Nặng tình với hạt lúa trời

CHÂU TẤN 06/12/2017 09:09

Hiện nay, nông dân Quảng Nam đang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bước vào sản xuất vụ đông xuân 2017-2018. Tuy nhiên ở nhiều địa phương vùng cát trong tỉnh, bây giờ lại là thời điểm thu hoạch lúa nước trời. Như tại vùng cát Duy Xuyên, nơi không chủ động được nước tưới, nông dân phải canh tác cây lúa dựa vào kinh nghiệm là chính và hoàn toàn lệ thuộc vào thời tiết, với tổng diện tích khoảng 120ha.

 Ở vùng đông Duy Xuyên đang là thời điểm nông dân thu hoạch lúa nước trời. Ảnh: CHÂU TẤN
Ở vùng đông Duy Xuyên đang là thời điểm nông dân thu hoạch lúa nước trời. Ảnh: CHÂU TẤN

1. Thường thì quan niệm của nông dân vùng cát làm lúa nước trời chỉ mong kiếm chút rơm giữ ấm cho đàn gia súc những ngày mùa đông giá rét và giữ đất chuyển mình chờ vụ sản xuất kế tiếp. Sản xuất lúa đối với bà con vùng cát luôn vất vả từ khi hạt giống gieo xuống đất đến khi thu hoạch. Và họ biết rằng vụ canh tác này chỉ lấy công làm lời, nhưng vẫn giữ truyền thống làm lúa nước trời vì mùa vụ này còn mang tâm niệm nhớ ơn ông cha ngày xưa đã khai hoang, cải tạo những đồi cát trắng trở thành chốn chôn nhau cắt rốn của các thế hệ cháu con bao đời nay…

Ngồi trong nhà nhìn ra đám lúa chín liêu xiêu dần trong màn mưa gió buổi chiều mùa đông, bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) trong lòng chẳng yên. Sau một hồi trầm ngâm, bà Lan đứng dậy, với tay lấy chiếc áo mưa vắt trên cửa choàng vào người rồi vội vàng đi ra ngõ. Mặc mưa gió đầy trời, bà quyết phải đi tìm người gặt đám lúa của mình, không thể chần chừ, còn đợi nữa có khi mất trắng. Ở làng Thuận An, mấy ngày nay lúa ngoài đồng bắt đầu chín tới, nhưng mưa rét, không khí lạnh liên tục tăng cường, trong khi đó cánh đàn ông đều đi làm ăn xa, nên những phụ nữ thường đổi công cho nhau để gặt lúa, nhưng thời điểm này tìm ra người không phải dễ. Đi một bận quanh làng, cuối cùng bà Lan cũng thuyết phục được vài người chịu đổi công với mình.

Sáng sớm, bốn người phụ nữ đã ra đồng chia việc ra làm, cắt lúa đến đâu tuốt ngay đến đó nhưng gần hết buổi sáng mới chỉ được nửa đám ruộng diện tích hơn một sào. Xong mấy lá mì chấm mắm nêm giữa trưa, cái bụng ấm hơn, không khí lao động cũng phấn chấn hơn. Ngày mùa đông, trời nhanh tối nên họ động viên nhau cố gắng gặt xong ruộng lúa càng sớm càng tốt. Nhưng từ sáng đến giờ dầm trong mưa gió, toàn thân lạnh cóng, dáng lưng và chiếc nón lá của bà Lan mỗi lúc như thấp dần xuống, cái liềm trong tay không còn nhanh nhẹn như lúc sáng. Đứng thẳng người lên, đưa tay đập đập sau lưng, bà Lan nhìn khoảnh lúa ngã rạp dưới nước đầy mệt mỏi. “Đất chi mà khó khăn quá, gieo hạt lúa xuống đã khó, để mang về nhà cũng muốn gãy cái lưng. Chú biết không, làm lúa vụ ni cực không kể xiết. Đầu mùa phải cày xới mấy bận mới rải hạt giống xuống; xong chỉ biết cầu trời khấn phật cho xuống hạt mưa. Trời ổng thương thì kiếm ít ang lúa, còn không kiếm ít rơm cho mấy con bò. Năm ni cũng thuận nên có lúa để dành. Biết cực rứa mà đâu có bỏ ruộng được” - bà Lan chia sẻ với chúng tôi.

Sau khi gặt đám lúa của bà Lan, nhóm phụ nữ trên chuyển sang đổi công gặt lúa cho bà Nguyễn Thị Xứng. Không chỉ đổi ngày công, chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân cũng đồng hành với họ qua từng thửa ruộng. Hôm gặt đám lúa cho bà Xứng trời tạnh ráo hơn, lúa lại chắc hạt nên mọi người phấn khởi lắm. Cũng chừng ấy công việc là cắt lúa, tuốt lúa, sàng và gánh về nhà; nhưng lần này họ liên tục đổi việc cho nhau. Hai người cắt đến khi cảm thấy mỏi tay, mỏi lưng thì chuyển sang tuốt lúa, đổi hai người kia cắt lúa, luân phiên như thế nên năng suất lao động cao hơn. Giữa lúc mệt nhọc đang trĩu xuống mà nghe tiếng hạt lúa căng đầy bắn lách tách vào thùng xen lẫn tiếng rù rù của máy tuốt có lẽ là âm thanh vui vẻ nhất trên cánh đồng đối với những người phụ nữ làng Thuận An.

2. Do đặc thù vùng đất cát luôn phải đối diện với khô hạn, thiếu nước vào mùa khô, cũng như ở Thăng Bình, Điện Bàn,… bà con nông dân vùng đông Duy Xuyên làm lúa hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Đó cũng là lý do phải đến cuối tháng 8 họ mới tổ chức gieo sạ và thu hoạch khoảng tháng 11 âm lịch. Canh tác giai đoạn này, cây lúa có thể đón được nước mưa vào đầu mùa nhưng nguy cơ hư hại vào cuối vụ do mưa lũ kéo dài cũng rất cao. Hầu hết ruộng lúa ở đây được canh tác trên đất vườn nhà, diện tích nhỏ, chỉ làm một vụ mỗi năm để mùa sau xen canh các loại hoa màu khác. Vẫn còn lắm gian nan vất vả nhưng họ - những nông dân vùng cát vẫn chưa từng có ý định bỏ ruộng.

Vì cánh đàn ông đều đi làm ăn xa nên những phụ nữ ở vùng cát Duy Xuyên thường đổi công cho nhau để thu hoạch lúa. Ảnh: CHÂU TẤN
Vì cánh đàn ông đều đi làm ăn xa nên những phụ nữ ở vùng cát Duy Xuyên thường đổi công cho nhau để thu hoạch lúa. Ảnh: CHÂU TẤN

Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, từ khi điện lưới kéo đến vùng đông Duy Xuyên, người nông dân có phần đỡ vất vả hơn đôi chút. Thời điểm điện mới về, cứ 4 - 5 hộ góp tiền mua dây điện kéo từ nhà ra đồng, đóng giếng lấy nước ngầm tưới cho lúa, chiếc áo bớt sờn vai, đôi vai ít chai sần đi nhưng chi phí tiền điện đội lên do đường dây tải khá xa, trong khi đó lúa nước trời vẫn phải trông chờ vào thời tiết nên làm lúa cũng chỉ theo kinh nghiệm. Đáng mừng là bà con vẫn giữ đất, không muốn bỏ hoang phí đất đai, dù canh tác chỉ bỏ công làm lời là chính.

Những ngày qua, nông dân vùng cát Duy Nghĩa, Duy Hải đội mưa gặt lúa. Mùa này, trời âm u và mưa liên tục, không thể phơi nên nông dân phải đãi lúa qua nước để bỏ bớt hạt lép, hong khô nhờ gió. Nếu mưa lạnh kéo dài thì hạt lúa sẽ nảy mầm và tất nhiên mùa thu hoạch không trọn vẹn đối với công sức của người nông dân. Ông Bùi Văn Xu (85 tuổi) ở thôn An Lương, xã Duy Hải, khi nói đến chuyện gieo lúa nước trời thì ý như rằng đã lâu lắm rồi mới có người ở nơi khác đến cảm nhận được những khó nhọc của người nông - ngư dân miệt biển này. “Tôi chừ già rồi không ra khơi được nữa, để thằng con trai bám biển còn mình ở nhà làm ruộng. Nói chú biết, người dân xứ cát Duy Hải này thường làm chân biển, chân đồng. Mùa nam ra biển đánh cá, mùa động làm nông, cực khổ đủ cả. Làm lúa thì chẳng khi mô có lãi đâu nhưng phải làm thôi” - ông Xu nói. “Rứa sao không bỏ mùa lúa cho khỏe, khỏi tốn công, tốn tiền?”. Ông Xu cười: “Nói rứa răng được. Ông cha tôi cũng như bà con ở đây đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức xuống ruộng, cuốc từng lát đất, đắp bờ, đào ao lấy nước, cải tạo để đất ni có thể gieo trồng, ai nỡ đành phụ cho được”. Miệng nói, đôi tay nhăn nheo theo năm tháng của ông Xu vẫn liên tục khuấy đều trong thau nước để vớt từng nắm lúa lép. Mưa vẫn rơi, đôi tay xương xẩu của ông Xu run run vì lạnh, đôi khi giật lùi trong thau nước vì đụng phải phần đầu nhọn của hạt lúa. Nhìn đôi tay chắt chiu gom từng hạt lúa trôi theo dòng nước mưa của người nông dân này càng cảm nhận được giá trị công sức lao động và nỗi nhọc nhằn của người dân vùng cát.

3. Người dân vùng cát ven biển thường nhắc nhau câu ca “Rằm tháng Bảy kẻ quảy (cúng) người không; rằm tháng Mười, mười người đều quảy”. Trước kia, thường dịp này, nông dân cúng mừng lúa mới, mừng cho mùa vụ vừa thu hoạch. Lúa có thể chưa thật sự khô nhưng người dân vẫn cho vào cối giã để lấy gạo nấu cơm dâng cúng cảm ơn tổ tiên, ông bà. Và nồi cơm mới dẻo thơm dâng lên tổ tiên có lẽ ít độn khoai sắn nhất, mọi thành viên trong gia đình được bữa no đủ nhất trong năm. Ngày nay, phong tục này không còn nhiều người giữ, nhưng nhắc câu chuyện xưa để thấu hiểu cái nghèo khó của vùng đất đầy bom đạn này và những người bám trụ giữ đất, giữ làng và rồi cải tạo đồng ruộng từ những hố bom.

Năm 2017, Dự án phát triển đô thị ven biển được triển khai ở vùng đông Duy Xuyên, nên hai xã vùng cát ven biển Duy Nghĩa và Duy Hải chỉ còn khoảng 120ha lúa nước trời, giảm hơn 70ha so với năm 2016. Người dân vùng đông Duy Xuyên sẵn sàng nhường đất để nhà nước quy hoạch, phát triển du lịch, xây dựng tương lai cho con cháu họ. Tuy nhiên chủ đầu tư chậm triển khai, những thửa ruộng phải bỏ hoang; tiếc mảnh đất cha ông đã sờn vai cải tạo, trong khi chờ thực hiện dự án, họ lại cày cuốc trồng màu, gieo lúa, để được vùi bàn chân dưới đồng đất quê hương.

CHÂU TẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nặng tình với hạt lúa trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO