Neo giữ lòng người

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 20/02/2015 11:17

Cần thức nhận những giá trị độc đáo của đình làng xứ Quảng và bảo tồn, tu bổ loại hình di sản này bằng cách thức  khoa học, hợp lý…

Bảo tồn, trùng tu những ngôi đình cổ là để neo lại hồn người với làng quê xứ sở, mảnh đất ông cha…

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thị Như Hương, trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng hiện còn hơn 90 ngôi đình. Trong số đó có 10 ngôi đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia; 65 ngôi đình là di tích cấp tỉnh. Số lượng đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng ngày trước chắc chắn phải hàng trăm; bởi cách đây 20 năm, người viết bài này trong công việc của ngành bảo tồn bảo tàng, đã bắt gặp nhiều ngôi đình ở làng quê xứ Quảng nhưng đến nay không còn nữa.

Dạo chơi ở đình làng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Dạo chơi ở đình làng. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Giá trị riêng có

Xứ Quảng từng trải qua nhiều cuộc giao lưu tiếp biến văn hóa, mà ngôi đình còn lưu vết tích. Chẳng hạn về không gian kiến trúc, có nhiều đình làng người Việt được xây dựng gần các kiến trúc của người Chăm như các đình Quá Giáng, Bồ Bản (Đà Nẵng), các đình Chiên Đàn, Xuân Mỹ, Hương Quế (Quảng Nam). Ở những nơi này đã phát hiện những hiện vật bằng sa thạch như bệ thờ, thần, thú thiêng cùng các cấu kiện kiến trúc của người Chăm cổ.  

Hành trình tiếp biến không chỉ thể hiện về mặt không gian, kiến trúc mà còn ở văn hóa tín ngưỡng. Khi dân Việt từ phía Bắc vào Nam theo hành trình mở nước, họ mở đất lập làng, dựng đình, nhưng ngoài việc thờ Thành hoàng làng (nam giới) có thêm cả thờ Nữ thần liên quan đến người Chăm bản địa như bà Thiên Y A Na, bà Chúa Ngọc, bà Thu Bồn; hoặc thờ bà Mụ, bà Quán Thế Âm, bà Ngũ hành... Một hình thức thờ cúng khác là các vị tổ nghề như là Thành hoàng làng (nghề mộc, gốm, trồng dâu nuôi tằm, nghề đúc đồng, nghề biển với việc thờ cá ông…) và thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền. Có đình còn thờ tượng Quan Thánh (đình Hương Trà - Tam Kỳ; đình Xuân Mỹ - Hội An). Thú vị là đặc điểm cá biệt của đình Quảng Nam, ngoài chức năng thờ cúng còn có thêm chức năng giải trí như xây dựng thêm nhà võ ca là nơi đấu võ và diễn tuồng (đình Chiên Đàn).

Vì chồng trính con đội (thợ Kim Bồng).
Vì chồng trính con đội (thợ Kim Bồng).

Quan chiêm những ngôi đình xứ Quảng, chúng ta sẽ nhận thấy những giá trị kiến trúc, mỹ thuật in đậm dấu ấn của hai phường thợ mộc chính là Kim Bồng (Cẩm Kim Hội An) và Văn Hà  (Tam Thành, Phú Ninh); có thể tạm gọi là hai “phong cách” kiến trúc. Hầu như các ngôi đình ở Quảng Nam và Đà Nẵng đều do hai phường thợ này xây nên. Điểm nhận biết rõ nhất sự khác nhau giữa hai phường thợ là bộ vì nóc. Đình ở phía bắc Quảng Nam thường do thợ mộc Kim Bồng chế tác với kiểu thức “vì chồng trính con đội/ chồng rường con đội” ảnh hưởng từ kiến trúc của phố cổ Hội An. Đình ở phía nam Quảng Nam do phường thợ mộc Văn Hà với kiểu thức vì kèo phổ biến kết cấu “giao nguyên có con đội”. Ở đây, cũng cần lưu ý là không phải bao giờ đình ở đâu thì cũng đều do người địa phương, phường thợ ở đó xây dựng. Đơn cử trường hợp đình Ngũ xã  Trà Kiệu (Duy Xuyên) do bị hư hỏng trong chiến tranh nên người dân đã mua một khung nhà gỗ ở phía nam theo phong cách của thợ mộc Văn Hà để thay thế. Như vậy, ngôi đình ở phía bắc Quảng Nam nhưng lại mang kiểu thức bộ vì kèo theo phong cách của phường mộc Văn Hà.

Vì kèo giao nguyên có con đội (thợ Văn Hà).Ảnh: N.T.HỶ
Vì kèo giao nguyên có con đội (thợ Văn Hà).Ảnh: N.T.HỶ

Để tìm hiểu về ngôi đình nào lớn nhất xứ Quảng, người ta thường dựa vào cột đình để so sánh. Lớp người cao tuổi thường nhắc câu “nhất La Qua, nhì Thạnh Mỹ, ba Chiên Đàn” chỉ về 3 ngôi đình lớn. Tiếc thay, đình La Qua và đình Thạnh Mỹ đã không còn. Với đình La Qua, trong sân của UBND xã  Điện Minh, Điện Bàn còn lưu dấu vết 16 viên đá dùng để kê cột gỗ. Vết khoét lớn nhất lõm xuống để chân cột “ăn mộng” có đường kính 0,42m. So sánh với cột ở đình Chiên Đàn  0,46m thì nhỏ hơn một tí. Như vậy lời truyền dân gian là hợp lý (hợp với phong cách sử dụng cột dáng mập của người thợ mộc Văn Hà). Còn đình Thạnh Mỹ đã thành phế tích chỉ khai quật mới có thể biết quy mô. Như vậy đến bây giờ, với cột đình có đường kính 0,46m, cao 6,20m, gian giữa rộng 4,60m, tổng thể chiều dài hơn 15m, thì đình Chiên Đàn là ngôi đình lớn nhất.

Thời gian in bóng

Theo TS. Nguyền Hồng Kiên (Những ngôi đình làng thế kỷ 16 ở Việt Nam - luận án tiến sĩ chuyên ngành khảo cổ, 2002), cho biết, ở Bắc miền Trung, đình Hà Thượng (Quảng Trị) được xây dựng sớm – 1690; đình Lại Thế (Huế) - 1747, đình Hải Châu (Đà Nẵng) - 1918. Niên đại có thể đọc được nhờ những thông tin viết bằng chữ Hán ghi mặt dưới cây đòn đông hạ, hay cây xà cò; hoặc dựa vào sắc phong và lời kể của các bậc cao niên trong làng. Nếu không thì những người nghiên cứu có thể khảo sát bố cục mặt bằng ban đầu để biết niên đại dựng đình: dạng chữ Nhất là sớm; kiểu chữ Đinh ngược có hậu tẩm ở phía sau là muộn. Hoặc đế đá kê cột có vết lõm ở giữa cho chân ăn vào là sớm; kết cấu vì nóc, vì kèo là muộn…

Nhiều vị cao tuổi thường quả quyết đình làng của họ được xây dựng từ năm Lê Thánh Tông vào Bình Chiêm (1471). Tuy nhiên, nhiều ngôi đình chúng tôi đến xem xét đo vẽ cho thấy những kiến trúc hiện tồn thường có niên đại vào thời Nguyễn, thế kỷ 19. Nếu kể hàng sớm có lẽ là đình Xuân Mỹ (Hội An) thế kỷ XVII, đình Long Xuyên (Duy Xuyên), năm 1749. Có thể đình làng được dựng từ rất sớm, xa trước những thời đoạn vừa nêu, song chắc chỉ là ngôi đình kiến trúc sơ sài đã không thể nào chống chịu được với thời gian và thiên tai, giặc giã. Chỉ đến khi đứng vững được trên vùng đất, giàu có lên, dân làng mới góp công sức tiền của dựng đình kiên cố hơn, để ngày nay con cháu chúng ta được thừa hưởng một di sản quý báu.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc… của đình làng xứ Quảng, thiển nghĩ việc bảo tồn những ngôi đình còn sót lại là cấp thiết. Tuy nhiên, trong bảo tồn, phục dựng, trùng tu những ngôi đình cần chú ý về giá trị nguyên gốc. Một kỷ niệm buồn với đình Thanh Quýt (Điện Thắng Nam, Điện Bàn), khi phục dựng các cụ đã đồng ý cho  thợ phun  PU bóng lên cấu kiện gỗ. May mắn là đã ngăn kịp thời. Nhưng những giá trị về yếu tố gốc, những giá trị mang tính chân xác khi đo vẽ làm hồ sơ di tích đã bị thay đổi sau lần trùng tu. Nhiều vật liệu mới như cột bê tông giả gỗ, cột bị nâng lên đã làm thay đổi các yếu tố gốc, tỷ lệ của kiến trúc. Nhìn chung, ngôi đình nào càng nhiều lần tu bổ, càng bị biến đổi nếu không có những người chuyên ngành tham gia và thiếu sự cẩn trọng với giá trị di sản.

Đầu xuân, xin dâng nén hương thơm tưởng nhớ công ơn của người xưa tạo dựng những di sản kiến trúc mang hồn thiêng của xứ sở quê nhà. Và, bạn hãy thăm đình làng xứ Quảng để nhớ thương về thuở ban sơ nguồn cội…

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Neo giữ lòng người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO