Nấu ăn lưu động: Ai bảo đảm vệ sinh thực phẩm?

CHIÊU THỤC ANH 29/10/2014 09:08

Khi các dịch vụ nấu ăn lưu động phát triển ngày càng nhiều thì yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của người tiêu dùng càng cao. Tuy nhiên quản lý chất lượng ATVSTP của dịch vụ này lại gặp khó.
Không quan tâm

Trong vai người đi tìm dịch vụ nấu ăn lưu động để đặt tiệc, chúng tôi tìm đến cơ sở nấu ăn của chị Trần Thị X. (thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Sau khi chốt giá, tìm món ăn… tôi đề nghị được xem giấy tờ liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm. Chị X. ban đầu hơi ngạc nhiên rồi cũng nhanh chóng lấy giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP do Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cấp năm 2014. Chị X. bảo: “Bao nhiêu năm đi nấu ăn đám tiệc, người thuê nấu khá nhiều nhưng chưa khi nào có người yêu cầu giấy chứng nhận tập huấn kiến thức để họ an tâm đâu nghe”.

Với quy định bếp ăn hơn 30 người phải lưu mẫu nhưng gần như dịch vụ nấu ăn lưu động bỏ qua khâu quan trọng này. Ảnh: C.T.A
Với quy định bếp ăn hơn 30 người phải lưu mẫu nhưng gần như dịch vụ nấu ăn lưu động bỏ qua khâu quan trọng này. Ảnh: C.T.A

Hầu như người có nhu cầu muốn thuê nấu ăn đám tiệc, dù tiệc lớn hay nhỏ cũng chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng món ăn chứ gần như bỏ qua khâu quan trọng nhất là được đảm bảo ATVSTP. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn 6, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), nói: “Tôi thấy dịch vụ này rất tiện lợi khi được lo từ đầu đến cuối kể cả khâu dọn dẹp mà giá cả lại vừa phải so với việc phải huy động người nấu một bữa tiệc lớn”. Khi được hỏi có quan tâm đến vấn đề ATVSTP mỗi khi thuê dịch vụ không, bà Lan cho rằng, không biết ở thành thị thế nào chứ ở nông thôn, vấn đề quan tâm đầu tiên là nấu ăn ngon hay dở, rẻ hay mắc. Vả lại, ở nông thôn, các dịch vụ được thuê thường là chỗ quen biết, chưa từng xảy ra vấn đề gì đáng tiếc. “Chắc chẳng có vấn đề gì đâu. Ở thành thị mới lo gà, vịt dịch bệnh, thịt heo thịt bò nuôi bằng bột không ngon chứ ở nhà quê, gà bắt trong vườn giao cho người nấu thì lo lắng gì chứ” - chị Ngô Thị Phước (cũng ở thôn 6, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), góp thêm ý.

Khó quản lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng ATVSTP tỉnh, nói: “Tỉnh chưa có con số thống kê chính thức bao nhiêu cơ sở nấu ăn lưu động đang hoạt động nhưng theo tôi thì con số này phải tính đơn vị hàng trăm trở lên bởi đơn cử huyện Phú Ninh không đã gần 60 cơ sở. Hiện Chi cục ATVSTP đang triển khai kế hoạch rà soát cơ sở nấu ăn lưu động và có những biện pháp kịp thời nhằm chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo về ATVSTP tại những cơ sở nấu ăn lưu động này”.

Theo quan sát thực tế của chúng tôi tại vài cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động, tình trạng bảo quản dụng cụ nấu ăn, chén bát không được chú trọng. Những khay đựng chén dĩa, ly bát để ngay dưới đất, không có nắp đậy, rất dễ bám bụi. Phía trên giăng đầy dây phơi quần áo, khăn trải bàn… Khi được hỏi những dụng cụ này có được rửa lại khi dọn tiệc cho khách hàng không thì đa số ý kiến của người nấu đều chắc chắn “có”. Tuy nhiên, với tính dễ dãi của người dùng ở vùng nông thôn sẽ có rất ít người kiểm tra thao tác này của người làm dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Hạnh - chuyên trách ATVSTP, khoa Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cho rằng: “Năm 2014, trung tâm đã có nhiều đợt kiểm tra một số cơ sở nấu ăn lưu động. Kết quả cũng có nhiều cơ sở rất chú ý đến khâu ATVSTP nhưng cũng có không ít nơi lơ là, nhiều địa điểm không mấy sạch sẽ, chúng tôi kiểm tra không khỏi ái ngại”.

Cũng theo chị Hạnh, năm 2014, Trung tâm Y tế Phú Ninh đã tổ chức hai đợt tập huấn kiến thức ATVSTP để cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, chị Hạnh cũng thừa nhận, các đợt tập huấn, nhiều chị đến đóng tiền lệ phí của lớp tập huấn rồi về chứ không ai chịu ngồi nghe. Thế nên, hầu hết chủ cơ sở nấu ăn lưu động đều không thực hiện đúng nguyên tắc một chiều về ATVSTP theo quy định của Bộ Y tế như khu vực chứa, rửa nguyên liệu; khu vực sơ chế; khu vực nấu nước phân loại thức ăn… Cứ gặp đâu là sơ chế ngay tại đó, dụng cụ dùng thì đụng đâu dùng đó chứ cũng không để ý dụng cụ đó dùng để chứa, cắt thức ăn sống hay chín… Đó là chưa kể, hầu hết dịch vụ nấu ăn lưu động lẫn người thuê nấu không bao giờ lưu ý đến vấn đề lưu mẫu thức ăn phòng khi sự cố đáng tiếc xảy ra. Chị Nguyễn Thị Hạnh – chuyên viên ATVSTP Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, cho biết: “Quy tắc lưu mẫu phải đặt trong hộp thủy tinh hoặc hộp i-nốc khi đựng thức ăn nóng hay vừa nguội. Phía trên hộp phải ghi rõ trọng lượng, số lượng khách ăn, thời gian sử dụng thức ăn. Tuy nhiên, đây là khâu mà đã bị bỏ qua hoàn toàn”. Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, hiện nay cả huyện có 57 cơ sở nấu ăn lưu động đang hoạt động. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều do mới tự phát, chưa đăng ký quản lý…

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nấu ăn lưu động: Ai bảo đảm vệ sinh thực phẩm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO