Ở vùng nông thôn xứ Quảng, trên bàn thờ ngày tết, ngoài các loại bánh truyền thống như bánh tét, bánh tổ, bánh in, trái cây thì còn có một đĩa nem gói bằng lá chuối xanh, cột bằng lạt tre trông rất đẹp mắt được đặt cạnh bên chai rượu gạo, rượu nếp.
Nguyên liệu để gói nem cũng rất đơn giản, dễ làm gồm thịt heo nạc thường lấy từ thịt đùi heo, sau đó rửa thịt sạch qua nước đun sôi để ấm, tiếp đến để thịt ráo nước, xắt lát nhỏ, dùng muối hầm, tỏi và hạt tiêu giã nhỏ để gia vị cho vừa (không nên cho nước mắm vào vì như vậy nem gói không để được lâu). Trộn đều gia vị vào thịt và ướp khoảng một tiếng đồng hồ là tiến hành gói nem (nếu muốn nem có hương vị của riềng, thì dùng 1-2 củ riềng cạo sạch vỏ và giã nhỏ cho vào thịt để ướp cho thấm). Việc cho gia vị cần phải ước lượng chính xác nếu cho ít muối thì nem sẽ lạt và mau chua, không ngon, không để được lâu, còn gia vị mặn thì nem không ngon.
Dùng lá chuối xanh phơi cho hơi héo lá, hoặc hơ lá qua lửa để lá không rách, sau đó lau sạch lá, và cắt (vanh) lá thành hình tròn như chiếc bánh tráng gạo. Cách thức gói thông thường để nem có thêm hương vị thơm thì ta dùng lá ổi, hoặc chọn lá chanh to để gói nem trước, sau đó gói bằng lá chuối xanh và buộc nem bằng lạt được chẻ ra từ cây giang hoặc cây tre, trúc. Có thể gói nem to hoặc nhỏ theo hình chữ nhật hoặc hình vuông là do ý tưởng của từng gia đình, nhưng không nên gói to, vì khi nướng nem khó chín (1kg thịt nạc nên gói chừng ba chục nem). Nem sau khi gói xong được xâu lại thành chùm và treo nơi thoáng mát, không nên để tủ lạnh.
Trong dịp tết và ngày xuân khi có khách đến thắp hương gia tiên, mừng tuổi ông bà, sau đó chúc phúc gia đình năm mới, chủ nhà chế trà mời khách; nếu khách là nam giới, người trong gia đình nhanh chóng xuống bếp nướng mấy cái nem nóng hổi, thơm lừng cùng với cái bánh tráng gạo nướng giòn tan. Vài ly rượu gạo hoặc rượu nếp được rót. Chủ - khách hàn huyên, ngày xuân sum vầy.
VÕ VĂN THỌ