Nắng Xuân

TIÊU ĐÌNH 17/02/2013 15:18

Mùa xuân năm Mậu Tý 1888, người dân vùng thượng nguồn sông Thu  thấy có một cặp nam nữ tuổi mới đôi mươi không biết từ phương nảo phương nao tìm đến vùng thâm sơn cùng cốc này để lập nghiệp. Chàng trai có khuôn mặt rắn rỏi đầy nam tính. Cô gái trông trắng trẻo mỏng manh như sợi khói chiều. Quan sát cách ăn mặc, dễ nhận ra họ không phải là dân miền ngược. Họ bắt đầu chặt cây, cắt tranh làm nhà và chuẩn bị cái tết đầu tiên bên cạnh một dòng suối trong xanh bắt đầu ấm nắng xuân với vô số hoa rừng tím biếc, vô số tiếng chim trong veo vắt ngang mây trắng. Và những câu thơ lạ:

Ký ngữ phù trầm tư thế giả,

Hưu tương thành bại luận anh hùng.

(Đành phó nổi chìm cho thế cuộc Chớ đem thành bại luận anh hùng)

Câu thơ thường được ngân nga bằng chất giọng trầm ấm mỗi khi đêm núi rừng, khi tiếng suối đệm đàn rõ hơn và muông thú dường như đang chực chờ lắng nghe. Bi hùng chất giọng và thẳm sâu đôi mắt của người ngâm làm lay động nhẹ bức họa chân dung cụ Hường Hiệu mày râu oai phong được treo trên vách lá.

Bức họa với nét vẽ hoa ấy không ngờ là chiếc cầu nối đầu tiên giữa đôi vợ chồng lạ với người dân bản địa. Bởi ở vùng núi cao heo hút này, không ai lạ gì vị lãnh đạo Nghĩa hội Quảng Nam vừa bị xử chém. Dù trực tiếp tham gia nghĩa quân, tiếp lương cho Nghĩa hội hay chỉ nghe nói về Hường Hiệu, họ đều tỏ ra tiếc nuối cụ và sự tan rã của phong trào.

Còn chiếc cầu nối thứ hai giữa họ là câu chuyện sau đây - câu chuyện kể đã nhập vào hồn núi rừng, dựng nên xóm Hiền Tài sau đó.

… Cha tôi, người làng vẫn hay gọi là Cử Trọng, chịu trách nhiệm đứng ra xây dựng đình làng vào năm Giáp Thân. Năm sau, đình làng bề thế được xây xong trên mô đất nhìn ra nhấp nhô ngút ngàn những đồi tranh. Ngắm lớp tranh đang chờ cắt, lớp mới nhú lên mạnh mẽ nhọn hoắt, lớp phô hoa trắng lắt lay trong gió, cha bỗng liên tưởng đến lớp lớp con cháu văn võ của làng đã thành đạt. Bà con biết không, tranh có sức sống dữ dội lắm, nắng sém lá nứt đất vậy mà nó vẫn đội đất nhú lên chỉ sau một đêm bị cắt sạch.

Nghĩ đến đó, cha muốn có một câu đối đặt trang trọng ngay tại đình làng để thể hiện niềm tự hào và nhắc nhở cháu con phải biết quý truyền thống hiếu học và đạo nghĩa làm người. Văn thân, bô lão đồng tình, nhưng tìm chọn câu đối trưng bày tại một nơi trang nghiêm như đình làng để răn dạy con cháu đâu phải chuyện dễ. Do đó, làng phải loan tin rộng rãi tìm kiếm hiền tài để xin một câu đối hay. Việc tưởng chừng như đơn giản, vậy mà gần hai năm sau vẫn chưa thành công dù làng không thiếu văn nhân. Xưa, Giả Đảo “nhị cú tam niên đắc”, nay ở làng Đồng Tranh “tam niên” chỉ mới có được “nhất cú” tròi trọi. Đó là vế đối của cha tôi đã dâng làng:“Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ đồng tranh long hổ bảng”. Mọi người đều chép miệng khen vế đối của ông Cử hay quá, cách chơi chữ đồng âm thật thú vị, vừa nói được tinh thần hiếu học, quyết tranh bảng đầu văn võ của dân làng. Chỉ có điều, thời gian dài sau đó vế đối vẫn cứ độc hành như người góa bụa, chẳng ai nghĩ ra vế thứ hai cho hay. Một ông Tú trong làng lắc đầu, lẫy Kiều: “Rằng hay thì thật là hay/ Nhưng mà đối lại đắng cay muôn phần”…

Chàng trai ngừng kể, dường như đang muốn mọi người cùng hòa vào truyền thống văn võ của làng mình, lắng nghe văn hóa vùng đất trỗi dậy từ những đồi tranh nhấp nhô và mãnh liệt sức sống. Người vợ anh, da mượt trắng như mây, tiếp tục châm nước chè xanh vào những chiếc bát cổ cho khách. Một người trong đám bỗng hứng khởi cất cao giọng hát ru: “À ơi, bồng em mà bỏ vô nôi/ Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Đông Phú mua trầu Đồng Tranh”.

- A, thì ra anh cũng biết chợ Đồng Tranh à? - Chàng trai trố mắt nhìn người hàng xóm như vừa gặp lại bạn thân lưu lạc nhiều năm.

- Con đường “mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” mà anh! Tôi đã có vài lần xuống đổi quế cho người Hoa tại đây. Xóm núi này cũng có người từng theo nghĩa quân của cụ Hường đánh nhau ở Đồng Tranh đấy. Mà anh, chợ đâu có bán trầu nhiều bằng tranh mà người ta lại hát như vậy, hở?

- Đúng, có lẽ trầu cau là chuyện của trước kia, người làng tôi bấy giờ sống nhờ vào tranh, từ cái ăn cái mặc đến chữ nghĩa cũng từ tranh mà ra. Thiếu những bó tranh ghim chặt vào hai đầu đòn xóc dựng thành hàng thẳng tắp dọc hai bên đường là không phải chợ Đồng Tranh rồi.…

- Để anh Nghĩa kể tiếp chuyện về vế đối đi - Một người chen vào.

- Hơn năm sau, hai trụ cổng đình làng cũng chỉ có một vế đối đơn độc nằm quạnh hiu. Trụ bên kia trắng chữ, rêu đã bắt đầu phủ xanh nhờn nhợt. Hương kiểm họp các bô lão, trưởng tộc tỏ vẻ lo ngại: “Hay vận hội làng ta đã đến hồi suy vong nên văn võ chẳng thua ai mà một vế đối hay nghĩ mãi chẳng ra?”. Nói xong, ông Lý đến thắp hương khấn vái điều gì đó với các bậc tiên hiền. Đoạn ông vuốt râu nhìn ra mênh mông những đồi tranh thở dài: “Quả là xuất đối dị, đối đối nan. Hiền tài đâu phải dễ tìm!”.

Một hôm, có người bán chiếu không biết từ đâu đến, ngồi phe phẩy chiếc quạt mo cau dưới bóng tre trước cổng đình. Sau khi xem kỹ vế đối và hỏi rõ sự cố hy hữu này, ông thưa với làng xin được chấp bút thỉnh đối. Hương kiểm nổi nóng, đòi nọc người bán chiếu ra đánh đòn vì dám giỡn mặt với làng. Tất nhiên là không ai tin một gã bán chiếu quê mùa lại có thể đối được vế đối hóc búa đã từng bị bỏ trống gần hai năm, nhưng vì thấy  tướng mạo khác thường của người bán chiếu, cha tôi cũng muốn thử tài. Chỉ một lát sau, người bán chiếu đã trình làng vế đối thứ hai:“Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần gia hội phượng hoàng trì”.

Đọc vế đối, cha tôi vỗ đét vào đùi: “Hay! Hai vế đối nhau chỉn chu từng ý, từng lời”. Gia Hội là tên một làng ngoài Huế, cũng có nghĩa là “tham gia vào hội”. Bấy giờ, phong trào Cần vương đã bắt đầu len vào hàng ngũ văn thân của cha tôi. Nghe cha tôi giải thích, các bô lão, hương kiểm đều trố mắt nhìn người bán chiếu đang ngồi say sưa ngắm đất trời ngoài sân đình. Lúc ấy nghe chuyện lạ về người bán chiếu, dân làng cũng kéo nhau đến xem chật cả góc đình. Nhiều người bây giờ mới để ý đến đôi mày rậm, mắt sáng và thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh của người bán chiếu dạo. Riêng cha tôi thì vui vẻ ra mặt, ngắm nghía những nét chữ như “phượng múa rồng bay”, ông chắc rằng đây không phải là một tay bán chiếu dạo bình thường.

Với tư cách là người lớn tuổi và hay chữ, cha tôi thay mặt làng ra mời người bán chiếu vào đình để bày tiệc rượu thưởng công. Dân làng bất ngờ thấy ông quỳ xuống trước mặt người bán chiếu trẻ hơn mình đến vài giáp, hai tay xấp trước ngực như khi đứng chánh bái, lạy hai lạy rồi mới thưa: “Xin mời ngài vào trong đình uống nước để chúng tôi xin được hầu chuyện”. Người bán chiếu quay lại, cũng quỳ xuống lạy cha tôi: “Cụ Cử, tôi chỉ là một học trò lỡ vận đi bán chiếu dạo, không đáng để ngài và dân làng phải bận tâm đến thế. Tri ngộ này là đã quá quý”. Hai người lại lạy nhau. Hình ảnh ấy không một ai trong chúng tôi quên được, dù có phải lưu lạc, sống vất vưởng chân trời góc bể nào đi nữa.

Làng Đồng Tranh bày tiệc linh đình sau đó để ăn mừng và đãi khách.

Chiều. Bóng tối dần phủ màu thẫm đen xuống cánh rừng. Nhưng dọc sườn núi cao xa xa vẫn còn sáng loáng màu nắng vàng tươi đầu xuân, ấm áp và lung linh kỳ lạ. Con chim khách kêu chiều rộn rã trên đầu nguồn suối. Chàng trai nhấp ngụm chè xanh lấy giọng rồi kể tiếp:

- Sau này, biết người bán chiếu kia là cụ Hường Hiệu từng dạy văn, dạy võ trong cung vua đang đi thám sát địa hình, thu phục nhân tâm, cha tôi dõng dạc đọc lời của Thân Nhân Trung ngày xưa trước đông đảo dân làng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Rồi ông đứng ra chiêu tập quân sĩ phất cờ đi theo nghĩa quân của cụ Hường. Nhờ vậy, Đồng Tranh trở thành một trong những làng tham gia Nghĩa hội rất đông. Nhiều trận phục kích xuất thần của dân binh Đồng Tranh tại Tiên Sơn, Phú Cốc, Việt An, Đèo Răm… đã làm vang dội hào khí khắp tỉnh. Hồi Nguyễn Thân đưa quân sơn phòng Nghĩa Định ra bao vây Trung Lộc đã phải đi vòng qua Đồng Tranh chứ không dám ngang nhiên dẫm vào nơi cha tôi đã thề quyết tử với dân làng.

“Vận nước chưa đến hồi hanh thông”, cha tôi nói vậy khi trung thu năm Đinh Hợi nghe tin cụ Hường bị xử trảm. Đau buồn vì vận nước, cha  cũng lâm bệnh mất sau đó, để lại bức thư tuyệt mệnh này đây.

Chàng trai mở trắp gỗ lấy ra một bức thư đã vàng ố màu giấy, nhạt phai màu mực, nhưng nét bút tài hoa phóng khoáng vẫn làm sửng sốt nhiều người. Những mái đầu già, trẻ chụm lại gần nhau hơn. Không gian tĩnh lặng của núi rừng như đang ngưng đọng thiêng khí. Chàng trai đọc thư: “Tiền nhân đã nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, cha muốn minh giải thêm cho con rõ, hồn thiêng sông núi qua bao năm tháng tích tụ, hun đúc mới có được  hiền tài. Cho nên biết trân trọng hiền tài, hết lòng phò giúp hiền tài làm nên nghĩa lớn là đạo lý làm người. Cha một đời tâm nguyện lẽ sống ấy, nhưng mộng lớn không thành. Bây giờ, tất cả trao gửi lại cho con...”.

- Anh em biết không, vì bức thư này mà tôi đã không ra làm quan cho Pháp, quyết lên đây ẩn mình chờ thời - Chàng trai ngừng giây lát rồi mới kết lại câu chuyện như một bữa tiệc tết thú vị.

Nắng xuân vẫn kiên trì xua tan cái lạnh của mùa đông già cỗi. Từng ngọn cỏ cành cây giữa điệp trùng rừng núi như đang rùng mình xanh lại. Nắng ấm ngoài trời và cả trong tâm thức của những người già trẻ, gái trai xuôi ngược đang ngồi với nhau như anh em trong cùng một nhà. Từ hôm ấy, xóm núi heo hút này có tên mới là xóm Hiền Tài. Hơn mười năm sau, vào đầu thế kỷ XX, khi cụ Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào Duy tân thì ở vùng núi tây Quảng Nam, xóm Hiền Tài là nơi đã tham gia phong trào đông và sớm nhất.

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nắng Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO