Ném đá... luận án

PHAN VĂN MINH 22/10/2017 07:13

Những ngày gần đây, trên truyền thông đang diễn ra những cuộc “cãi cọ” khá sôi nổi về một luận án tiến sĩ vừa được bảo vệ và chấp nhận ở Viện Văn hóa Nghệ thuật. Trên một số tờ báo chính thống, phần lớn giới học giả và giới chuyên môn về mỹ thuật đều tỏ ý bênh vực. Ngược lại, trên hầu khắp trang mạng xã hội thì cái luận án này lại bị “ném đá” tơi bời. Nhân đà này, nhiều luận án khác cũng bị vạ lây, thậm chí có những “tổng luận” khá gay gắt và bi hài về giá trị của học vị, học hàm hiện nay ở xứ ta.

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Thử sục sạo tìm hiểu xem sao thì mới vỡ lẽ ra là cuộc bàn cãi dường như bắt đầu từ cái tiêu đề của luận án: “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam”. Quả thật đọc qua từng câu chữ, có cảm giác như cái tiêu đề này có vẻ “con cò be bé” thế nào ấy. Nhiều câu hỏi nảy sinh có nội hàm đại loại như: Luận án tiến sĩ mà đơn giản như một bài báo vậy sao? Một luận án như thế sẽ mang lại lợi ích gì cho nhân quần xã tắc? Tại sao phải giới hạn từ 2005 - 2015?... Có lẽ trong cách hình dung của chúng ta, một vị tiến sĩ phải là người có sở học “thông kim bác cổ” như các… cụ Trạng ngày xưa, hay ít ra cũng thuộc loại “của hiếm” như những người đã từng được vinh danh trên bia đá bảng vàng ở Văn miếu thời phong kiến.

Điều này có thể hiểu được bởi trong suốt gần 5 thế kỷ, từ khoa thi năm 1442 ở triều Lê cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 ở triều Nguyễn, trên 114 tấm bia đá ở Văn miếu Thăng Long và Văn miếu Huế chỉ ghi nhận có 1.600 tiến sĩ, tính bình quân mỗi năm chỉ có hơn 3 người giành được học vị này. Ngay cả giai đoạn từ 1954 đến 1975 ở cả hai miền nam - bắc, số người có bằng tiến sĩ cũng rất hiếm hoi mà hầu hết đều phải học tập, nghiên cứu và bảo vệ luận án ở nước ngoài, nhất là đối với các ngành khoa học - công nghệ. Những vị này phần lớn đều tham gia giảng dạy ở các trường đại học. Trong từng ngành khoa học, họ là những cánh chim đầu đàn, là “thầy của các thầy” nên rất nổi tiếng và được học giới ngưỡng mộ. Chẳng hạn ở miền Nam, đó là các vị tiến sĩ từ Mỹ hoặc Tây Âu trở về như Chu Phạm Ngọc Sơn (Vật lý), Lê Văn Thới (Hóa học), Phạm Hoàng Hộ (Thực vật học), Trần Kim Thạch (Địa chất học)… Còn ở miền Bắc, trong 29 vị giáo sư được phong hàm lần đầu tiên năm 1976, chỉ có một số ít người có bằng tiến sĩ như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy (Toán học), Nguyễn Văn Huyên (Văn học), Lương Định Của (Nông học)…

Tuy nhiên, kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, nền giáo dục nước ta đã có một cuộc “đại nhảy vọt” về học vị, học hàm. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, đến năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ, trong đó có khoảng 8.500 người đang là giảng viên. Và theo đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, thì trong 10 năm đó, đội ngũ này sẽ được bổ sung thêm 20.000 người nữa, chưa kể số tiến sĩ thuộc biên chế của các ngành nghề khác. Làm vài phép tính sẽ thấy trong vòng 3 năm tới, bình quân chưa đến 2.000 dân sẽ có một vị tiến sĩ. Hình như đó là một con số khiến nhiều người giật mình.

Về mặt số lượng, nước ta có hơn 90 triệu dân thì với năm, sáu vạn tiến sĩ không phải là nhiều. Dân số Mỹ hơn 320 triệu nhưng có đến 3,6 triệu tiến sĩ, chưa kể khoảng 3,4 triệu bằng tiến sĩ chuyên nghiệp, chẳng hạn như bác sĩ - tiến sĩ y khoa, dược sĩ - tiến sĩ dược khoa, luật sư - tiến sĩ luật khoa…, nghĩa là trung bình khoảng 45 người đã có 1 người sở hữu tấm bằng “Ph.D” (Doctor of Philosophy)… Còn theo một số liệu trong cuốn sách “Công nghệ tỷ đô từ những máy in bằng” (Degree Mills: The Billion dollars Industry) của các tác giả John Bear và Allen Ezell thì hàng năm ở Mỹ, bên cạnh khoảng 4 vạn bằng tiến sĩ được cấp bởi các trường đại học chính thống thì cũng có khoảng 5 vạn tấm bằng… “tiến sĩ giấy”  được bán ra khắp thế giới bởi những trường đại học thuộc hạng “Degree Mill”, tức là những cỗ máy in bằng, những học hiệu không được ai công nhận, học hiệu nhái kiểu như USC (University of Southern California) đánh lộn sòng thành CSU (California Southern University) mà một số “nhân sĩ” Việt Nam cũng đang sở hữu.

Còn về quy mô của đề tài, vốn thường được tóm tắt và nhận diện trong tiêu đề luận án tiến sĩ, người viết cũng đồng thuận với nhiều ý kiến khác cho rằng không nhất thiết một luận án phải đề cập những vấn đề to tát. So với vài thế kỷ trước, nền học thuật của nhân loại ngày nay đã phát triển vượt bậc cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong thế kỷ này dường như không còn ai được vinh danh là “nhà bác học” như Aristotle, Archimède, Newton… như trước đây nữa. Khoa học ngày càng chuyên sâu vào các ngõ ngách vi mô nhất của thiên nhiên và xã hội. Ngay cả Einstein khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1905 thì cái đề tài nghe cũng rất… gọn nhẹ: “Một cách mới xác định kích thước phân tử”. Còn “Thuyết tương đối hẹp” hay công thức làm đảo lộn thế giới  E = mC2  chỉ là những phát kiến sau này.

Vậy thì trước hàng triệu luận án đã ra đời mỗi năm trên thế giới, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngày nay chỉ có thể giới hạn đề tài của mình trong những không gian hẹp, càng hẹp càng có cơ hội thành công và nhất là không phải “đụng hàng”.

Vấn đề chúng ta nên quan tâm là một luận án khi đã được công bố có đóng góp được gì cho kinh tế - xã hội hay không. Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ cần có những đề tài đại loại như “Biện pháp tăng năng suất cho cây thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam”, hay “Giải pháp cho trái bí đao ở huyện Duy Xuyên đừng rớt giá”… thì đã là công lớn của nền học thuật nước nhà đó rồi, cần chi phải đao to búa lớn?

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ném đá... luận án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO