. “Có một bạn mãi không vẽ được đám mây, cha ạ”. Đó là chuyện của Xiu, đứa bé. “Chiều hôm nay, khi đi ngang qua bãi sông, con nhìn thấy một đàn chim bay trên bầu trời. Có phải đó là đàn chim hải âu trong “Con mèo dạy bay” đó không cha?”. Lại vẫn là chuyện của Xiu. Cam thường chờ em, từ tốn hơn, nhưng câu chuyện của Cam sẽ dài hơn một chút. Cam có cái gì đó nhẫn nại giống mẹ, thường chờ tới lượt mình. Nhưng rồi anh không kiên nhẫn được đến câu chuyện thứ ba, thứ tư của hai đứa nhỏ. Anh cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài vì công việc, anh cảm thấy mình cần phải thư giãn, cần tự thưởng cho mình những giây phút riêng tư. Cam và Xiu, cũng dần hiểu chuyện, quen luôn cảnh người cha nằm dài trên ghế salon, mải mê xem điện thoại, “tránh bị làm phiền”.

Ban đầu, Mai còn nhắc anh chơi cùng con, nhưng dường như không muốn nghe kiểu trả lời gắt gỏng của anh, cũng thôi. Tiếng nói của anh là tiếng nói của người đàn ông duy nhất trong nhà, giọng to và uy quyền hơn hết thảy. Anh nghĩ, mình vẫn yêu Mai như ngày đầu, chỉ là ít tương tác hơn. Anh có lý do rõ ràng cho sự giảm bớt đó, anh làm việc quần quật cũng vì tổ ấm con con này. Tăng này thì phải bớt kia, đó cũng là lẽ thường. Việc quan trọng nhất của anh là kiếm tiền, còn lại, những việc khác gần như là của Mai. Những việc khác là việc gì, anh không đủ thời gian để tâm tới. Thỉnh thoảng, Cam nói với anh “cha ơi, con thấy mẹ mệt”, anh sẽ hỏi lại, “mẹ mệt à”. Anh sẽ hỏi tiếp hôm nay có việc gì hả em. Mai nói, “đâu có”. Có thể Mai sẽ đi nằm, nhưng hai cô con gái nhỏ vẫn chơi cùng mẹ bằng một trò gì đó, mẹ con sẽ cùng cười và như thế anh về lại sự ổn định vốn có, không cần phải lăn tăn thêm nữa.

Anh nghĩ, mọi thứ đang hợp quy luật, kiểu quy luật của muôn đời. Kể cả việc anh thỉnh thoảng có hơi say nắng với Nhi cũng không ngoài quy luật. Chỉ là những cơn say nhẹ, hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Anh không cho phép mình đi quá xa và thường tự dung thứ cho mình. Anh không lợi dụng Nhi, chỉ là ưu ái hơn người khác một chút trong công việc. Ngoài công việc, anh thích thú vì ở Nhi có sự thông minh của một cô gái trẻ. Nhi cũng biết giữ khoảng cách chừng mực, không rẻ tiền như các kiểu thường đọc nhan nhản trên báo chí mỗi ngày. Thật kỳ lạ, người phụ nữ nào dính dáng đến cuộc đời anh cũng có cái gì đó làm cho anh cảm thấy như mình được biệt đãi. Nước sông không phạm nước giếng. Sông vẫn chảy đời sông, giếng vẫn giữ đời giếng. Nhi thỉnh thoảng đùa, “bạn em bảo, một người đàn ông tốt nhất có bốn người đàn bà, như một ấm trà có bốn cái chén là hợp nhất vậy”. Anh mới có hai cái chén, còn rất thiếu, đừng lo. Anh định bảo với Nhi, không, anh thực sự chỉ cần một cái chén, nhưng rồi nghĩ lời nói có chút nhẫn tâm nên thôi. Anh ôm Nhi vào lòng, lại định nói một câu khác, rồi sẽ có một người cần cái chén này, sở hữu cái chén này, vì em thuộc về một chiếc ấm khác. Nhưng anh chỉ cười, nghe hơi thở của người con gái gấp gáp hơn. Lúc đó, anh hoàn toàn không nghĩ trong ngôi nhà của mình đang hiện diện một khu vườn.

Nơi này quả nhiên là một khu vườn. Nó đầy đủ hương hoa trong ánh sáng  đương thu của một buổi chiều tà. Anh trở người, thấy hơi mỏi, có lẽ anh sẽ bàn với Mai tìm cho mình một chiếc ghế lớn hơn. Nhưng nếu có một cái ghế vừa khổ với anh thì đặt ở chỗ nào. Ý nghĩ đó làm anh thoáng chút thắc thỏm, một chút ớn lạnh thoáng qua, có khi nào chính anh không thật sự thuộc về nơi đây, trong thế giới nhỏ xiu của mẹ con Mai? Khoảng sân này trước kia anh định thiết kế không gian riêng tư bù khú với bạn bè, nhưng rồi anh quen với việc uống rượu ở tiệm. Nếu uống rượu ở ngoài, anh có thể “dùng một chiếc chén khác” mà không cảm thấy phân vân. Thành ra anh luôn luôn giữ thói quen uống rượu ở ngoài. Năm ngoái, Mai bảo hay là em sẽ nuôi ở đây vài cái cây để cùng các con chăm sóc. Và Mai đã lặng lẽ tự mình sắp đặt mọi thứ trong khuôn viên này, mỗi ngày một ít. Khu vườn nhỏ, bây giờ ngập tràn mùi hương và đương mùa rực rỡ. Lúc này anh mới để ý thấy hình như những cái cây đủ sắc màu đều thuộc những giống hoa nhỏ, và đều có mùi hương. Vài khóm hồng tỷ muội, hồng Pháp, mấy chậu hoa lài, dàn hoa leo sử quân tử, có rất nhiều chậu anh không biết tên, màu tím có, vàng có, cam có. Anh không biết Mai đã trồng những cái cây ấy chính xác vào thời điểm nào, những việc vặt vãnh ấy, trước đây bao giờ Mai cũng kể cho anh nghe.

Anh thử hái một bông thu hải đường, rồi chợt nhận ra bông hoa này không hợp để thả vào trong cái chén anh vừa cho nước ở trên bàn. Màu đỏ rực của nó như một niềm kiêu hãnh, nhưng quả nhiên rất không hợp. Anh nhíu mày nghĩ, không biết thường ngày Mai chọn bông hoa nào. Không, nhất định anh đã từng nhìn thấy những bông hoa ấy, chỉ có điều là anh đã không buồn để tâm tới chúng. Cả những đứa trẻ của anh, chúng đã từng hái những bông hoa nào cùng mẹ, chúng đã từng chứng kiến cái cây nào lớn lên, cái cây nào cho hoa, chúng đã nghe mẹ chúng kể những câu chuyện gì khi bắt những con ốc sên chực chờ cuốn lá. Cam và Xiu, cũng giống như những cái cây non mà mỗi ngày tồn tại phần nhiều trong không gian mẹ. Hình như, tự lúc nào anh đã ở bên lề những niềm vui ẩn mật đơn giản mà anh vẫn hằng nghĩ anh đang sở hữu chúng.

Anh đặt lại chiếc ghế tre vào vị trí cũ khi dưới nhà điện thoại vang lên những hồi chuông chờ đợi. Giờ này, vẫn trong giờ làm việc, nhất định là của Nhi. Giọng Nhi hớn hở, “dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái được thông qua rồi anh ạ. Em ghé qua văn phòng anh mà thấy đóng cửa, anh ra ngoài có việc gì à?”. Anh bảo, “ừ, anh có chút việc riêng”. Nhi nói, “vậy em ở lại công ty chờ anh quay lại rồi mới về”.

Anh nhìn đồng hồ, vẫn còn khá sớm. Anh thong thả mặc chiếc áo Mai để sẵn cho ngày làm việc hôm sau như một thói quen. Đưa xe ra khỏi cổng, anh rẽ phải, nhằm hướng con đường dẫn tới trường của cô con gái nhỏ. Đã rất lâu rồi anh không đi đón những đứa trẻ. Anh nhớ, hình như, cũng lâu lắm, mỗi sáng tạm biệt anh đi làm Xiu đều dặn, “cha ơi cha nhớ đón con sớm nhất lớp, nghe cha”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nắng rất la đà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO