Văn hóa - Văn nghệ

Nên dán nhãn độ tuổi cho sách?

LÊ QUÂN 19/05/2024 08:14

Liệu có nên dán nhãn, phân loại độ tuổi sách dành cho độc giả? Câu chuyện được đặt ra khi thị trường sách xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm văn học gây tranh cãi.

mot-thoang-ta-ruc-ro-o-nhan-gian-pdf.jpeg
Ấn phẩm “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” gây tranh cãi khi học sinh phổ thông tìm đọc. Ảnh: Minh họa

“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” (bản tiếng Anh: On Earth We’re Briefly Gorgeous) của Ocean Vuong - tác giả người Mỹ gốc Việt vừa xuất hiện tại Việt Nam hồi đầu tháng 5 đã gây tranh cãi. Lý do, vì tác phẩm có nhiều chi tiết về giới tính, tình dục và được một trường phổ thông quốc tế chọn làm sách tham khảo.

Việc dán nhãn cho sách thực tế đã có nhiều quy định liên quan. Cụ thể, ở Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT quy định việc cảnh báo nội dung cho sách. Trong đó quy định xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4.

Thông tư cũng chia đối tượng ra ba lứa tuổi khác nhau là: trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và trẻ em từ 11 đến 16 tuổi. Đồng thời các tiêu chí cụ thể cũng được đặt ra cho xuất bản phẩm như: chính xác về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, đề cao tình yêu dân tộc, phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, bồi dưỡng tâm hồn và phù hợp với mức độ trưởng thành của trẻ.

Thông tư này còn quy định với xuất bản phẩm dành cho trẻ em của tác giả nước ngoài cũng cần đảm bảo các yếu tố trên. Trong khi đó, Luật Xuất bản năm 2012 quy định rằng nội dung liên quan truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục đều bị cấm xuất bản. Điều khoản này cũng áp dụng với tác phẩm của tác giả trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật mới chỉ quy định về phân loại đối tượng, chưa đề cập các nhóm nội dung của từng đối tượng. Thực tế, không thể so sánh lĩnh vực xuất bản sách và điện ảnh về chuyện dán nhãn độ tuổi cho tác phẩm. Nếu một bộ phim ra rạp được thông báo về độ tuổi xem phim và được giám sát quản lý, thì việc dán nhãn độ tuổi cho sách thực ra chỉ mang tính cảnh báo. Nó hoàn toàn không thể ngăn cản một đứa trẻ mới lớn đọc tác phẩm được dán nhãn 18+.

Tại Việt Nam, dán nhãn độ tuổi cho các ấn phẩm lâu nay vẫn do nhà xuất bản quyết định. Và việc phân loại độ tuổi vẫn chỉ dựa trên tiêu chí của từng dòng sách. Do vậy, quyết định chọn sách cho người chưa trưởng thành, vẫn cần thiết có sự định hướng từ người lớn, đặc biệt là cha mẹ, thầy cô.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nên dán nhãn độ tuổi cho sách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO