Xây dựng thương hiệu cho đặc sản ẩm thực Quảng Nam một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, đào tạo thế hệ kế cận, chuẩn hóa kiến thức đến từng bếp ăn đường phố... là việc phải làm và cần được xem là chiến lược để quảng bá hình ảnh xứ Quảng ra thế giới hiệu quả.
Vì sao chưa nổi?
Rời Quảng Nam, tôi nhớ lại những gì mình đã được trải nghiệm. Biển rất đẹp, Hội An cổ kính với kiến trúc tuyệt vời. Rất tiếc, các món đặc sản xứ Quảng như mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng cuốn thịt heo, bê thui Cầu Mống… dù được nhiều người Việt biết đến, gây ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế nhưng độ nổi tiếng trên thế giới chưa cao.
Nhìn ra thế giới, các thương hiệu đồ ăn của nước ngoài thậm chí còn thâm nhập nước ta dễ dàng, còn thương hiệu ẩm thực của ta chỉ như ngôi sao sáng một thời gian rồi vụt tắt.
Với Quảng Nam, cần thiết phải suy nghĩ đến vấn đề này, bởi trên thực tế ở Quảng Nam có vô số quán ăn ngon nhưng quy mô nhỏ, sự lan tỏa hình ảnh không rộng rãi.
Dù đã có không ít sự kiện về ẩm thực được tổ chức tại Quảng Nam và “ăn ngon” là cảm nhận của du khách, nhưng chính vì quá phong phú món ăn lại trở thành vấn đề vì chúng hết sức khó nhớ với người nước ngoài và với từng quán ăn thì thương hiệu không mạnh.
Thương hiệu là để cho người trong nước biết nhưng cũng là để tất cả mọi người trên thế giới đều biết. Lấy ví dụ, nói đến Thái Lan, ở đây đã được gọi là “du lịch ẩm thực”, còn ở Việt Nam, chưa địa phương nào có một thương hiệu mạnh như vậy.
Thiết nghĩ Quảng Nam có đủ điều kiện để trở thành một địa phương có thương hiệu ẩm thực mạnh. Muốn vậy, không thể để cho các hàng quán chỉ bán món ăn. Dù ngon đến đâu nhưng không truyền bá được thứ “văn hóa của món ăn” thì thương hiệu chưa mạnh.
Định vị và nâng tầm
Nhiều chuyên gia đã nhận định nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam rất đặc sắc. Tuy nhiên do quá phong phú món ăn, mà Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng lại như một đội bóng có quá nhiều ngôi sao.
Việc chọn ra một vài món ăn tiêu biểu cho Quảng Nam là cực kỳ cần thiết. Không phải chỉ chọn ra một danh sách thông thường, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng thương hiệu cho món ăn đó gắn với Quảng Nam.
Có thể lấy ví dụ như mỳ Quảng hay cao lầu, là các món ăn đã nổi tiếng từ lâu kể cả ở ngoài miền Bắc. Do đó, nhất thiết cần có sự đầu tư bài bản, thành lập các nhóm chuyên gia, tổ chức phát triển chuyên nghiệp, có kế hoạch, lộ trình xây dựng thương hiệu. Có vậy những món ăn độc đáo của Quảng Nam mới có thể tỏa sáng trong mắt quốc tế.
Chúng ta cần tích cực quảng bá món ăn Quảng Nam ở nước ngoài. Xây dựng trải nghiệm phong phú trên góc độ nghệ nhân, đào tạo và hình thành đội ngũ nghệ nhân nấu ăn có trình độ, tay nghề cao để nâng tầm thương hiệu món ăn Quảng Nam.
Bên cạnh đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ẩm thực Quảng Nam. Đẩy mạnh tổ chức lễ hội ẩm thực Quảng Nam để định vị một thương hiệu chung “món ăn Quảng Nam” trên thế giới.
Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, việc tổ chức các buổi quảng bá, giới thiệu món ăn Quảng Nam trên mạng xã hội như facebook, youtube… rồi phát trực tuyến tên toàn thế giới cũng sẽ là cách kéo khách du lịch đến Quảng Nam khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Khi đó chúng ta sẽ tăng cường mở các tour trải nghiệm ẩm thực để du khách hiểu cách chế biến, được nếm và trải nghiệm món ăn tận nơi. Qua đó, ghi dấu ấn các món ăn đến với du khách, góp phần nâng cao thương hiệu văn hóa và du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, nhất thiết cần nâng tầm các sự kiện du lịch, văn hóa gắn với ẩm thực của các địa phương, các danh lam thắng cảnh của tỉnh. Cơ sở hạ tầng dịch vụ cần được xây mới, sửa sang, nâng cấp khẩn trương, để tạo cho tỉnh một nền móng vững chắc làm hài lòng du khách. Quan trọng hơn, nhanh chóng đào tạo một thế hệ kế cận có trình độ, có sự am hiểu sâu sắc về đặc sản Quảng Nam để bảo tồn, gìn giữ.
Một điều quan trọng mà chúng ta không thể quên là đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các quán ăn đường phố. Việc xây dựng thương hiệu ẩm thực xứ Quảng, nâng tầm đặc sản Quảng Nam phải được xây đắp từ từng con người thông qua văn hóa ứng xử từ người bán hàng, người chế biến đến người phục vụ.
Chặng đường nâng tầm đặc sản Quảng Nam không chỉ nói khơi khơi là xong, mà cần cả một chiến lược. Để làm được điều đó cần nâng cao mặt bằng chung cho người dân về những kiến thức, công nghệ mới trong việc chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Khi du lịch đã trở thành một ngành quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung và Quảng Nam nói riêng thì các nhà quản lý và mỗi người dân phải cùng nhau chung tay góp sức đưa hình ảnh Quảng Nam đến với thế giới.