Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà: Cần tiếng nói chung

HỮU PHÚC 30/05/2013 08:01

Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà đang trong giai đoạn sắp “về đích” nhưng luôn gặp trở ngại, do người dân cản trở thi công làm kéo dài tiến độ thực hiện. Trong khi đó các bên liên quan chưa tìm ra được “tiếng nói chung” để giải quyết.

  • Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà
  • Đánh giá độc lập về mức độ ảnh hưởng khi nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà
  • Người dân lại cản trở triển khai dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà
  • Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà: Người dân tiếp tục cản trở thi công
  • Điều chỉnh công trình nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà
  • Giải quyết dứt điểm tồn đọng trong dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà
Phương tiện nạo vét tại cảng Kỳ Hà. Ảnh: H.PHÚC
Phương tiện nạo vét tại cảng Kỳ Hà. Ảnh: H.PHÚC

Tiếp tục cản trở

Theo kế hoạch, dự án nạo vét luồng lạch vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2, đoạn từ bến số 3 đến bến Tam Hiệp (Núi Thành) hoàn thành vào cuối tháng 3.2013, đáp ứng cho tàu 10.000DWT ra vào. Thế nhưng, 2 tháng qua dự án phải “đứng bánh” do tiếp tục gặp phải sự cản trở thi công của người dân. “Nóng” nhất là thi công lòng sông khu vực xóm Hói (xã Tam Hải, Núi Thành) nằm giữa chợ và bến đò Tam Hải dài 400m.

Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà có tổng mức đầu tư hơn 983 tỷ đồng. Giá trị khối lượng đã thực hiện đến nay hơn 795 tỷ đồng, giá trị khối lượng còn lại hơn 150 tỷ đồng. Có 319 hộ (hộ có rớ  300 hộ, hộ có nhà 19 hộ) bị ảnh hưởng với kinh phí được BT-HT được duyệt gần 34 tỷ đồng. Có 22 hộ được bố trí tái định cư. Ngoài ra, có 20 hộ dù đã phê duyệt phương án BT-HT nhưng không nhận với số tiền 180 triệu đồng.

Tại đây, chỉ cần có tiếng động cơ nạo vét, người dân liền ra cản trở, đem tàu thuyền ra neo đậu giữa luồng. Đây không phải là lần đầu tiên đáy sông Trường Giang “dậy sóng” ở khu vực này. Còn nhớ, năm 2011, sự việc căng thẳng đến mức lãnh đạo tỉnh, huyện nhiều lần đối thoại, ký cam kết rồi huy động lực lượng bảo vệ trong lúc thi công, dự án mới hoàn thành dứt điểm giai đoạn 1. Hầu hết phạm vi bị ảnh hưởng do nạo vét đã được chủ đầu tư thực hiện phương án bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) theo khuôn khổ của dự án đã được duyệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp không đồng ý nhận tiền BT-HT vì cho rằng số tiền thực nhận thấp hơn so với niêm yết ban đầu; nghi ngờ về khả năng tiêu cực của cán bộ làm công tác bồi thường. Người dân không đồng thuận, cản trở thi công do lo ngại việc nạo hút luồng sẽ làm sạt lở bờ sông, hư hại nhà cửa. Trong nhiều cuộc đối thoại, nhân dân cũng bày tỏ mối băn khoăn việc thi công bờ kè Tam Hải dang dở, dừng thi công từ cuối năm 2012 đã gây sạt lở, mất an toàn cho nhân dân và người đi đò. Do đó, một số người đề nghị các đơn vị liên quan phải làm kè chống sạt lở bờ sông trước khi nạo vét lòng sông để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân, nếu không thì phải giải tỏa và bồi thường thỏa đáng để người dân đi nơi khác.

Việc nạo vét luồng lạch vào cảng Kỳ Hà luôn gặp khó khăn do người dân liên tục cản trở. Ảnh: H.PHÚC
Việc nạo vét luồng lạch vào cảng Kỳ Hà luôn gặp khó khăn do người dân liên tục cản trở. Ảnh: H.PHÚC

Quá trình thi công dự án cũng gây sự phản ứng “dây chuyền” của ngư dân chuyên sống bằng nghề chài lưới trên sông. Thực tế, khi thi công nạo vét luồng lạch, nghề đánh bắt thủy sản ít nhiều bị ảnh hưởng. Hiện nay, các thiết bị máy móc của nhà thầu phải nằm chờ nạo vét đoạn từ cảng cá Tam Giang đến bến cảng Trường Hải với khối lượng còn lại 10.000m3. Bởi một số hộ dân xã Tam Giang (Núi Thành) có hơn 80 rớ đáy tại Hàng Vũng và Hàng Cạn không thuộc diện bồi thường, nhưng nằm trong phạm vi bán kính được hỗ trợ đời sống, đã cản trở thi công. Người dân đưa ra yêu cầu Nhà nước cần phải bồi thường trước khi tiếp tục thi công.

Giải thích của chủ đầu tư

Qua nhiều lần đối thoại, chủ đầu tư thừa nhận, việc thi công sẽ có tác động, ảnh hưởng nhất định đến nghề rớ, thả lưới của ngư dân. Do đó, những chính sách, quy định của Nhà nước luôn được chủ đầu tư, chính quyền các cấp thực hiện rất nghiêm túc với tinh thần đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng dự án. Giải tỏa lo ngại việc thi công nạo vét gây sạt lở bờ, hư hại nhà cửa, vật kiến trúc của người dân, ông Võ Văn Hạn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà – Chu Lai (chủ đầu tư) khẳng định, vị trí nạo vét hoàn toàn đảm bảo an toàn (khu vực cách bờ gần nhất hơn 100m). Qua nhiều lần khảo sát phục vụ nghiệm thu và thông báo hàng hải thì mái dốc vẫn giữ nguyên, không bị sạt lở. Tháng 3.2012, UBND huyện Núi Thành thành lập tổ kiểm tra hiện trạng nhà dọc sông Trường Giang từ bến đò đến chợ Tam Hải thì hầu hết nhà cửa đều an toàn, không có sạt lở, sụt lún xảy ra. Phần nứt nẻ chủ yếu là công trình nhà dưới, công trình phụ xây cơi nới lấn chiếm sông, nhà cũ xây lâu năm và các vết nứt thường thấy ở ô cửa...

Tổ kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà cửa với hộ dân sống dọc ven sông Trường Giang.
Tổ kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà cửa với hộ dân sống dọc ven sông Trường Giang.

Về việc người dân bức xúc khi thi công kè bảo vệ dang dở, ông Hạn giải thích: “Khu vực xây dựng kè bảo vệ do cắt mũi Tam Hải để mở rộng tuyến luồng vào cảng không liên quan gì đến khu vực Xóm Hói mà nhân dân đã cản trở thi công (bờ kè này cách Xóm Hói gần 1km). Chính quyền đã vận động, giải thích rõ với bà con. Dự án thi công kè tạm dừng từ cuối năm 2012 là do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngân sách trung ương cấp không đảm bảo để trả nợ khối lượng đã thực hiện cho 2 nhà thầu thi công hạng mục này. Tuy nhiên, dự án sẽ tái khởi động vào giữa năm nay”. Cũng theo chủ đầu tư, vì khó khăn về nguồn vốn, đơn vị nợ các nhà thầu tổng cộng hơn 180 tỷ đồng. Do “nằm chờ” thi công kéo dài, nhà thầu nhiều lần đề nghị được rút thiết bị khỏi công trường nhưng chủ đầu tư chưa đồng ý và đề nghị chờ cấp có thẩm quyền giải quyết để thi công dứt điểm.

Giám sát chặt chẽ thi công

Phóng viên Báo Quảng Nam vừa theo chân tổ công tác kiểm kê hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc của 77 hộ dân Tam Hải sống dọc ven Trường Giang. Tại đây, tổ công tác đã chia ra làm 2 nhóm kiểm tra hiện trạng toàn bộ nhà cửa, lập biên bản mức độ hư hại, xuống cấp của từng trường hợp, lấy thông tin về thời gian xây dựng nhà. Theo nhiệm vụ được giao, tổ công tác chỉ điều tra, khảo sát về hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc hư hỏng chứ không có thẩm quyền phân tích, kết luận nguyên nhân xuống cấp nhà cửa. Theo quan sát của phóng viên, rất nhiều ngôi nhà sống dọc ven sông Trường Giang thuộc thôn Đông Tuần (xã Tam Hải) đã nứt nẻ, sụt lún do xây dựng quá lâu. Một số ngôi nhà mới xây, mảng tường cũng có vết nứt. Đa số người dân đồng tình ủng hộ tiếp tục triển khai dự án. Ông Phạm Ngọc Lưu (thôn Đông Tuần) nói: “Là người dân, tôi rất ủng hộ nạo vét luồng. Tường nhà dù có nứt nẻ nhưng tôi không thể đổ lỗi cho đơn vị thi công được, trong khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Điều làm tôi bức xúc là mấy ông thi công ẩu làm đứt rớ quay nhưng chưa đền bù tài sản cho dân”. Khi nghe ông Lưu trình bày, ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà – Chu Lai quả quyết: “Thi công như vậy là thiếu trách nhiệm, tôi sẽ yêu cầu bồi thường tài sản chính đáng này”. Đến kiểm tra hiện trạng nhà bếp, vệ sinh của hộ ông Võ Bảo (thôn Đông Tuần) nằm trên mép sông, tổ công tác ghi nhận, các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Vết nứt dài hơn 2,7m, sụt lún nặng khiến gia đình nơm nớp lo âu.

Theo chủ đầu tư, trước đây ngành chức năng đã kiểm tra hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc của người dân ven sông, lần này lại tiếp tục kiểm tra để khẳng định trách nhiệm, tôn trọng bức xúc của nhân dân. Dự kiến, nhà thầu sẽ nạo vét trở lại vào ngày 3.6 tới, kéo dài trong vòng 15 ngày. Chủ đầu tư cam kết sẽ giám sát việc tổ chức thi công đảm bảo theo đúng thiết kế được duyệt, không làm sạt lở bờ, không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của bà con nhân dân và đảm bảo các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà: Cần tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO