Nẻo về cho người lầm lỡ

Thực hiện: THÀNH CÔNG 06/05/2017 08:45

Những phân biệt, kỳ thị với quá khứ tội lỗi; sự thiếu đồng bộ trong triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của các cấp, ngành cùng với chính sự tự ti, mặc cảm của những người từng lầm lỡ vẫn luôn là rào cản cho hành trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Từ khi đề án “bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù” được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cùng những cách làm linh hoạt, sáng tạo và sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng đang vạch ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trên.

THẮP SÁNG NIỀM TIN HƯỚNG THIỆN

Quá khứ với những ám ảnh tội lỗi dần được xoa dịu, bằng quyết tâm làm lại cuộc đời sau tháng ngày dài chấp hành án, và bằng sự chung tay của cộng đồng, thông qua hàng loạt mô hình hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT). Họ đang từng ngày tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, tìm thấy niềm tin để sống một cuộc đời khác: cuộc đời thiện lương…

Anh Đỗ Thế Sự đã có công việc ổn định với nghề mộc, hỗ trợ giúp đỡ việc làm cho người đồng cảnh ngộ như mình ở phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ).  Ảnh: T.C
Anh Đỗ Thế Sự đã có công việc ổn định với nghề mộc, hỗ trợ giúp đỡ việc làm cho người đồng cảnh ngộ như mình ở phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ). Ảnh: T.C

Đứng lên từ vấp ngã

Cái nắng ngày hè phả hơi nóng ngột khắp xưởng mộc nhỏ nằm phía cuối đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). Hai máy quạt công suất lớn không đủ sức làm ráo mồ hôi trên gương mặt của Đỗ Thế Sự (SN 1987, trú khối phố Hương Trung, phường Hòa Hương). Ba mươi tuổi, Sự thay cha tiếp quản xưởng mộc, vừa tự làm, vừa đào tạo nghề, giúp đỡ cho 3 lao động thường xuyên khác trong xưởng. Công việc cuốn anh theo những công trình, đi khắp Tam Kỳ và các địa phương lân cận. Sống hòa đồng, thân thiện với xóm giềng, và mải miết lao động, ít người biết Sự là một người từng phải chấp hành án tù vì tội cướp tài sản. Câu chuyện buồn của hơn 10 năm trước, nay đã dần phôi phai theo quá khứ. Nhưng trái với sự dè dặt của chúng tôi khi đề cập, Sự kể rõ về chuyện cũ, bằng một thái độ điềm tĩnh. Ra tù năm 2006, những tháng ngày tự do đầu tiên bên ngoài trại cải tạo, mặc cảm vẫn đè nặng. Anh xin đi làm công nhân điện nước cho một doanh nghiệp, rồi bôn ba kiếm sống, chừng như để tránh những ánh nhìn, những đàm tiếu sau lưng của những người quen.

Nhưng chuỗi ngày ấy không kéo dài, khi Sự thay đổi suy nghĩ, quyết tâm đối mặt và làm lại cuộc đời. “Tuổi trẻ bồng bột, sai lầm. Mình đã phải trả giá. Rồi nghĩ, chẳng lẽ buồn mãi với một chuyện đã trôi qua, vậy là mình quyết tâm đứng dậy. Đối mặt với chính mặc cảm của mình, tự mình làm lại cuộc đời cho chính mình” - Sự kể. Anh quay về với xưởng mộc của ba mình, bắt đầu chuyên tâm với nghề. Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình, xưởng mộc dần ổn định, nhiều nơi bắt đầu tìm đến đặt hàng. Công việc ngày càng dày hơn, anh đầu tư thêm máy móc, thuê nhân công lao động. Những suy nghĩ tiêu cực tan biến dần, Sự chuyên tâm hơn với xưởng, với công việc giản dị mang lại nguồn thu nhập ổn định cho mình. Một thời gian sau khi mở xưởng, anh tiếp nhận anh Nguyễn Hoàng V. (SN 1989, trú khối phố 6, phường Phước Hòa, Tam Kỳ), là người “cùng cảnh ngộ”, khi V. vừa CHXAPT về tội “Cố ý gây thương tích”. Thu nhập từ nghề mộc có thể còn khiêm tốn so với nhiều nghề khác, nhưng chính nhờ đồng tiền kiếm được từ sự vất vả của nghề giúp Sự trân trọng hơn công việc của mình, quyết tâm làm lại cuộc đời lương thiện. “Với V., và với những người đã từng “dính án” như mình, mình rất hiểu và thông cảm cho anh em. Nhu cầu của xưởng mộc còn khá nhỏ, sau này nếu mở rộng quy mô, mình vẫn sẵn sàng nhận anh em vào học nghề, làm việc” - Sự bộc bạch.

Câu chuyện của Đỗ Thế Sự, chỉ là một trong rất nhiều những mảnh ghép đầy xúc động cho hành trình vươn lên tái hòa nhập cộng đồng của những người CHXAPT. Như ông Trần Duy Nhất (thôn 1, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức), sau khi trở về địa phương, đã tự vay vốn trồng rừng, chăn nuôi. Không chỉ có thu nhập ổn định từ 30ha rừng, ông Nhất còn tạo việc làm cho 6 – 10 lao động thời vụ, gia đình được nhiều năm liền công nhận là gia đình văn hóa, là tấm gương về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện… Khát vọng hoàn lương trở thành động lực để họ đứng lên từ vấp ngã, viết tiếp những trang khác tươi sáng hơn cho chính cuộc đời mình.

Cộng đồng chung tay

Trong rất nhiều những người CHXAPT mà chúng tôi từng gặp, câu trả lời của họ thường là muốn tìm một công việc để “bắt đầu lại”. Nhưng khi sự mặc cảm vẫn còn tồn tại như một rào cản, chính sự chung tay của cộng đồng, của các cấp ngành là động lực để tiếp sức cho hành trình “bắt đầu lại” ấy của những người lầm lỗi. Hàng loạt mô hình ở cơ sở đang là đòn bẩy hữu hiệu hướng tới việc hỗ trợ cho người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng, ra đời từ chính thực tiễn của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba (Đông Giang) - cho hay, ở địa phương, mô hình quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật “4+1” của xã được thành lập từ tháng 10.2015 đến nay vẫn đang phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động theo phương thức khi một đối tượng vi phạm pháp luật, hoặc người CHXAPT trở về địa phương, ban chỉ đạo của mô hình sẽ phân công 4 tổ chức xã hội của thôn (Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…) chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý, giúp đỡ họ. Định kỳ theo quý, hoặc 6 tháng, ban chỉ đạo mô hình sẽ họp đánh giá kết quả, rút ra ưu, khuyết điểm, kịp thời điều chỉnh phương hướng hoạt động. “Từ khi thành lập đến nay, mô hình này đã tạo điều kiện nắm bắt tâm tư, giúp đỡ nhiều người CHXAPT hoặc đối tượng vi phạm pháp luật tiếp cận các kênh vay vốn, từ đó giúp 9 người CHXAPT được vay vốn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng để làm ăn, ổn định cuộc sống” - ông Nghiêm cho hay.

Sự gần gũi, thường xuyên thăm hỏi, động viên của các cấp, ngành và cộng đồng đối với người CHXAPT, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, vươn lên trong cuộc sống đang là giải pháp được triển khai mạnh mẽ, thông qua các mô hình tái hòa nhập cộng đồng xây dựng rộng khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 16/18 địa phương xây dựng các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT. Trong đó, nhiều địa phương xây dựng được các mô hình hay, gắn với thực tiễn như Thăng Bình (xây dựng 22 mô hình), Đại Lộc (18 mô hình), Tiên Phước (15 mô hình)… Với tổng cộng 147 mô hình tái hòa nhập cộng đồng, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình được củng cố; các hình thức tập hợp, huy động sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay góp sức của gia đình, xã hội cùng cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT ngày càng đa dạng, bám sát đặc điểm, tình hình mỗi địa phương. “Từ khi đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT được phê duyệt vào tháng 12.2014, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả ngày càng cao. Nhiều tấm gương người CHXAPT tự vươn lên trong cuộc sống, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các cấp, ngành và cộng đồng. Những điển hình này sẽ  tiếp thêm niềm tin cho những người CHXAPT có điều kiện hướng thiện, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội” - Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh - nhận định.

MỞ LỐI HOÀN LƯƠNG

Những kết quả đạt được qua 2 năm thực hiện đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT” là nhờ sự chủ động phối hợp của Công an tỉnh với các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Đã có nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao hiệu quả đề án này.

Các hoạt động cộng đồng của Đoàn Thanh niên đã kịp thời động viên, chia sẻ những phạm nhân, người sắp CHXAPT vượt qua mặc cảm, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: H.CƯỜNG
Các hoạt động cộng đồng của Đoàn Thanh niên đã kịp thời động viên, chia sẻ những phạm nhân, người sắp CHXAPT vượt qua mặc cảm, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: H.CƯỜNG

Tăng cường giáo dục, tư vấn

Từ nhiều năm nay, công tác giáo dục, tư vấn các quy định liên quan đến Luật Thi hành án hình sự, Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ… và những kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cần thiết cho các phạm nhân sắp CHXAPT tại các trại tạm giam trên địa bàn tỉnh luôn được Công an tỉnh chủ động thực hiện. Trong công tác này, không chỉ có các phòng, ban chuyên môn của Công an tỉnh, mà nhiều đơn vị như Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Hội Luật gia tỉnh cũng được huy động phối hợp, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, tư vấn. Theo thống kê, đã có 443 lượt phạm nhân sắp CHXAPT tại trại giam An Điềm và trại tạm giam Công an tỉnh được các đơn vị phối hợp tư vấn pháp luật, tập huấn kỹ năng trong các đợt Tết Nguyên đán, dịp lễ 30.4, lễ 2.9. Ngoài ra, tại các nhà tạm giữ, Công an các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương thực hiện công tác này.

Trong đó, chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh và trại giam An Điềm là một điểm sáng. Đây là chương trình hướng đến cái nhìn toàn diện hơn, thấu hiểu và cảm thông về những lỗi lầm, xóa bỏ định kiến, chung tay giúp đỡ thanh niên hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Theo đại diện Hội LHTN Việt Nam tỉnh, thời gian qua, song song với việc tổ chức các đợt giao lưu thể thao, văn hóa văn nghệ với phạm nhân tại các trại, hội còn phối hợp mở các lớp giáo dục kỹ năng sống cho các trại viên trong độ tuổi thanh niên đang chấp hành án phạt; tổ chức các hoạt động giáo dục phạm nhân, truyền đạt các kỹ năng về sức khỏe, việc làm, hướng nghiệp, hòa nhập cộng đồng và ứng xử trong xã hội, gia đình. S.T.B (29 tuổi, quê tại huyện Đông Giang, đang chấp hành án tại trại giam An Điềm) chia sẻ, tham dự các hoạt động tư vấn, giáo dục, bản thân anh cảm thấy tự tin hơn, xóa dần những mặc cảm, đồng thời tìm lại được ý nghĩa cuộc sống, từ đó phấn đấu chấp hành án tốt hơn. “Những buổi tư vấn giúp tôi hiểu hơn về các điều luật, các kiến thức phòng tránh tệ nạn xã hội, kỹ năng ứng xử, hòa nhập để có lối sống lành mạnh, tránh tái phạm tội. Đồng thời bản thân cũng thấy gần gũi, tự tin hơn, bớt áp lực, mặc cảm khi chấp hành xong án, trở về với cộng đồng” - B. cho hay.

Trong công tác tư vấn, giáo dục pháp luật cho đối tượng là người CHXAPT hoặc sắp CHXAPT, Hội Luật gia tỉnh cũng là đơn vị thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tư vấn. Hoạt động “Từ trại giam đến niềm kiêu hãnh” được Trung tâm Tư vấn và trợ giúp pháp lý của hội đã duy trì, tổ chức 4 đợt tư vấn cho 140 phạm nhân chấp hành án tại trại giam An Điềm và trại tạm giam Công an tỉnh, đồng thời trực tiếp tư vấn cho hàng chục lượt người CHXAPT ngay tại trụ sở hội. Đây là sự hỗ trợ cần thiết, nhân văn, tạo hành trang kiến thức pháp luật cho người CHXAPT trước khi trở về hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Thành quả từ dạy nghề, tạo việc làm

Với mục tiêu giúp các phạm nhân học nghề, có môi trường phấn đấu để tiến bộ, định hướng tích cực trong quá trình cải tạo, đồng thời lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi mãn hạn tù, công tác dạy nghề, tạo việc làm được các trại giam, trại tạm giam phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên tổ chức, hướng đến đối tượng là các phạm nhân đang chấp hành án. Tính riêng qua 2 năm thực hiện đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT”, đến hết năm 2016, đã có 4 lớp dạy nghề chăn nuôi bò, nề hoàn thiện, trồng keo lá tràm và trồng nấm cao sản, trồng tiêu cho 216 phạm nhân chấp hành án tại 2 trại. Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề thanh niên cũng được Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ tổ chức đào tạo cho hơn 200 lượt phạm nhân sắp CHXAPT, với các nghề mang tính ứng dụng cao như nề hoàn thiện, lắp đặt điện nội thất, sản xuất hàng mây tre đan…

Từ những lớp dạy nghề này, nhiều người CHXAPT trở về địa phương đã vận dụng vào thực tiễn, vươn lên phát triển kinh tế. Anh Huỳnh Tèo (SN 1985, trú thị trấn P’rao, Đông Giang) cho biết, năm 2014, CHXAPT trại giam An Điềm về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, anh trở về địa phương. Với nghề nề hoàn thiện được học tại trại giam An Điềm, anh kết hợp trồng cỏ nuôi bò, trồng keo, từng bước ổn định sản xuất, trở thành tấm gương thanh niên tiêu biểu tu chí làm ăn, vượt lên mặc cảm sau khi CHXAPT. Tương tự, anh Bùi Đông (SN 1971, trú tại xã Tam Thăng,TP.Tam Kỳ) trở về địa phương sau khi CHXAPT, từ đó chịu khó làm ăn, lập trang trại chăn nuôi gà. Hiện tại, trang trại chăn nuôi của anh có quy mô hơn 10.000 con gà, mang lại thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng, đồng thời thường xuyên giúp đỡ 3 - 5 lao động làm việc với mức lương hơn 2.5 triệu đồng/tháng.

Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên - cho hay, qua quá trình phối hợp tổ chức dạy nghề tại các trại tam giam, khá nhiều phạm nhân rất chuyên tâm với việc học nghề. “Nhiều phạm nhân thực sự có nhu cầu học nghề, thể hiện qua các khóa dạy nghề do trung tâm triển khai ở các trại. Các lớp dạy nghề trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, là nền tảng để các học viên có thể tìm được sinh kế khi CHXAPT từ nghề mà mình học” - ông Lĩnh nói. Cũng theo ông Lĩnh, thời gian tới, công tác này cần được các cấp, ngành địa phương chú trọng hơn, đồng thời kêu gọi được sự chung tay của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, để việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người CHXAPT đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, thực sự là cầu nối tốt nhất để họ trở về hòa nhập với cộng đồng.

THÁO GỠ NHỮNG BẤT CẬP

Qua hai năm thực hiện đề án “bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT”, bên cạnh những thành quả, cũng lộ ra không ít bất cập, khó khăn cần tháo gỡ. Báo Quảng Nam xin trích đăng một số ý kiến của các cấp, ngành về những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian sắp đến.

Ông Đinh Văn Thu -  Chủ tịch UBND tỉnh: Phát huy tính nhân văn của đề án

Đề án “bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người CHXAPT” là một đề án thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện để các cấp, ngành và cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ những người từng phạm tội sớm hoàn lương, phát huy giá trị bản thân, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Ý nghĩa nhân văn của đề án cần được tiếp tục duy trì, tiếp sức bằng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền và cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, từng bước xây dựng các mô hình, giải pháp hữu hiệu, nâng cao hiệu quả của đề án; kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận người CHXAPT về làm việc, tạo điều kiện để người CHXAPT tiếp cận các nguồn vốn vay, từ đó có công việc và thu nhập ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Đại tá Doãn Bá Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (PC81, Công an tỉnh): Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn

Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan tham mưu Công an tỉnh tổ chức thực hiện đề án trên. Đồng thời cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện của các cấp, ngành, các địa phương, nắm tình hình tổ chức thực hiện. Từ đó, đơn vị đã kịp thời phát hiện, đề nghị chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế như thiếu sót trong công tác điều tra, khảo sát tình hình người CHXAPT về cư trú tại địa phương; chậm triển khai điều tra cơ bản loại đối tượng trong diện cần thiết tái hòa nhập cộng đồng sau khi CHXAPT… Đơn vị đã kịp thời tham mưu chính quyền địa phương, cơ sở thực hiện các quy định về thi hành án hình sự tại xã, phường thị trấn; có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả với nhóm người thuộc diện còn mặc cảm, tự ti, dễ bị lôi kéo quay lại con đường phạm tội. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ngành được nâng lên, quy trình tiếp nhận, quản lý, giám sát, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại địa phương và người CHXAPT đi vào nề nếp, có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Trương Văn Huỳnh (huyện Điện Bàn) - người CHXAPT: Mở rộng các kênh tín dụng

Có công ăn việc làm, thu nhập ổn định là cơ sở để người CHXAPT hòa nhập tốt nhất với cộng đồng, từ đó vượt qua mặc cảm, đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn cho nhóm đối tượng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn vay đối với những người CHXAPT rất quan trọng, là tiền đề để chúng tôi có thể vươn lên phát triển kinh tế, từ bỏ con đường phạm tội. Nhưng nếu không có sự bảo lãnh của chính quyền địa phương, các cấp ngành, người CHXAPT rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn e ngại với những người từng “dính án”, cũng là khó khăn không nhỏ khi người CHXAPT trở về cộng đồng. Mong rằng thời gian tới người CHXAPT có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay, được tạo điều kiện để làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, từ đó có thể ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Chánh văn phòng UBND TP.Tam Kỳ: Thường xuyên tập huấn cho cán bộ

Bên cạnh những hiệu quả, vẫn còn một số bất cập làm giảm tác dụng của đề án trên, như nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; chưa chủ động phân công người theo dõi, giám sát, giáo dục người CHXAPT. Theo tôi, Công an tỉnh cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng cho cán bộ trực tiếp làm công tác này, hỗ trợ phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm đối với các tổ chức được phân công giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT.

Thực hiện: THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nẻo về cho người lầm lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO