(QNO) - Sáng 21.11, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý nhiều nội dung về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Phan Thái Bình thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, những phạm vi ở 3 nhóm vấn đề theo Tờ trình Chính phủ. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo rà soát lại những vấn đề mở rộng thêm phạm vi sửa đổi của dự thảo luật liên quan đến vấn đề lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra cũng như trình tự, quy trình, thủ tục liên quan đến xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về thẩm quyền, trách nhiệm chủ trì, việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị giữ như hiện nay, bởi vì theo ý kiến đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, không cần thay đổi lớn vấn đề này. Thực tiễn trong thời gian qua, khi thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên còn một số vướng mắc, đại biểu Phan Thái Bình đồng tình với nhận định của Chính phủ là vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật; việc phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo có những vấn đề chưa thật sự tốt; trách nhiệm giải trình, tiếp thu chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, dẫn đến một số hạn chế.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, một nguyên tắc hiến định đang bàn đến ở đây khi Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp tức có nhiệm vụ làm luật, nếu Quốc hội không tham gia làm trực tiếp, ít nhất phải có trách nhiệm chủ trì. Như vậy, mới thể hiện đúng vai trò của Quốc hội, để cuối cùng Quốc hội sẽ thông qua. Một vấn đề lâu nay chúng ta bàn về các dự án luật, có những điều luật chưa hợp lý, chưa khả thi thì hay quy kết lỗi này cho cơ quan soạn thảo.
Theo đại biểu Phan Thái Bình, vấn đề trên chỉ đúng một phần, cuối cùng, thông qua hay không thông qua vẫn thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính vì vậy, Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội vẫn là những người chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng. Bởi lẽ, nếu Quốc hội không thông qua sẽ không thể có một dự án luật được, chính vì vậy cần phải phân định rõ để thực hiện đúng vai trò của Quốc hội là làm luật. Phải giữ cho được nguyên tắc này.
Do đó theo đại biểu phương án 2 dự thảo đưa ra là hợp lý nhất. Trong quá trình thực thi, xuất hiện những vướng mắc, bất cập thì tiến hành điều chỉnh trong vai trò phối hợp; qua đó, mới có thể đảm bảo nguyên tắc lập hiến, lập pháp của Quốc hội. Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng nếu chọn phương án 1 (sửa đổi theo hướng giao cho cơ quan chủ trì, cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu) thì không thể gọi Quốc hội có nhiệm vụ làm luật được, khi đó Quốc hội chỉ có nhiệm vụ phê chuẩn luật. Như vậy, sẽ không đảm bảo nguyên tắc hiến định này.
Về trình tự, thủ tục, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất, để giảm thời gian họp Quốc hội, đề nghị đưa vào trong luật. Ngoài 2 kỳ họp thường xuyên hoặc trong tương lai 4 kỳ họp như xuất của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội), trước mỗi kỳ họp toàn thể Quốc hội, nên tổ chức một kỳ họp của đại biểu chuyên trách để có thời gian nghiên cứu và góp ý trước, sau đó trình ra Quốc hội những vấn đề lớn mà còn có nhiều ý kiến khác nhau. Như vậy, sẽ góp phần giảm được thời gian thảo luận tại Quốc hội. Đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sắp xếp lịch họp Quốc hội một cách khoa học, hợp lý theo hướng như sau: bên cạnh thảo luận một dự án luật tại hội trường đều có các phiên thảo luận ở tổ, sau đó mới đưa ra thảo luận tại hội trường.
Qua theo dõi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng rất ít dự án luật sau khi thảo luận ở tổ được tiếp thu, giải trình trước khi thảo luận hội trường. Do vậy, có rất nhiều ý kiến đại biểu phân vân ý kiến đã phát biểu ở tổ rồi, không biết ra hội trường có nên phát biểu lại hay không, nếu phát biểu lại thì trùng lặp mà không phát biểu lại thì không yên tâm ý kiến của mình có được tiếp thu không, có được tổng hợp không. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận ở tổ xong, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra phối hợp để giải trình ngay ý kiến ở tổ, trước khi trình ra hội trường vấn đề nào tiếp thu, vấn đề nào không tiếp thu. Nếu vấn đề nào đã tiếp thu rồi, đại biểu đã phát biểu ở tổ thấy rằng ý kiến của mình đã được tiếp thu thì các đại biểu sẽ không phát biểu lại, sẽ rút ngắn được thời gian thảo luận ở hội trường. Như vậy, phải có bước giải trình, tiếp thu trước khi trình ra hội trường để giảm bớt được ý kiến đã thảo luận ở tổ lại tiếp tục thảo luận ở hội trường, lặp đi lặp lại như vậy sẽ kéo dài thời gian họp.
Trách nhiệm trong tham gia góp ý, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng qua nghiên cứu một số văn bản tham gia góp ý luật, trong dự thảo luật ghi đề nghị Quốc hội, đề nghị các cơ quan liên quan cho ý kiến, trong đó có nhiều dự thảo luật có phương án 1, phương án 2, thậm chí là phương án 3. Nhưng khi đọc văn bản góp ý thì chốt là thống nhất như dự thảo, có nghĩa là thống nhất cả 2 phương án. Đây là vấn đề cần quy định rõ trách nhiệm, khi dự thảo đưa ra 2 phương án mà chốt thống nhất như dự thảo thì không biết thống nhất theo phương án nào. Cho nên cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham gia góp ý cũng như trách nhiệm của các Đoàn đại biểu Quốc hội, của cơ quan soạn thảo luật.
Quy định rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện luật này, quy định thời gian cụ thể phải có dự án, dự thảo luật để gửi cho đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tránh nhiều dự án gửi rất trễ trước kỳ họp 1 đến 2 ngày như hiện nay thì không thể tổ góp ý. Đây là vấn đề cần phải quy định rõ trách nhiệm trong dự thảo luật lần này.