Như ngôi nhà chung che chở bao phận người neo đời con nước, rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) vẫn trọn tình gắn chặt với hạ lưu sông Thu Bồn từ nhiều đời nay. Tại nơi này, người người xuôi ngược mưu sinh, thả trôi chuyện đời mình theo thúng, theo thuyền...
Khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh - Hội An). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Trong nếp nghĩ của người dân sống ở xứ dừa này, ký ức của họ bao giờ cũng gắn chặt với ký ức của những dòng sông. Mỗi phận người với làn da nhăn nheo rám nắng bởi sương gió luôn thoang thoảng mùi lá dừa, quyện với mùi mô hôi thấm nước của sông. “Đời tôi sinh ra trên ghe thuyền, lớn theo từng con nước. Nên chăng, tôi cứ ăn đời ở kiếp nơi đây với con cháu của mình!” - câu nói của cụ Trần Thị Kéo (75 tuổi, thôn Vạn Lăng) dễ khiến người nghe thấy ấm lòng. Nói rồi, cụ Kéo chèo thúng, luồn qua những con rạch nước trong vắt đưa chúng tôi khám phá những rừng dừa xanh mướt. Vừa khua mái chèo, cụ vừa kể chuyện đời mình neo bên đời dừa, đời sông. Từ khi sinh ra, lớn lên, cụ Kéo đã được ông bà kể lại tích rừng dừa Bảy Mẫu. Người ta truyền khẩu với nhau rằng, cây dừa nước được thương lái buôn ghe bầu lấy ở phương Nam mang về Cẩm Thanh cách đây khoảng 200 năm. Theo thời gian, cây dừa sinh trưởng và phát triển mạnh trên sông, rạch thuộc các thôn Vạn Lăng, Thanh Nhứt, Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây. Những năm chiến tranh, cụ Kéo cùng với người dân nơi đây đưa bộ đội men theo bóng rừng dừa lội qua sông. Chiến tranh kết thúc, người người bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Cụ Kéo vẫn ngược xuôi chèo thuyền, chèo thúng đưa khách sang sông. Thi thoảng, cụ lại kéo rớ, mò hến mang về ăn qua bữa.
Cụ Trần Thị Kéo đã gắn bó với rừng dừa Bảy Mẫu hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Như Trang |
“Đời tôi sinh ra trên ghe thuyền, lớn theo từng con nước. Nên chăng, tôi cứ ăn đời ở kiếp nơi đây với con cháu của mình!”.(Cụ Trần Thị Kéo, 75 tuổi, thôn Vạn Lăng, Cẩm Thanh) |
Cũng từ hình ảnh kéo rớ bên sông, nhiều du khách đến Hội An ngỏ ý xin cụ Kéo chèo thúng đưa họ đi khám phá rừng dừa. Mối duyên này khiến cụ nghĩ đến việc nhờ sông, nhờ dừa cưu mang gia đình mình. Ngày qua tháng lại, cụ Kéo cùng 3 người con trai làm thúng đặt dưới sông, khua mái chèo dẫn khách đến tham quan “ốc đảo rừng dừa”. Các nàng dâu của cụ khi đặt chân về xứ này phải học chèo thúng, bởi như lời cụ nói: “Nhỡ đâu tôi già yếu, không còn chèo được nữa. Ở nhà nằm một chỗ cũng có đứa về kể chuyện rừng dừa đưa ra thế giới cho tôi nghe. Rứa cũng đỡ thấy se lòng gác mái chèo!”. Bà Dương Thị Hoa làm dâu cụ Kéo hơn 30 năm nay, từ duyên gặp người đến duyên gặp sông, bà Hoa gắn chặt đời mình với rừng dừa Bảy Mẫu. Học chèo thúng, học cắt lá dừa, học lắng nghe tiếng sóng nước vỗ mạn thúng và cả tiếng ai đó cất lên gọi thuyền. Bà Hoa dường như không thể đếm nổi có bao nhiêu chuyến thuyền ngược xuôi trên sông, chỉ biết rằng mỗi bận ốm đau nằm nhà, bà lại nao nao nhớ chiếc thúng tròn chao nghiêng, nhớ bến và nhớ cả rừng dừa mướt một màu xanh…
2. Học cách làm du lịch của cụ Kéo, người dân cả thôn Vạn Lăng sắm thúng, làm mái chèo để bám trụ với rừng dừa, thắp lên niềm tin rằng: sông sẽ cưu mang đời họ. Vợ chồng ông Huỳnh Nam và bà Nguyễn Thị Thắng tìm về rừng dừa cách đây chừng hơn 10 năm, ngần ấy thời gian đủ để họ quen cuộc sống sông nước bình dị, sắm thuyền thúng chở khách tham quan. Bà Thắng chia sẻ: “Mình làm việc kiếm tiền mưu sinh một phần, phần nhiều vẫn mong muốn du khách tìm đến Hội An và nhớ về ốc đảo bình yên ni. Phải có tâm mới có cách làm du lịch lâu dài và đặc biệt giữ cho rừng dừa mãi xanh tốt!”. Hẳn vì cái tâm cùng lòng yêu quý rừng dừa Bảy Mẫu, bà Thắng luôn định hướng cho con gái của mình là Huỳnh Thị Hằng học tốt ngoại ngữ. Căn nhà nhỏ nằm bên bến sông của bà Thắng bao giờ cũng chộn rộn tiếng cười nói của Tây có, ta có. Ấy là những vị khách do Hằng đưa về nhà trải nghiệm cuộc sống miệt vườn. Hằng nói: “Tôi thường áp dụng những kiến thức học ngoài trường rồi lên kế hoạch cùng những ý tưởng thú vị. Chẳng hạn như đưa khách về nhà tạo không gian cho họ tự nấu nướng, ăn uống và trò chuyện với nhau. Sau đó nhờ ba mẹ chèo thúng đưa họ khám phá rừng dừa”.
Du khách thích thú khi được ngồi trên thúng trải nghiệm vùng sông nước. Ảnh: Như Trang |
Đâu chỉ có người già nặng tình với khúc sông nổi trôi mấy mẫu dừa xanh mướt, rất nhiều thế hệ trẻ lớn lên nghe tiếng sóng vỗ mạn thúng đem lòng yêu bến sông bình yên tự lúc nào. Như vòng tròn của số phận, họ lại tiếp tục cuộc sống của ông bà, cha mẹ lênh đênh trên những chiếc thúng đưa khách khám phá nét đẹp quê hương. Anh Nguyễn Thành Long năm nay 32 tuổi, chèo thúng rất chuyên nghiệp và có tiếng biểu diễn tiết mục xoay thúng giữa dòng sông khiến du khách trầm trồ thán phục. Anh Long cho biết: “Chèo thúng và chèo thuyền đòi hỏi kỹ thuật khác nhau. Chèo thuyền chỉ cần móc dầm theo hướng thẳng, còn thúng thì phải biết liếc dầm qua lại mới đi được, nếu không nó cứ xoay tròn một chỗ. Còn muốn diễn thúng trên nước đòi hỏi phải có sức và kỹ thuật cắm dầm thật sâu xuống mặt nước”. Nhờ “món nghề” diễn xoay thúng, thi thoảng anh Long được khách thưởng thêm tiền và quà mang về cho vợ con. Niềm vui và tiếng cười của khách còn là động lực cho anh tiếp tục neo đời với sông, với rừng dừa.
3. Cũng có biết bao ngư dân miền biển thôi cuộc sống lênh đênh ồn ào sóng dữ tìm về rừng dừa Bảy Mẫu yên bình. Bà Phạm Thị Loan (55 tuổi, ở xã Duy Hải, Duy Xuyên) bỏ nghề đánh bắt cá ở biển đã hơn một năm, đó cũng là ngần ấy thời gian bà bén duyên với nghề chèo thúng đưa khách tham quan rừng dừa. Mỗi vị khách đi thúng với giá 70 nghìn đồng, một ngày đi tầm vài ba chuyến, bà Loan cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Hơn thế, mưu sinh tại “ốc đảo rừng dừa” này, bà Loan học thêm vài thứ tiếng từ những vị khách nước ngoài, tiếng nói, tiếng cười cũng trở nên dễ dàng hơn so với bao tháng ngày nhọc nhằn trên biển. Với bà, rừng dừa Bảy Mẫu đã như một phần quê hương trong nếp nghĩ, cưu mang bà cả những khi trời đầy mưa gió hay oi nồng nắng cháy đến sạm da.
Ở tuổi xế chiều, ít có đôi bạn nào như ông Nguyễn Tuổi và ông Đỗ Đây (thôn Thanh Nhứt) cùng nhau chọn bến sông làm bến đỗ cuối cùng của cuộc đời. Tại nơi này, mỗi người một thúng chia nhau chở khách tham quan. Đôi bàn tay cứng cáp, thô ráp từng căng buồm, kéo lưới bắt cá ngoài biển mặn, nay lại trở nên uyển chuyển, đều nhịp mỗi bận khua mái dầm. Ông Nguyễn Tuổi cười nói: “Mấy năm ni biển động miết, cá tôm cũng chẳng có bao nhiêu. Nên chúng tôi về làm thúng chèo, chở khách đi thế này. Xông pha ngoài biển sóng lâu ngày, giờ về đây thấy yên bình cũng lấy làm thích thú bởi có nhiều cái hay”. Và một trong những cái hay ở rừng dừa có lẽ là cảnh người lái đò gác mái dầm, cắt lá dừa đan cho khách theo đủ các hình thù: hoa hồng, cào cào, nhẫn, đồng hồ hay kính mát… Ở Cẩm Thanh, hễ chỗ nào có mẫu dừa nổi trôi trên sông, thì chỗ ấy, già trẻ, bé choi đều biết đan lá. Họ bảo nhau: “Đứa nào không biết chèo thúng, lại chẳng biết đan lá dừa thì chẳng phải con quê Cẩm Thanh mô!”.
Ngồi trên thúng, nghe những người chèo đò kể chuyện phận mình mà như tâm sự với chính sông. Với họ, dù neo đời với rừng dừa xanh mát này bao lâu, duyên đến khi nào thì tình yêu dành cho sông vẫn nồng nhiệt. Đến nỗi, chưa ai có ý định sẽ rời bỏ thúng, gác mái dầm mà lên bờ. Trong tâm khảm của họ, sông cưu mang đời người, nên chắc chắn sẽ chẳng bao giờ người phụ sông!
Ghi chép của NHƯ TRANG