Chương X của Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung 3 điều 120, 121 và 122 hoàn toàn mới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Điều 120 quy định vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp chưa rõ ràng và còn chung chung...
|
Các đại biểu tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.Ảnh: VINH ANH |
Ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, hiện nay định chế về “Tòa án Hiến pháp” là một vấn đề mà trong cuộc sống đang xảy ra rất phức tạp. Tình trạng vi phạm Hiến pháp (vi hiến) theo các luật gia có hai dạng, đó là “bất hành vi vi hiến” và “hành vi vi hiến”. Đối với dạng “bất hành vi vi hiến”, Hiến pháp có quy định nhưng lại không ra luật. Ông Lai dẫn chứng: “Về quyền công dân, Hiến pháp quy định công dân có quyền biểu tình nhưng lại không có luật biểu tình trong Hiến pháp. Đó là “bất hành vi vi hiến”. “Hành vi vi hiến” tức là có Hiến pháp, có luật nhưng làm trái. Ví dụ, về quyền công dân tự do cư trú, có Luật Cư trú nhưng nhiều địa phương quy định quản lý hộ khẩu, giới hạn cư trú, và bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Hay như Luật Giáo dục quy định tất cả bằng cấp như nhau nhưng một số địa phương không công nhận hệ đào tạo tại chức...”. Để minh chứng rõ hơn, ông Lai nêu điển hình chuyện lâu nay TP.Đà Nẵng “tranh cãi” với Bộ Tư pháp về vấn đề cư trú. Bộ Tư pháp thì bác bỏ nghị quyết của HĐND TP.Đà Nẵng và cho là nghị quyết đó trái luật, nhưng TP.Đà Nẵng lại cho rằng HĐND có thẩm quyền nhất định trong quy hoạch, quản lý giới hạn phát triển của thành phố.
Theo ông Lai, nếu như ta có Tòa án Hiến pháp thì những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết. Tổ chức này không nằm trong hệ thống tòa án, không thuộc tòa án nào cả. Đó phải là một tòa án độc lập và chuyên xử lý các vấn đề về vi phạm Hiến pháp. “Bây giờ trên thế giới, các nước tiên tiến đều có tổ chức, định chế này, nhưng ở Việt Nam vẫn bàn cãi miết, không biết vì sao mình không đặt vấn đề này ra. Do đó mới có việc dưới địa phương với các cơ quan trung ương, giữa chỗ này với chỗ kia tranh cãi một vấn đề mà không có nơi nào có thể đứng ra giải quyết” - ông Lai nói.
Ông Đặng Văn Đào - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nói, Hội đồng Hiến pháp là tổ chức có chức năng bảo hiến và trong dự thảo sửa đổi có quy định cơ chế bảo hiến. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là bảo hiến mà dự thảo chỉ ghi 2 từ “kiến nghị” và “yêu cầu”. Cơ chế này rất khó; bởi nếu các cơ quan liên quan không thực hiện các “kiến nghị”, “yêu cầu” thì sao?
Do vậy, theo ông Đào nên “đình chỉ các văn bản vi hiến thì mới đảm bảo Hội đồng Hiến pháp là một cơ quan có chức năng bảo vệ Hiến pháp”.
VINH ANH