Nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa

VIỆT NGUYỄN 14/06/2020 04:21

Tín hiệu vui là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, qua đó, thêm định vị chỗ đứng trên thị trường, thu hút chọn lựa của người tiêu dùng.

Nhờ khẳng định thương hiệu, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nhờ khẳng định thương hiệu, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vận động nội tại

Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng tìm hiểu kỹ các yếu tố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các thành phần, nguyên liệu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa... Với các sản phẩm cùng loại như bánh kẹo, nước giải khát, hàng may mặc, hàng hóa thiết yếu..., người tiêu dùng chuộng hàng nội hơn các sản phẩm nhập khẩu nhờ có mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu được đầu tư công phu, nhất là chất lượng sản phẩm. 

Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm nội địa bị người dùng “ngó lơ” vì chưa khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng. Nguyên nhân chính là do nguồn lực của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, công tác quảng bá, giới thiệu hàng hóa, tìm hệ thống phân phối chưa được đầu tư đến nơi đến chốn. 

Ông Phan Đình Tuấn - chủ Cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho rằng, sản phẩm cạnh tranh trên thị trường ngày càng khắt khe hơn, người tiêu dùng rất cẩn trọng khi mua hàng hóa nên cơ sở của ông phải đầu tư cho quy trình sản xuất hơn. Theo đó, tập trung phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, gắn với các tiêu chuẩn hội nhập. Tiêu chí mà cơ sở mặc định là sạch, ngon, tiện ích và giá cả phù hợp. Trong đó, yếu tố chất lượng luôn là tôn chỉ hàng đầu. Bên cạnh đó, cơ sở chủ động phát triển hệ thống phân phối, các kênh quảng bá thương hiệu để sản phẩm rộng đường đến tay người tiêu dùng.

“Nếu không nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng thì bạn sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Để tồn tại, chúng tôi nỗ lực, vận động liên tục để tiếp tục khẳng định thương hiệu hàng hóa. Chúng tôi ổn định nguồn nguyên liệu với các cơ sở cung cấp dừa ở phía Nam. Ngoài siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, chúng tôi còn mở rộng kênh cung cấp hàng hóa đến các chợ, nhất là hệ thống các nhà bán lẻ” - ông Tuấn nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Mỹ - Phó Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn cho biết, gạo Phong Thử luôn chiếm được niềm tin yêu của khách hàng. Các đơn hàng được ký kết ngày càng nhiều đã khiến cho doanh thu tăng cao qua từng năm.

“Chúng tôi luôn tâm niệm cải tiến quy trình sản xuất, giảm chi phí, tăng cao chất lượng, đón đầu thị trường tiêu dùng. Sản phẩm gạo được sản xuất sạch, không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, không có chất bảo quản, không sử dụng giống lúa biến đổi gen” - ông Mỹ chia sẻ.

Chung tay vì thương hiệu

Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, để hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hàng Việt rộng đường tới người dân. Các địa phương cần tiếp tục tập trung đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã sản phẩm đẹp, giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó, cần tuyên truyền rộng rãi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến lợi ích người tiêu dùng.

Doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế vốn mạnh nên có nhiều điều kiện thuận lợi để khảo sát, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng cũng như có nhiều phương thức để quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, xây dựng các chiến dịch kích cầu cho sản phẩm mới. Hầu hết sản phẩm của doanh nghiệp ngoại được trưng bày, giới thiệu, kết nối cung cầu ở các vị trí đắc địa, những hệ thống phân phối, siêu thị nổi tiếng hay các cửa hàng bách hóa có uy tín. Trong khi đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa, thiếu chiến lược phát triển dài hơi trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, thương hiệu chưa được phát triển như kỳ vọng.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương nêu ý kiến, Bộ Công Thương cần có thêm chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong xây dựng mạng lưới phân phối, quảng bá sản phẩm để có thêm các kênh giao thương, giới thiệu và phân phối sản phẩm. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết để khẳng định thương hiệu hàng hóa trên thương trường. 

Theo Sở Công Thương, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cần đổi mới để cạnh tranh, tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với khẳng định vị thế, thương hiệu. Có vậy, sẽ chiếm ưu thế trong xây dựng chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, bảo quản hàng hóa, đóng gói, bao bì, nhãn mác, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO