Xem văn hóa là nền tảng để phát triển, Đại Lộc đã và đang từng bước nâng chất lượng các phong trào văn hóa, chú trọng kiện toàn thiết chế văn hóa từ huyện tới cơ sở, tích cực trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia…
Hội đua thuyền tổ chức tại Đại Lộc. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Nhiều năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Đại Lộc có sự chuyển biến tích cực, với nhiều mô hình triển khai được nhân dân hưởng ứng thực hiện như “Gia đình văn hóa”, “Tộc họ văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Cơ quan văn hóa”. Đặc biệt, năm 2016 Huyện ủy Đại Lộc ban hành Thông tri số 03-TT/HU về việc tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện.
Sôi nổi các phong trào
Ông Phan Vân Trình - Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết, trong xây dựng “Gia đình văn hóa”, mỗi địa phương sẽ có những mô hình, cách thức xây dựng đa dạng, phong phú phù hợp như câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Làm mẹ an toàn, con khỏe con ngoan”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Gia đình không có con vi phạm pháp luật”… Năm 2016, toàn huyện có 35.434 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 89,20%), đến năm 2017 này tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa tăng lên thành 91,11%. “Để phong trào đi vào chiều sâu, chúng tôi luôn chú trọng công tác tuyên truyền. Hàng năm, huyện tổ chức lồng ghép truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình trong các hoạt động, cuộc thi văn nghệ, tìm hiểu kiến thức nhân dịp lễ, kỷ niệm, nhất là các ngày Quốc tế hạnh phúc, Gia đình Việt Nam, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” - ông Trình nói.
Trong xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, năm 2017 toàn huyện Đại Lộc có 88,75% số thôn, khu phố đạt chuẩn trong 160 thôn, khu phố đăng ký thực hiện. Tại nhiều khu dân cư, nhờ việc triển khai lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các mô hình “Khu dân cư văn hóa”, “5 đoàn kết, 3 trong sạch”, “Ánh sáng đường làng”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Tộc họ văn hóa”, “Xã văn hóa”… nên hiệu quả phong trào đem lại khá rõ. Nổi bật là thôn Tích Phú (xã Đại Hiệp) và khu dân cư Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa) có 15 năm liền đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Thôn Tích Phú có 325 hộ, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,59%, bình quân thu nhập đầu người hơn 30 triệu đồng/năm. “Điểm nổi trội nhất của Tích Phú là nhiều năm không xảy ra điểm nóng về tội phạm, nhờ mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã phát huy hiệu quả trong cộng đồng. Riêng trong năm 2017, Tổ hòa giải của thôn đã hòa giải thành công 4 vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan tới đất đai, không để vấn đề trở thành phức tạp” - ông Nguyễn Văn Đa, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn chia sẻ. Cũng như thôn Tích Phú, khu dân cư Hoán Mỹ nhiều năm không có điểm nóng về tội phạm, không có tụ điểm ma túy. Ông Huỳnh Hữu Thìn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư Hoán Mỹ chia sẻ, Hoán Mỹ có thành tích đó là nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các mô hình an ninh - trật tự trên địa bàn; bên cạnh đó là sự sát sao, làm tốt công tác tuyên truyền của đảng viên được giao nhiệm vụ bám trụ các tổ đoàn kết…
Kiện toàn thiết chế văn hóa
Trên địa bàn huyện Đại Lộc có 23 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó di tích Chiến thắng Thượng Đức và Địa đạo Phú An - Phú Xuân được công nhận Di tích cấp quốc gia. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được nâng cấp, xây mới, bảo tồn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Toàn huyện có 157 nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khu phố, 53 bia tưởng niệm, hơn 150 sân bóng chuyền trong khu văn hóa, hơn 30 vườn hoa cây cảnh, 17 phòng đọc sách, 16 đình làng, 4 dinh… là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Năm 2017, có hai thiết chế văn hóa được huyện, tỉnh đầu tư là công trình nâng cấp Nhà lưu niệm Đảng bộ huyện (kinh phí 4 tỷ đồng) và công trình nâng cấp một số hạng mục tại Đền tưởng niệm Trường An (hơn 15 tỷ đồng). Cùng với đó, giai đoạn 2015-2017, huyện cũng đã xây dựng bia tưởng niệm nơi phát lệnh giải phóng huyện Đại Lộc (tại xã Đại Thắng) và khảo sát, dựng bia tưởng niệm ở một số nơi làm việc của cơ quan Huyện ủy Đại Lộc thời kháng chiến nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc cho biết, công tác trùng tu di tích, kiện toàn thiết chế văn hóa được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện. Ngoài trùng tu, bảo tồn di tích, địa phương còn khôi phục một số lễ hội truyền thống dân gian giàu ý nghĩa như: lễ hội Bà Phường Chào, lễ hội Bà Chúa Ngọc, hội đua thuyền. Huyện cũng đã xây dựng hồ sơ trình Sở VH-TT&DL đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di tích phi vật thể cấp quốc gia đối với Đình làng Phiếm Ái, nơi gắn với phong trào chống sưu thuế tại Đại Lộc; đồng thời đầu tư hơn 1 tỷ đồng giải tỏa, bồi thường tiến hành khoanh vùng di tích, sắp đến sẽ xây bia tưởng niệm… “Thực tiễn khẳng định, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, là bộ mặt văn hóa của vùng đất. Huyện đã chỉ đạo các địa phương phải sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa; bên cạnh nguồn ngân sách, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo, xây mới thiết chế văn hóa” - ông Vũ nói.
TRIÊU NHAN