Cuộc khủng hoảng truyền thông đối với “sự kiện Formosa” chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ thông tin ban đầu với hiện tượng cá chết đến việc rò rỉ nguyên nhân gây ô nhiễm qua phát biểu của ông Chu Xuân Phàm (chọn cá hay chọn nhà máy thép), đến việc điều tra buộc Formosa nhận lỗi, rồi bây giờ là chuyện chôn lấp chất thải bừa bãi. Nhìn lại cuộc khủng hoảng đó, nổi lên một chuyện là nhiều thời điểm Formosa đã tìm cách né tránh báo chí. Các cơ quan quản lý cũng né báo chí nên có cuộc họp báo “lịch sử” diễn ra cực ngắn, những trả lời vòng vo và “vạ miệng” liên tiếp. Mấy hôm nay thì báo chí tìm cách tiếp cận ông Võ Kim Cự - nguyên Trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh trước đây, để hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để Formosa có nhiều vi phạm trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên, ông Cự có biểu hiện né tránh, lần lữa hẹn hò, khiến thông tin báo chí đẩy vấn đề nóng đến nghị trường Quốc hội.
Đây không phải là lần đầu mới xảy ra chuyện khủng hoảng truyền thông liên quan đến doanh nghiệp, hay tổ chức. Kể gần đây đã nổi lên nhiều vụ cũng “kinh thiên động địa” là chuyện của bánh Kinh Đô hay trà Dr.Thanh. Từ con ruồi trong chai nước trà Dr.Thanh, tập đoàn Tân Hiệp Phát đã phải loay hoay né tránh, chống đỡ, dù cuối cùng được xem là người “bị hại” nhưng lại đối mặt với nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng vì thiếu sự cầu thị từ đầu, thiếu sự nhân văn trong xử lý khủng hoảng. Hay quy trình sản xuất bánh Kinh Đô bị báo chí cho là không an toàn vệ sinh, nhưng Kinh Đô vẫn né tránh báo chí và giữ thái độ im lặng. Hậu quả là sản phẩm bị ế ẩm, hình ảnh chiếc bánh Kinh Đô không còn được người tiêu dùng tin tưởng như trước nữa.
Đơn cử vài vụ như trên cho thấy bất cứ doanh nghiệp, hay cơ quan, tổ chức nào muốn hoạt động bền vững đều phải biết quản trị truyền thông, xử lý khủng hoảng. Bởi khủng hoảng truyền thông có thể bắt nguồn từ bất kỳ sự kiện ngoài ý muốn nào mang mối đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của công ty và /hoặc niềm tin của các bên liên quan. Sự kiện có thể là một hành động vi phạm lòng tin, một sự thay đổi trong môi trường cạnh tranh, cáo buộc bởi các nhân viên hoặc những người khác, một nghị định đột ngột của chính phủ, lỗ hổng trong sản phẩm, hoặc bất kỳ tác động tiêu cực nào khác. Như vậy, có thể từ một vụ việc nhỏ làm bùng lên đám cháy lớn vì không xử lý được khủng hoảng truyền thông. Các chuyên gia nói rằng, 90% nguyên nhân biến vụ việc thành cuộc khủng hoảng truyền thông hay không phụ thuộc vào cách phản ứng với vấn đề đó và 75% các “sự kiện” dẫn đến khủng hoảng truyền thông lại diễn ra từ bên trong đối tượng gây ra.
Trong mọi cuộc khủng hoảng, thông tin luôn là yếu tố quyết định. Việc quản lý thông tin và cách thức công bố thông tin tới công chúng và báo giới trong nhiều trường hợp có khả năng quyết định kết quả việc xử lý khủng hoảng truyền thông. Bưng bít thông tin, né tránh nhà báo đều không phải là cách hay, thậm chí gây hiệu ứng ngược. Một quy luật của thông tin là khi bị bưng bít nó sẽ âm ỉ rồi bùng phát mạnh hơn. Nhà báo có nhiều cách thức lấy thông tin, ngay cả khi bị từ chối phỏng vấn thì sự im lặng cũng đã là câu trả lời làm cho vụ việc diễn biến theo tình huống tiêu cực. Thêm nữa, nếu không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thì sẽ tạo mảnh đất màu mỡ sinh sôi những suy đoán vô căn cứ và tin đồn lan ra. Nếu người có trách nhiệm phát ngôn về một vấn đề trong phạm vi anh ta có thẩm quyền mà xuất hiện với hình ảnh như đang che giấu một điều gì đó, càng khiến cho mức độ khủng hoảng trầm trọng hơn.
Vì vậy, dư luận hoan nghênh với cách mà lãnh đạo tỉnh và bộ ngành liên quan trung ương đã nhanh chóng vào cuộc để nắm bắt thông tin, xử lý vụ phá rừng pơ mu đang nóng sốt. Điều đó giúp cho các nhà báo tiếp cận thông tin nhiều chiều, đa dạng và cập nhật. Tuy nhiên, rất mong rồi đây sẽ có cuộc họp báo để thông tin hệ thống, đầy đủ, nhất là khi có kết quả xử lý. Làm được như thế thì những nghi vấn chung quanh vụ việc này mới được giải tỏa rốt ráo, uy tín của cơ quan công quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật mới được củng cố.
Không quá khó để tìm cách xử lý khủng hoảng truyền thông, tài liệu đầy rẫy trên mạng và bài học nhãn tiền cũng vô số. Vậy thì vì sao nhiều người vẫn né nhà báo?
ĐĂNG QUANG