Nâng tầm thương hiệu, khẳng định hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 17/11/2019 19:58

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Là định vị của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có mặt từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh chỉ có mỗi Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) với các sản phẩm xe du lịch, xe buýt, xe tải là đủ chuẩn để đạt THQG.

Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước sẽ tham gia THQG trong thời gian đến. Ảnh: V. NGUYỄN
Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước sẽ tham gia THQG trong thời gian đến. Ảnh: V. NGUYỄN

Điểm nhấn Thaco

Năm 2003, thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Thaco đã đầu tư nguồn vốn 2.800 tỷ đồng để sản xuất xe tải, xe buýt tại Khu Kinh tế mở Chu Lai với công suất 25 nghìn xe/năm. Đến nay, xe buýt mang thương hiệu Thaco đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%; trong đó, Thaco trực tiếp sản xuất các linh kiện như thân vỏ xe, kính, ghế, bộ dây điện, máy lạnh, linh kiện nội, ngoại thất...

Thaco cũng đã bắt đầu thiết kế, chế tạo xe buýt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và sử dụng nhiều loại linh kiện chính của các thương hiệu Mercedes, Volvo để xuất khẩu xe buýt sang thị trường các nước ASEAN, nhiều nhất là Thái Lan và Philippines. Với định vị sản phẩm xe tải chất lượng cao hơn xe Trung Quốc và giá thành thấp hơn xe Hàn Quốc, Nhật Bản, Thaco từng bước đầu tư, đổi mới công nghệ, đáp ứng các yêu cầu sản xuất các dòng xe cao cấp nhãn hiệu Mitsubishi Fuso - Nhật Bản và xe tải châu Âu.

Đến nay, xe tải Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa 45%, lên kế hoạch sẽ đạt 60% trong thời gian đến. Đối với xe du lịch của Thaco, KIA hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe du lịch Mazda thế hệ thứ 7 đạt 30%, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á trong thời gian đến.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, có được thành quả hôm nay, Thaco đã luôn xác định hoạt động khoa học - công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững. Bởi đó là chìa khóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng, đặc biệt là nâng cao ưu thế của sản phẩm trong cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

“Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động khoa học - công nghệ chính là động lực thúc đẩy “sản xuất thông minh”. Thaco đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô gồm xe tải, xe buýt, xe con, xe chuyên dụng theo hướng tự động hóa và tổ chức sản xuất trên tinh thần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thaco phấn đấu tăng tỷ lệ nội địa hóa, tối thiểu là 40%, đứng đầu tại Việt Nam và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu” - ông Trần Bá Dương cho biết.

Cần nỗ lực lớn

Trong giai đoạn 2020-2030, THQG tập trung xây dựng, phát triển các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm. Chương trình đặt mục tiêu mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Sau 16 năm hoạt động, chương trình THQG đã từng bước xây dựng, quảng bá, nâng cao vị thế của các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chất lượng. Ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp mang THQG tự tin khẳng định hàng hóa, dịch vụ ở thị trường xuất khẩu. Thaco đã khẳng định THQG trên trường quốc tế còn các doanh nghiệp khác của Quảng Nam thì sao?

Sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo nhưng đang gặp nhiều khó khăn về nghiên cứu để bảo tồn và phát triển. Vấn đề sống còn với cây giống sâm Ngọc Linh qua nhân giống vô tính đang phải giải quyết nhiều vấn đề nên việc xây dựng THQG cho sản phẩm sâm Ngọc Linh của Quảng Nam vẫn là chặng đường dài phía trước.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), nhìn chung, doanh nghiệp Quảng Nam vừa và nhỏ, thiếu vốn, chậm nghiên cứu, ứng dụng các thành quả vượt trội của cuộc cách mạng 4.0, nhất là khoa học - công nghệ nên đang gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng THQG.  

Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước với các sản phẩm tinh dầu sả, tinh dầu quế, nước xịt phòng, nước lau nhà... chất lượng đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhưng vẫn phải đang loay hoay khẳng định thương hiệu. Anh Võ Duy Nghĩa - Giám đốc Hợp tác xã Nông dược xanh Tiên Phước cho rằng, chưa biết tìm đến kênh nào của Quảng Nam để tìm hiểu, thực hiện các thủ tục, tiêu chí để đăng ký tham gia THQG.

“THQG sẽ bảo hộ cho các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đó là chìa khóa thành công của doanh nghiệp nên chúng tôi sẽ chú trọng triển khai các công đoạn trong thời gian đến” - anh Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Quang Lâm cho rằng, xây dựng THQG chính là quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam; qua đó, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên trường quốc tế. Hội nhập đã ngày càng sâu rộng thì các doanh nghiệp cần hưởng ứng sâu sắc, triển khai các phần việc chặt chẽ để từng bước được công nhận THQG. Qua THQG, sẽ tăng thêm sự nhận biết của các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đó cũng chính là niềm tự hào hàng Việt, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình THQG giai đoạn 2020 - 2030. Trên cơ sở đó, ngành công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình trên địa bàn tỉnh với lộ trình phù hợp, kêu gọi sự hăng hái tham gia của doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian đến” - ông Nguyễn Quang Lâm nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tầm thương hiệu, khẳng định hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO