(QNO) - Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 5/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung này.
Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đồng tình với việc cần tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch đô thị, nông thôn để tránh lãng phí chi phí, công sức làm quy hoạch và đặc biệt tránh sự chồng chéo giữa các quy hoạch trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh quy định tại Điều 25 đến Điều 31.
Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, nếu dự thảo luật lựa chọn phương án quy hoạch xây dựng về nhà ở riêng thì cần cân nhắc việc quy định khi “UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng chương trình phát triển nhà ở phải lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND cùng cấp thông qua”, như vậy dễ trùng lắp với các quy hoạch khác đã được phê duyệt và chủ trương của trung ương về phân cấp, phân quyền.
Đại biểu băn khoăn, nếu trường hợp 2 ý kiến này không thống nhất với nhau thì lựa chọn theo ý kiến nào, thẩm quyền quyết định là ai, trường hợp chọn ý kiến của Bộ Xây dựng thì nên để Bộ Xây dựng quyết định, còn nếu ý kiến của Bộ Xây dựng chỉ mang tính chất tham khảo, thì thẩm quyền quyết định của HĐND cùng cấp có trái với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 hay không?
Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhận định dự thảo luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm chưa đầy đủ, bao quát các nội dung nghiêm cấm khi quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư công quy định tại khoản 1, Điều 16 Luật Đầu tư công. Đại biểu đề xuất điều chỉnh quy định này cho thống nhất, đồng bộ giữa các luật.
Đối với quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Nhà ở năm 2014 để tránh tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cho thuê lại kiếm lợi, trong khi nhu cầu của các đối tượng khác là rất cao.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 73), đại biểu Dương Văn Phước cho biết, thực tế nhiều người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng có nhu cầu được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Do đó cần đảm bảo công bằng cho các đối tượng người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội được tiếp cận chính sách này.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (Điều 73) quy định “Hộ gia đình nghèo và cận nghèo” tại khu vực nông thôn; khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; khu vực đô thị đều được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng lại quy định tại 3 khoản của điều luật, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất ban soạn thảo nên lượt bỏ, gộp 3 khoản (2, 3, 4) thành 1 khoản cho điều luật được ngắn gọn, chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ các phương án về xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng để không xảy ra tình trạng các chủ đầu tư đẩy giá nhà ở xã hội tăng lên, gây khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội của người dân, đặc biệt là người lao động trong các khu công nghiệp.
Còn đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) quan tâm về yêu cầu chung đối với phát triển và quản lý, sử dụng nhà tại khoản 4 Điều 7. Theo đó, cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng các khu vực đô thị hoặc khu vực được quy hoạch là đô thị thì việc phát triển nhà ở phải được thực hiện theo dự án trừ các trường hợp là thành viên của hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Mục 5 Chương IV của dự thảo luật.
Đối với quy định về các điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại điểm b Điều 37, đại biểu đề nghị xem xét tính khả thi, đồng bộ với các quy định giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) để thống nhất trong triển khai thực hiện.