Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được nhân dân đánh giá có nhiều điểm tiến bộ trong cách trình bày lẫn nội dung, đặc biệt là việc bổ sung quy định riêng về quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến mong muốn 2 quyền này được quy định rõ ràng hơn.
|
Các đại biểu góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: VINH ANH |
Ông Đặng Văn Đào - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhận xét, chương II trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ của công dân có 37 điều (từ Điều 15 đến Điều 52) là mới và cụ thể hơn Hiến pháp cũ. Tuy nhiên giữa các quyền công dân, quyền con người vẫn còn chung chung, chưa thực cụ thể, rõ ràng và chưa phù hợp. Theo ông Đào, mặc dù quyền công dân, quyền con người trong Dự thảo đã cơ cấu lại so với Hiến pháp hiện nay nhưng đọc vẫn thấy khó hiểu. Vì vậy, chương II của Dự thảo nên ghi một điều như sau: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật”. Sau đó các điều trong chương II nên sắp xếp và cơ cấu lại theo thứ tự các nhóm quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ công dân, như vậy mới phù hợp.
Nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, điểm mới của Dự thảo Hiến pháp là đã tách bạch giữa quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên sự phân biệt chưa thật sự rõ ràng. Ở Khoản 2, Điều 15, việc diễn đạt còn mơ hồ khiến các quy định của Hiến pháp có thể bị vận dụng theo ý kiến chủ quan làm hạn chế quyền con người và quyền công dân. Theo đó, nên bỏ đoạn “trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng” và chỉ giữ lại các ý đầu: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia”. Bởi, nếu để vế sau thì phạm vi áp dụng quá rộng, rất dễ dẫn đến lạm quyền và quyền công dân, quyền con người có thể bị hạn chế bất cứ lúc nào.
Điều 22 cần bổ sung để rõ ràng hơn Nhiều ý kiến cho rằng, tại Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71) đã bỏ mất một ý quan trọng của Điều 71 (cũ), đó là: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Một số ý kiến đề nghị nên khôi phục lại nội dung này, nếu không, quyền con người sẽ bị vi phạm, bất kỳ ai cũng có thể “bị bắt” mà không cần lý do, như thế thì công dân sẽ không được bảo vệ. Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh góp ý: “Ở Khoản 3, Điều 22 chưa đầy đủ, đòi hỏi Dự thảo Hiến pháp cần bổ sung thêm để cụ thể hơn, nếu không có thể sẽ xảy ra những hậu quả không mong muốn. Theo tôi, ở cuối Khoản 3 cần phải thêm vào một cụm từ rất quan trọng để hoàn chỉnh thành phải giải thích cho người đó rõ và được người đó đồng ý”. Ông Mười lý giải: “Khi y học, dược học hay một ngành khoa học nào khác muốn thử nghiệm trên cơ thể người, cần phải giải thích rõ cho người được thử nghiệm hiểu: thử nghiệm cái gì, tác dụng, tác hại của nó như thế nào. Khi người được thử nghiệm đồng ý mới được tiến hành, chứ nếu thử nghiệm mà không giải thích, như vậy lừa họ thì sao?”. Ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cũng cho rằng Khoản 3, Điều 22 quy định như vậy là quá thả lỏng cần thiết phải thêm cụm từ “không trái pháp luật và đạo đức xã hội” vào sau cùng. |
Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71) 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. 2. Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người. 3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó đồng ý. |
VINH ANH