Thể thao xứ Quảng ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thể thao cả nước bằng thành tích do các vận động viên (VĐV) của tỉnh mang lại từ đấu trường quốc gia và quốc tế.
Thể thao phong trào luôn có sự lôi cuốn khán giả khá lớn. Trong ảnh: Đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ cho giải Bóng chuyền nữ tỉnh năm 2018 tổ chức tại Điện Bàn. Ảnh: ANH SẮC |
Vị thế Quảng Nam
Con số 108 huy chương mà lực lượng VĐV giành được trong năm 2017 tại các giải đấu toàn quốc và quốc tế đã phần nào nói lên vị thế của thể thao Quảng Nam hiện nay. Điều đáng nói hơn, đó không phải là sự đột biến, mà suốt nhiều năm qua thành tích thi đấu xuất sắc này luôn được duy trì và có chiều hướng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Dĩ nhiên, phần thưởng mang lại sau một năm nỗ lực trên sân tập và sàn đấu dành cho VĐV và huấn luyện viên là một buổi lễ vinh danh trang trọng cùng số tiền thưởng lên tới gần 800 triệu đồng. Với số tiền thưởng hàng năm như vậy, nhiều người nói vui, TD-TT là ngành lấy… tiền thưởng của tỉnh nhiều nhất. Rõ ràng, đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những gì mà các VĐV thể hiện vì màu cờ sắc áo quốc gia và của tỉnh.
Đến nay, qua hơn 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, từ các giải đấu hàng năm đến các kỳ Đại hội TD-TT toàn quốc, thể thao xứ Quảng luôn có được kết quả tốt và góp mặt ở tốp trên. Gần đây nhất là tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Quảng Nam xếp thứ 29/65 tỉnh, thành phố, ngành của cả nước. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia tranh tài tại các giải khu vực và quốc tế, Quảng Nam thường xuyên cống hiến những VĐV ưu tú của mình trong màu áo đội tuyển quốc gia. Những gương mặt đã tạo dựng hình quê hương xứ Quảng mà có lẽ bất cứ ai yêu thể thao trên cả nước đều biết đến như Đặng Thị Thúy (Pencak Silat), Nguyễn Thị Hòa (Điền kinh), Bùi Thị Triều (Karatedo), Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo), Bùi Như Mỹ và gần đây nhất là Nguyễn Phi Tuấn (Karatedo).
Không phải là những trung tâm mạnh của cả nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Thanh Hóa, song Quảng Nam luôn khiến cho ngành TD-TT phải nhắc đến mình. Đó có thể xem là một thành tích xuất sắc của những người làm công tác TD-TT Quảng Nam, từ các cán bộ quản lý, huấn luyện viên đến VĐV, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.
Sôi nổi thể thao phong trào
Chưa tạo được dấu ấn trong công tác đào tạo bóng đá trẻ, tuy nhiên, bóng đá xứ Quảng đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên đội bóng Quảng Nam giành chức vô địch V-League 2017 và Siêu cúp quốc gia 2017. Có được kỳ tích này, ngoài nỗ lực của thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc và sự đầu tư của Công ty CP Đầu tư QNK, không thể không nhắc đến sự quan tâm của tỉnh. Dù đã chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý song mỗi năm tỉnh vẫn hỗ trợ cho bóng đá 16 tỷ đồng. Ngoài ra, còn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ bóng đá như sân vận động, khu nhà ở cầu thủ… |
Nói đến thành công của thể thao thành tích cao, không thể không nhắc tới thể thao phong trào, bởi đó là cái nôi nuôi dưỡng, phát triển thành tích. Những tài năng thể thao quốc gia, hầu hết đều trưởng thành từ phong trào ở cơ sở, thông qua những giải đấu cấp làng, xã, trường học, trước khi được tuyển chọn đào tạo tại các trường năng khiếu, trung tâm huấn luyện thể thao. Quảng Nam từng được Tổng cục TD-TT tặng bằng khen về phong trào thể thao quần chúng và được chọn làm điểm để phát động các hoạt động thể thao phong trào của cả nước. Hiện nay, phong trào thể thao trong quần chúng trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển mạnh và sôi nổi. Điều này thể hiện rõ qua các giải thể thao được tổ chức hàng năm, gần nhất có thể kể đến là đại hội TD-TT các cấp lần thứ VIII. Con số 1.418 giải đấu Đại hội TD-TT cấp xã, phường, thị trấn với hơn 90.000 lượt VĐV tham gia là một minh chứng cho sự lớn mạnh của phong trào thể thao ở cơ sở.
Trong khi đó, Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ VIII cũng được tổ chức quy mô khá lớn với mục tiêu trở thành ngày hội thể thao toàn dân. Diễn ra trong 2 năm 2017-2018, Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ VIII có tổng cộng 21 môn thi đấu, trong đó các môn được lựa chọn tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu tập luyện, thi đấu và thưởng thức của người dân khắp vùng miền. Đồng thời thực hiện chủ trương đưa về cơ sở phục vụ người dân, đến nay đại hội đã tổ chức được 7 môn tại nhiều địa phương như Đại Lộc, Núi Thành, Thăng Bình, Hiệp Đức, Điện Bàn…, thu hút hàng nghìn VĐV tham gia và hàng chục nghìn khán giả đến sân cổ vũ. Một điều đáng nói nữa, khác với kỳ đại hội trước, lễ khai mạc đại hội lần này sẽ được tổ chức bài bản, hoành tráng tại sân vận động Tam Kỳ vào ngày 21.4 tới. Điểm nhấn của lễ khai mạc là phần diễu binh, diễu hành với sự tham gia của 35 đoàn, hơn 2.100 người và kết thúc bằng phần đồng diễn chào mừng. Chương trình đồng diễn do một công ty tổ chức sự kiện tại Hà Nội thực hiện với sự tham gia của gần 1.400 diễn viên, VĐV, học sinh, sinh viên.
Đại hội TD-TT có thể coi là dịp tổng kết thể thao phong trào sau chu kỳ 4 năm. Mới đi qua chưa được nửa chặng đường đại hội, song có thể thấy, phong trào thể thao của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, là cái nôi nuôi dưỡng, tiếp sức cho thể thao thành tích cao phát triển.
ANH SẮC