Nâng tầm văn học, nghệ thuật đất Quảng

XUÂN HIỀN 09/02/2023 06:45

Tròn 15 năm sau khi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ra đời (năm 2008) , vị thế của văn học, nghệ thuật Quảng Nam được nhìn nhận xứng đáng...

Các hoạt động VH-NT nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các chính sách, nghị quyết. TRONG ẢNH: Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dự Triển lãm mỹ thuật “Quảng Nam - Miền Di sản” năm 2022. Ảnh: X.H
Các hoạt động VH-NT nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các chính sách, nghị quyết. TRONG ẢNH: Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng dự Triển lãm mỹ thuật “Quảng Nam - Miền Di sản” năm 2022. Ảnh: X.H

Đa dạng hoạt động sáng tạo

Cụ thể hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Nam xây dựng Chương trình hành động số 20 triển khai trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) tỉnh cho rằng, từ khi triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy đến nay, không khí sáng tác VH-NT trở nên sôi động hơn.

“Hiệu quả sáng tác đã chuyển biến rõ nét từ số lượng đến chất lượng, nâng tầm VH-NT Quảng Nam lên một vị trí mới, tác phẩm của hội viên được biết đến nhiều hơn trên phạm vi cả nước và quốc tế, góp phần quảng bá sâu rộng hơn đất và người xứ Quảng” - ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, tại Quảng Nam, Hội VH-NT đã có trụ sở làm việc mới, được cấp kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động sự nghiệp, hành chính, chuyên môn nghiệp vụ.

UBND tỉnh đã ban hành Quy chế về Giải thưởng VH-NT Đất Quảng (5 năm) và Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam (hằng năm), thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động VH-NT trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nguồn động viên khích lệ to lớn cho văn nghệ sĩ Quảng Nam không ngừng nỗ lực trong sáng tạo VH-NT.

Từ năm 2009 đến nay, Giải thưởng VH-NT Đất Quảng đã qua 3 lần tổ chức, có hơn 150 lượt văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh được chọn trao giải các tác phẩm chất lượng cao, viết về đất và người Quảng Nam, về đất nước.

Cùng thời gian này, Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam qua 14 năm tổ chức đã trao cho gần 300 tác phẩm tiêu biểu cho các tác giả là hội viên Hội VH-NT Quảng Nam...

Từ 135 hội viên của năm 2008, đến nay, sau 15 năm phát triển, Hội VH-NT tỉnh có 236 hội viên của 8 chuyên ngành trực thuộc. Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đã có 62 người được kết nạp hội viên Trung ương.

Đời sống VH-NT ở các địa phương cũng trở nên sôi nổi hơn với nhiều hình thức sinh hoạt từ các CLB thơ, dân ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Những hoạt động này khiến diện mạo VH-NT của Quảng Nam trở nên tươi sáng hơn.

Thành tựu VH-NT của đất Quảng biểu hiện ở cả chiều rộng và chiều sâu. Đã có hàng nghìn tác phẩm ở các thể loại thơ, truyện ký và tiểu thuyết, nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, tập ca khúc, kịch bản sân khấu, hàng trăm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh… ra đời, với giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Các văn nghệ sĩ đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, đồng thời tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống...

Nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn học, sân khấu... là những dấu ấn sáng tạo định danh vị thế của Quảng Nam trên bản đồ VH-NT cả nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã mang hơn một nghìn tác phẩm tham dự triển lãm và liên hoan tại các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế. Đây chính là cơ hội để họ trổ bày tài năng cũng như góp phần mang hình ảnh quê hương giới thiệu đến công chúng.

Hơn 30 huy chương vàng, bạc và đồng cho các cá nhân ở những cuộc thi khu vực, quốc gia, quốc tế cũng như nhiều văn nghệ sĩ được vinh dự phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc (EVAPA) của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, NSNA có nhiều cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật ánh sáng.

Được phong tước hiệu EVAPA năm 2022, NSNA Lê Trọng Khang cho biết, điều kiện cũng như môi trường hoạt động tại quê hương đã tạo động lực để anh có được những thành công trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Cũng như vậy, mỹ thuật Quảng Nam với nhiều đề tài đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên diện mạo mới trong lĩnh vực tạo hình. Nhiều tác phẩm của hội viên được giới phê bình đánh giá cao, được nhiều giải danh giá trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc, nhiều tác phẩm được chọn làm tượng đài, vườn tượng danh nhân...

Chờ đợi những cú hích

Dù bức tranh VH-NT có rất nhiều mảng màu sáng nhưng vẫn còn đó những ưu tư từ chính những người trong cuộc. Năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn chưa theo kịp với yêu cầu và sự phát triển của đời sống, bên cạnh việc giới thiệu quảng bá tác phẩm VH-NT còn khiêm tốn... khiến ít nhiều môi trường sáng tạo bị thu hẹp cũng như không thể cuốn hút sự dõi theo của công chúng.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã mang nhiều tác phẩm tham gia triển lãm, liên hoan tại nhiều địa phương. Ảnh: T.K
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã mang nhiều tác phẩm tham gia triển lãm, liên hoan tại nhiều địa phương. Ảnh: T.K

“Hiện nay, mặt hạn chế, yếu kém nhất là công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là lớp trẻ. Số lượng hội viên tài năng trẻ còn khan hiếm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Lĩnh vực lý luận, phê bình, sưu tầm, nghiên cứu VH-NT vẫn giẫm chân tại chỗ. Từ đó, việc thẩm định, đánh giá tác phẩm VH-NT chưa thể đẩy mạnh nhằm tạo động lực để nâng cao chất lượng sáng tác và kịp thời định hướng dư luận đọc. Đầu ra của sáng tác gần như bế tắc nên không động viên được sáng tạo VH-NT.

Việc hỗ trợ của Nhà nước tuy có tích cực song vẫn chưa thoát khỏi sự bình quân vừa phải, chưa mạnh dạn đầu tư chiến lược và có trọng tâm cho những tác phẩm tầm cao” - ông Nguyễn Hoàng Bích nói.

Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới”, nhiều đại biểu nhìn nhận cần xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình VH-NT cổ truyền cũng như có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và VH-NT các dân tộc thiểu số.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Trọng Nghĩa khẳng định, giới văn nghệ sĩ được xem là một nguồn lực quan trọng, là sức mạnh nội sinh trong công cuộc phát triển.

Đội ngũ văn nghệ sĩ là lực lượng tiên phong bồi đắp, xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mới... Để làm được điều này, cần có thể chế, chính sách cụ thể hóa, nếu không sẽ rất khó.

Riêng Quảng Nam, thời gian tới, lãnh đạo Hội VH-NT cho rằng, cần tiếp tục quán triệt rộng rãi Chương trình hành động số 20 thực hiện Nghị quyết 23 trong đời sống cộng đồng, tiến tới xã hội hóa từng bước một số hoạt động VH-NT, nhất là đi tìm đầu ra đang bế tắc cho sản phẩm văn nghệ để kích hoạt sáng tạo.

Giảm bớt tính chất hỗ trợ bình quân để tập trung đầu tư chiến lược và có trọng tâm cho các tác phẩm tầm cao về lịch sử và văn hóa Quảng Nam; thành lập hội đồng tham vấn văn hóa, văn nghệ của tỉnh để trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo tỉnh vạch ra kế hoạch phát triển chiến lược nền VH-NT tỉnh... là những giải pháp được đặt ra để tiếp tục phát triển VH-NT Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tầm văn học, nghệ thuật đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO