Đến thời điểm này, tiến độ nạo vét luồng lạch cửa biển Cửa Đại (Hội An) đã đạt 50%. Tuy nhiên, nhiều ngư dân vẫn lo lắng bởi theo kinh nghiệm của họ, tuyến luồng nạo vét hiện tại khó đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông trong điều kiện sóng to gió lớn.
Các đợt bão lũ năm 2013 khiến cửa biển Cửa Đại bồi lấp nặng, hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân thường xuyên gặp ách tắc khi lưu thông. Vì vậy, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn phương án tối ưu xử lý trước mắt, đồng thời đầu tư kinh phí để nạo vét (giao Sở GTVT làm chủ đầu tư, Công ty CP Quê Hương trúng thầu thi công). Đến nay, tiến độ nạo vét đã đạt khối lượng 50%, nhưng những tàu công suất lớn, từ 500CV trở lên hành nghề đánh bắt xa bờ vẫn chưa thể ra khơi.
Các cơ quan chức năng khảo sát thực địa việc nạo vét luồng cửa biển Cửa Đại. |
Vừa qua, Sở GTVT và Đoạn Quảng lý đường sông Quảng Nam cùng các ban ngành TP.Hội An và ngư dân có kinh nghiệm ở phường Cửa Đại khảo sát lại thực địa nạo vét luồng lạch. Sau khi khảo sát, nhiều ngư dân đề nghị phải nạo vét tuyến luồng phía bắc (bên Hội An) chứ không phải nạo vét tuyến phía nam (bên Duy Xuyên) như hiện nay. Theo nhiều ngư dân, tuyến phía nam chỉ làm tạm thời, có thể lưu thông trong lúc trời yên biển lặng chứ biển động cấp 4 - 5 là tạo sóng lớn, không thể ra khơi. Ông Phạm Sơn, chủ tàu QNa-92189 có công suất 420CV (khối Phước Hải, phường Cửa Đại) nói: “Từ hơn 4 tháng nay, tàu tôi với 10 lao động chưa một lần ra khỏi Cửa Đại. Mới đây tôi cố ra khơi nhưng tới cửa là bị cạn làm tàu hư hỏng nặng, phải nhờ tàu lai dắt vào bờ để sửa chữa”.
Tại cuộc họp để tìm giải pháp, ông Nguyễn Long - cán bộ Phòng Kinh tế Hội An nói, theo phương án ban đầu phê duyệt là nạo vét luồng phía bắc, nhưng tại sao sau này lại đổi phương án nạo vét phía nam? Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Quảng Nam (Sở GTVT) và ông Phan Quang Thêm - cán bộ Đoạn Quản lý đường sông Quảng Nam đều cho rằng, trước đó, bên thi công đã nạo vét luồng phía bắc như ban đầu, nhưng lúc thi công thì tàu bị sóng đánh lên cạn, phải nhờ tàu biên phòng và ngư dân cứu hộ, vì thế phải đổi phương án là thiết kế lại nạo vét phía nam. Theo ông Cao Văn Mua (khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại), nạo vét tuyến lạch cũ phía bắc chỉ mất khoảng 50 - 70m là xong, nạo vét phía nam dài và tốn kém, lại lưu thông không an toàn. “Tuyến phía nam này mà có sóng gió, nếu tàu bè ra vào rất nguy hiểm, dễ mắc cạn. Vì chiều ngang tuyến lạch chỉ có 30m, bằng thân dài của tàu chúng tôi, khi gặp nguy hiểm thì hết đường quay đầu tránh nạn, còn khi gặp nạn sẽ không có tàu bè nào vào đó để cứu hộ cứu nạn được. Trong khi lạch phía bắc rất ngắn, dễ phát hiện cũng như dễ cho công tác cứu hộ cứu nạn lại không thi công? Lạch phía nam dễ bị bồi lấp hơn” - ông Mua nói. Ông Trần Văn Tuấn - Chỉ huy trưởng công trường cũng thừa nhận, sau khi nạo vét gặp sóng lớn luồng lạch đã bồi lại 20 phân.
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết thêm, vì nguồn vốn của tỉnh hạn hẹp, và đây là giai đoạn I, chỉ lưu thông tạm thời. Bộ GTVT đã có chỉ thị, giao cho tỉnh thực hiện giai đoạn I, còn giai đoạn 2 sẽ mời các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu làm tiếp, nguồn vốn do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
MINH HẢI