Góc suy ngẫm

Náo động... một cuộc khảo cứu địa danh!

NGUYỄN ĐIỆN NAM (huudong.lenga@gmail.com) 25/04/2025 12:06

Trải biết cuộc đời trong năm mươi năm, chứng kiến nhiều tên làng, tên xã/phường đổi thay, nhưng chưa bao giờ tôi thấy náo động như lần này, với một quy mô rộng lớn, tác động dữ dội đến tâm tư tình cảm không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà hầu khắp non sông nước Việt…

Đâu phải bây giờ mới có đổi thay? Hồi mới giải phóng ra thì xã chia ra hợp tác xã 1, 2, 3, 4…; thôn cũng đánh số, tên làng xã xưa lặn trong hoài niệm.

Đến khi hợp tác xã nông nghiệp thoái trào, xã hợp nhất lại lấy tên theo kiểu “phụ tử tùy tùng” (như huyện Điện Bàn thì tên xã bắt đầu chữ Điện, Duy Xuyên bắt đầu chữ Duy, Quế Sơn chữ Quế, Đại Lộc chữ Đại…), cũng cơ bản êm ru.

Đến khi phát động xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa, thì tên làng/xứ đất sống lại, các cổng ngõ dựng lên trương biển đề tên rõ ràng như Gò Nổi có Bến Đền, Bảo An, Đông Bàn, Phú Bông… rồi về nam sông Thu Bồn có Trà Kiệu, Thăng Bình có Chợ Được, Phú Ninh có Chiên Đàn, Tam Kỳ có Trường Xuân…

Tuy vậy, những cuộc thay đổi đó dần dần tiệm tiến, dù cũng sâu rộng nhưng không ào ạt cùng một lúc và quy mô cũng nhỏ nên nhìn chung vẫn… dịu dàng.

Vừa rồi thì náo động khác hẳn, vang từ xã, huyện, tỉnh, lan ra khắp xứ, cả hai đầu đất nước cũng thế. Mọi việc khởi lên khi có chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, rồi bỏ hành chính cấp huyện, tiến tới hợp nhất các tỉnh thành.

Sự náo động diễn ra một phần do phạm vi tác động quá lớn (có nơi 4-5 xã còn 1 xã) trong khi đòi hỏi “thần tốc” lập phương án, có địa phương chỉ đạo chưa đồng bộ thông suốt nhất quán, nên rõ ràng bị động về chuẩn bị “ngân hàng địa danh”…

Lại do vỏn vẹn trong mấy ngày mà việc lấy ý kiến nhân dân phải làm đi, làm lại vì thay đổi phương án, ít nhiều gây ra bàn tán phân tâm. Mạng xã hội cũng vào cuộc nên sự phân tâm càng dữ dội khi “chín người mười ý” đóng góp đủ chiều xôn xao trên “chợ mạng” (như bàn nên lấy hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, hay trở lại với tên gọi xa xưa, và rồi cần định danh thương hiệu quốc tế).

Ai có trách nhiệm quyết định việc đặt tên cho đơn vị xã/phường mới, nếu không thấu đáo tham vấn phương án hợp lý, không có phương pháp khảo cứu hữu hiệu, không bản lĩnh chịu lời ra tiếng vào, thì tránh sao khỏi… quáng gà.

Bối cảnh này là chưa có tiền lệ, vì thế cũng đừng nhân danh này nọ để lớn tiếng phê phán quá cay nghiệt những hạn chế có thể xảy ra, thậm chí cho rằng họ vô cảm với làng nước, dốt văn hóa, lịch sử.

Vì thử đặt tâm thế người trong chăn sẽ biết việc khó nhằn, bởi đặt tên xã mới mà ai cũng muốn dự phần có tên xã cũ của mình trong đó quả là bó tay, vì địa danh hàng ngàn mà chỉ dùng được ít chục cái gói sao cho trọn cả (!?).

Nếu nhìn cho có năng lượng tích cực thì sự thay đổi phương án từ “máy móc” đặt tên số thứ tự vô cảm, vô hồn sang những địa danh mang trầm tích văn hóa, lịch sử, thể hiện dáng vóc hình sông thế núi quê hương, dễ nhận diện, tiện dụng và được đa số cộng đồng chung thống nhất, đã là thắng lợi. Có nơi thắng lợi lớn, có nơi thắng lợi chỉ được 7/10 vậy cũng là tương đối may rồi, quý rồi.

Thôi thì suy ngẫm một góc nhìn vui về tính “hay cãi” của người Quảng. Rằng cứ thử hát lên một câu:

Con bà, bà gả cho ai?

Con tui, tui gả cho trai Điện Bàn.

Sẽ có dân Duy Xuyên cãi “con tui, tui gả cho trai Thu Bồn”.

Cãi sang huyện khác, cứ hiệp vần vô mà mần, rằng… gả cho trai Thăng Bình/ Tam Kỳ/ Núi Thành… cũng được cả.

Vậy rốt cuộc con trai ở đâu mới là ngon, là đúng ý của bà, của tui?

Có hạn chế, buồn vui, được mất, nhưng tất cả hình như ai cũng sẽ cảm nhận rằng, cuộc náo động khảo cứu địa danh này tự dưng làm sống dậy những tri thức về quê hương, bắt đầu từ tên gọi, hoài niệm, nhớ thương miền đất ông cha xứ Quảng đã tạo dựng trao truyền cho con cháu hôm nay nên phải đêm ngày hì hục tìm tài liệu lịch sử để đọc, để xét.

Rõ là có những cái tên sẽ lặn đi vì nhiều lý do chưa được chọn lên biển đề danh, nhưng trong lòng ta dễ gì phôi pha.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Náo động... một cuộc khảo cứu địa danh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO