Thể thao đất Quảng đang được nâng tầm đáng kể qua những bước phát triển mạnh mẽ về phong trào lẫn thành tích, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao cả nước.
Nâng chất phong trào
Các giải thể thao phong trào, mục đích là tạo sân chơi cho người dân nhằm nuôi dưỡng và phát triển phong trào tập luyện. Vì vậy, việc tổ chức giải làm sao để thu hút càng nhiều người tham gia, cả người chơi lẫn người xem, càng được coi là thành công. Nhưng với giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam, không dừng lại ở đó, các nhà tổ chức những năm qua liên tục nghĩ đến và thực hiện việc mở rộng đối tượng, địa phương tham gia với xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước. Nhờ đó, từ một giải phong trào của tỉnh và đối tượng hạn chế, giờ đây, “Việt dã Báo Quảng Nam” đã trở thành thương hiệu trong hệ thống giải thể thao phong trào của tỉnh Quảng Nam. Và hơn thế, đây còn là sân chơi thành tích cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài là hoạt động thể thao có quy mô lớn nhất tỉnh với trên 2.000 vận động viên (VĐV) của đủ mọi thành phần, giải Việt dã Báo Quảng Nam còn có sự góp mặt của đội tuyển năng khiếu ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các đội tuyển ở Trung tâm huấn luyện quốc gia. Bởi vậy, khán giả Quảng Nam những năm qua có dịp chứng kiến nhiều VĐV đội tuyển quốc gia tranh tài trên đường chạy của giải.
Nhiều vận động viên đội tuyển các tỉnh, đội tuyển quốc gia tham gia giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam. |
Giải Việt dã Báo Quảng Nam nhờ đã có truyền thống lẫn thương hiệu, lại có được những nhà tài trợ tâm huyết. Tuy nhiên, những nhà tổ chức các giải đấu khác, dù quy mô và tính chất không bằng, nhưng vẫn có cách để làm cho sôi nổi, hấp dẫn không kém. Chẳng hạn, với chủ trương đưa các hoạt động về cơ sở, vài năm qua, thay vì tập trung tại tỉnh lỵ, nhiều giải đấu được Sở VH-TT&DL cùng phối hợp tổ chức tại các địa phương như bóng đá, bóng chuyền nữ, võ thuật nhằm phục vụ cho người hâm mộ. Bởi vậy, chính những giải đấu diễn ra ở nơi mà người dân đang “khát” đã cuốn hút khá đông khán giả, giúp các trận đấu trở nên sôi động hơn. Hay việc ban tổ chức tích cực vận động, tìm kiếm nhà tài trợ nhằm có thêm nguồn kinh phí để tổ chức giải chu đáo, phần thưởng lớn cũng là cách làm cho giải thêm phần hấp dẫn.
Năm 2014, Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII được tổ chức thành công, góp phần định danh thể thao phong trào đất Quảng. Với sự đa dạng, phong phú của 15 môn thi đấu thu hút hàng nghìn VĐV đủ mọi thành phần, lứa tuổi của các địa phương, cơ quan, ban, ngành đã tạo ra không khí lễ hội trong người dân trên mọi vùng miền của tỉnh. Đáng nói, chất lượng phong trào TD-TT quần chúng được thể hiện qua đại hội cho thấy đã được nâng lên đáng kể. Đây được coi là kỳ đại hội thành công nhất từ trước đến nay.
Nâng tầm thành tích
Bóng đá Quảng Nam cũng tạo dấu ấn trong nền bóng đá nước nhà qua những bước phát triển nhanh chóng. Mười sáu năm sau ngày tái lập tỉnh, từ giải hạng nhì Quảng Nam đã có đội bóng tham gia đấu trường V-League trong 2 năm qua. Dù điều kiện của địa phương còn khó khăn, tuy nhiên tỉnh vẫn dành sự quan tâm khá lớn cho đội bóng QNK Quảng Nam khi mỗi năm hỗ trợ một khoản ngân sách không nhỏ. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư kinh phí để sửa chữa nhà ở, sân thi đấu, khán đài sân Tam Kỳ đảm bảo điều kiện tốt nhất cho đội QNK Quảng Nam thi đấu. Người dân đất Quảng cũng rất yêu bóng đá, giúp cho sân Tam Kỳ trở thành một trong những “chảo lửa” mỗi chiều cuối tuần. |
Đánh giá một nền thể thao thì yếu tố quan trọng đầu tiên phải đề cập tới là kết quả trong công tác đào tạo và thi đấu của thể thao thành tích cao. Với thể thao đất Quảng, dù quy mô đào tạo VĐV những năm qua gần như không tăng nhưng thành tích tại các giải đấu toàn quốc và khu vực vẫn có sự tăng trưởng theo hướng chất lượng và tầm cỡ hơn. Đơn cử, tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Quảng Nam giành được 6 HCV, xếp vị thứ 29/65 tỉnh, thành, ngành của cả nước. Đáng chú ý, lần đầu tiên có HCV môn thể thao Olympic là bắn súng của VĐV trẻ Hồ Viết Thanh Sang.
Với một địa phương có quy mô đào tạo VĐV không lớn, thuộc loại “thấp bé nhẹ cân” nhất cả nước, thế nhưng thể thao đất Quảng lại không chịu thua ai tại các cuộc tranh tài. Đặc biệt, từ ngày tái lập tỉnh đến nay, chưa bao giờ VĐV Quảng Nam vắng mặt tại một kỳ SEA Games - đấu trường được coi là quan trọng bậc nhất của thể thao Việt Nam. Đáng chú ý, hầu hết họ giành HCV, kém nhất cũng là HCB với nhiều cái tên đi vào lịch sử thể thao nước nhà như Đặng Thị Thúy, Bùi Thị Triều, Phạm Thị Thu Hiền. Trong năm 2014, một sự kiện cũng khá đặc biệt với thể thao Quảng Nam khi lần đầu tiên có VĐV Phạm Thị Thu Hiền tham gia đấu trường ASIAD và giành tấm huy chương đồng. Hiện Quảng Nam cũng có nhiều gương mặt được tập trung trong đội dự tuyển quốc gia chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế như Phạm Thị Thu Hiền, Trần Thị Mỹ Khanh, Hồ Viết Thanh Sang... Với những gì đã đạt được, có thể nói thể thao Quảng Nam hiện đã nâng tầm cùng các địa phương trên cả nước.
TƯỜNG VY